Kỳ tích cứu sống bệnh nhân hôn mê sau ngừng tuần hoàn

Các y, bác sĩ khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, vừa cứu sống một bệnh nhân nam (Hà Giang) bị hôn mê sau ngừng tuần hoàn chưa rõ nguyên nhân.

Bệnh nhân đã tỉnh táo sau khi được cấp cứu, áp dụng kỹ thuật đặc biệt tại khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai

Trò chuyện với phóng viên báo Tin Tức, chị Vũ Thị Na, vợ bệnh nhân Sằm Văn Tài, 39 tuổi, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, không giấu nổi niềm vui vì ông xã đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nhưng vừa cười đấy, song chị Na lại bật khóc được ngay vì cảm xúc vui mừng vẫn còn xen nỗi sợ hãi vì người bạn đời có lúc đã ngừng tim, hôn mê sâu...

Chị Na kể, hôm 8/2, anh Tài đang ngồi uống nước với bạn trước cửa nhà thì đột nhiên bị ngã xuống đất. Lúc đầu, mọi người còn tưởng anh bị trượt chân, ngồi hụt ghế, nhưng sau tất cả mới tá hỏa khi anh vẫn nằm bất động.


“Tôi ra đến nơi thì anh Tài vẫn không có phản ứng gì. Do đó, tôi quyết định phải đưa anh tới Bệnh viện huyện Vị Xuyên ngay. Thực sự, lúc đó, tôi không thể giữ được bình tĩnh, gào khóc rất to vì bác sĩ nói chồng tôi rất nguy kịch, anh ấy bị ngừng tuần hoàn (hôn mê, ngừng thở, tím toàn thân…). Dù các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu, tim đập trở lại nhưng vẫn không có huyết áp, phải thở máy, hôn mê sâu và tiên lượng rất xấu”, chị Na cho biết.


Nhận thấy bệnh nhân có cơ hội hồi phục tốt nếu được hồi sức tích cực, đồng thời trong thời gian học chuyên khoa I, tại Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, Bs Ban Văn Thiêm, Bệnh viện huyện Vị Xuyên, biết rằng Khoa Cấp cứu A9 có kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu rất hiệu quả trong việc bảo vệ tế bào não ở bệnh nhân hôn mê sau ngừng tuần hoàn.


Bởi vậy, BS Thiêm đã xin ý kiến Giám đốc Bệnh viện Bùi Văn Toán (là người trực lãnh đạo hôm đó) được chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Trước khi đi, bác sĩ Thiêm đã gọi điện, liên hệ chuyển bệnh nhân với các bác sĩ trực tại Khoa Cấp cứu A9.


“Đến 4 giờ sáng ngày 9/2, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu A9 trong tình trạng nặng, hôn mê sâu, huyết áp tụt… Sau khi làm các kết quả siêu âm, xét nghiệm, điện tâm đồ… xác định nguyên nhân ngừng tim có thể do Hội chứng Brugada; kíp trực đã tiến hành hồi sức tích cực và áp dụng ngay kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu”, TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, cho biết.


Hội chứng Brugada là tình trạng rối loạn dẫn truyền thần kinh tim di truyền, dẫn đến rối loạn nhịp nhanh thất, rung thất và ngừng tim. Khi xuất hiện nhịp nhanh thất, rung thất thì bệnh nhân bị ngất và có thể tử vong trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh thường xảy ra ở nam giới trong độ tuổi khoảng 30 (có thể gặp ở mọi lứa tuổi), có tính di truyền. Khoảng 60% bệnh nhân trẻ bị đột tử có kèm các đặc điểm như hình ảnh điện tâm đồ điển hình của hội chứng Brugada, có người thân bị đột tử hoặc điện tâm đồ bất thường.

Bs Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai

Theo TS Nguyễn Văn Chi, ngừng tim đồng nghĩa đã chết nhưng nhờ được cấp cứu kịp thời nên tim bệnh nhân đã đập trở lại. Tuy nhiên, trong thời gian ngừng tim thì vùng não đã có những tổn thương nhất định. Lúc này, kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu (đưa nhiệt đột cơ thể của bệnh nhân xuống nhiệt độ thấp, từ 32 - 34 độ) sẽ giúp bảo vệ vùng não chưa tổn thương và tạo cơ hội để “sửa chữa” các thương tổn não do tình trạng ngừng tim trước đó gây ra… Sau khi áp dụng kỹ thuật, được sự quan tâm, chăm sóc của đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng trong khoa, đến nay, bệnh nhân đã hồi phục, tỉnh táo, tiên lượng tốt.


Nghe bác sĩ thông báo về tình hình sức khỏe của chồng, chị Vũ Thị Na lại bật khóc vì mừng. Chị Na cho biết: Thú thực, trước đó, gia đình cũng không biết thế nào. Thấy bác sĩ Bệnh viện huyện Vị Xuyên nói tình trạng anh Tài ở lại bệnh viện huyện cũng khó tiên lượng, trên đường chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai cũng nguy hiểm mà lên đến tuyến trên thì cũng không rõ cơ hội thế nào…Đằng nào cũng có những nguy hiểm nên gia đình quyết chọn lên Bệnh viện Bạch Mai, biết đâu lại có cơ may sống sót.


“Nhưng giờ thì chồng tôi đã tỉnh lại thật rồi. Tất cả là nhờ các bác sĩ ở Bệnh viện huyện Vị Xuyên, nhất là các bác sĩ khoa Cấp cứu A9 đã nhanh chóng cấp cứu, áp dụng phương pháp điều trị hiện đại, tạo lên kỳ tích, giúp cho chồng tôi đã có được cơ hội sống lần thứ hai”, chị Vũ Thị Na xúc động nói.

 

 

Bài và ảnh: Phương Liên
Cứu sống ca ngừng tim do điện giật trong bão số 3
Cứu sống ca ngừng tim do điện giật trong bão số 3

Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội) vừa cứu sống 1 trường hợp bị điện giật nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN