Hà Nội nỗ lực phổ cập bơi, chống đuối nước

Theo thống kê, tỷ lệ trẻ em biết bơi tại đô thị chưa đến 10%, trong đó có cả Hà Nội. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. Hà Nội đang nỗ lực huy động các nguồn xã hội hóa để phổ cập bơi.

Chính quyền cơ sở “vào cuộc”

Sáng nào chị Trần Thị An (Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đưa con đi học bơi theo chương trình  phổ cập bơi miễn phí của quận Cầu Giấy. “Từ đầu năm 2016 đến nay, đài báo liên tục thông tin về nạn đuối nước trẻ em. Do đó, dịp hè, khi trường tiểu học Nam Trung Yên thông báo có chương trình phổ cập bơi, tôi lập tức cho con gái lớp 5 đi học để phòng chống đuối nước, đồng thời luyện tập, tăng cường sức khỏe”. 

Theo bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, việc đầu tư xây các bể bơi trong trường học còn gặp nhiều khó khăn, do đó, từ năm 2015, quận đã liên tiếp triển khai các lớp phổ cập bơi miễn phí. Theo đó, học sinh đăng ký học bơi miễn phí từ các trường sẽ được tổ chức thành lớp học tại Trung tâm thể dục thể thao quận, có giáo viên chủ nhiệm đi kèm. Các em được học từ 10 - 15 buổi được tập luyện ít nhất một kiểu bơi và phổ cập bơi cho hơn 2.500 học sinh chưa biết bơi tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn, 100% nguồn kinh phí từ ngân sách quận. Kết thúc khóa học, học sinh sẽ được kiểm tra đánh giá, cấp chứng chỉ.

Hướng dẫn dạy bơi tại Trung tâm thể dục thể thao quận Cầu Giấy.

Trong khi đó, tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục quận Thanh Xuân cho biết: “Phòng Giáo dục quận đã lập đề án phổ cập bơi tại trường, trong đó tập trung xây dựng bể bơi mini tại trường. Phòng tham mưu với UBND quận hỗ trợ 30% kinh phí học bơi cho 100% học sinh tham gia học bơi tại trường. Thay vì phải đóng học phí hơn 1 triệu đồng/khóa học bơi, mỗi học sinh trường tiểu học triển khai phổ cập bơi chỉ phải đóng khoảng 800.000 đồng/học sinh.

Theo đại diện Trường tiểu học Khương Mai (Thanh Xuân), mô hình bể bơi lắp ghép thông minh sẽ tiết kiệm chi phí. Nếu xây 1 bể bơi cố định rộng 200 m2 có giá từ 1,5 - 2 tỷ đồng thì cùng với diện tích đó, chi phí làm bể bơi mini chỉ khoảng 200 triệu đồng. Bể bơi được lắp đặt ngay trong nhà thể chất. Bể bơi kích thước mini, độ sâu chừng 1 m, chiều dài và rộng chạy kín diện tích nhà. 

Nhân rộng mô hình

Cách đây 6 năm, thành phố Hà Nội đã “rục rịch” thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) về phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, trong đó có phổ cập bơi. “Tuy nhiên, chủ trương này hạn chế do kinh phí xây dựng bể bơi và duy trì tốn kém. Do đó, mô hình xã hội hóa phổ cập bơi và sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong dịp hè 2016 tại một số quận nội thành là những mô hình có thể nhân rộng”.

Theo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc phổ cập bơi trong thời gian qua là hướng đi cần nhân rộng. Hàng năm, Sở VHTT chỉ được bố trí kinh phí phổ cập bơi cho 30 lớp bơi miễn phí tại 26 quận huyện. Bình quân mỗi quận huyện có 1 lớp miễn phí, những huyện khó khăn được bố trí 2 lớp. Mỗi lớp từ 150 em - 200 em. Sơ kết hè vừa qua cho thấy, các lớp bơi này thu hút 6.000 em tham gia học bơi, sau khi kiểm tra có gần 4.500 em biết bơi. “Cùng với nguồn ngân sách của Sở VHTT, các quận huyện đều xây dựng kế hoạch dạy bơi phòng chống tai nạn sông nước cho trẻ em dưới nhiều hình thức dạy bơi như dạy miễn phí, nhà nước và nhân dân cùng làm… ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT cho biết.

Do đó, để phòng chống tai nạn đuối nước, Sở VHTT Hà Nội đề nghị UBND thành phố chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo lập đề án xây dựng bể dạy bơi đơn giản tại các trường tiểu học và trung học cơ sở, từng bước đưa môn dạy bơi vào chương trình giáo dục thể chất bắt buộc; đề nghị UBND các quận, huyện quan tâm dành quỹ đất để xây dựng các bể bơi đơn giản đặt tại xã, phường hoặc trường học. 

“Mô hình liên kết giữa các trường học và trung tâm thể dục thể thao, doanh nghiệp trong việc dạy bơi, phòng chống đuối nước tại một số quận huyện trên địa bàn Hà Nội là cách làm hay trong việc thực hiện Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em. Mô hình chứng minh chứng minh việc chống đuối nước không quá khó, quan trọng là chính quyền địa phương có ráo riết vào cuộc hay không”, lãnh đạo Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết.
Bài và ảnh: Xuân Cường
Khó khăn vận động trẻ học bơi
Khó khăn vận động trẻ học bơi

Phòng tránh tai nạn đuối nước bằng việc mở lớp dạy bơi cho các em đang là một nỗ lực đúng đắn, thiết thực của cả cộng đồng. Vậy nhưng, kết quả lại chưa được như mong muốn. Nguyên nhân do sự hưởng ứng chưa nhiệt tình từ phía gia đình cũng như bản thân các em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN