Di dời dân cư trong Quần thể di tích Cố đô Huế - Bài cuối: Gìn giữ, phát huy bền vững giá trị di sản

Sau gần 5 năm triển khai, dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế giai đoạn 1 đã tiến hành di dời hơn 5.000 hộ dân và từng bước trả lại không gian, diện mạo vốn có cho Khu di sản Huế. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung triển khai các thủ tục phê duyệt giai đoạn 2 của dự án.

Giải quyết cơ bản bài toán người dân sống trên đất di tích

Chú thích ảnh
Mặt bằng di tích được hoàn trả sau cuộc di dân lịch sử của giai đoạn 1. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-HĐND ngày 21/8/2023 thông qua điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Di tích Kinh thành Huế (thuộc Quần thể di tích Cố Đô Huế). Theo đó, giai đoạn 2 (2023 - 2025), tỉnh sẽ điều chỉnh, mở rộng tổ chức di dời dân cư, giải phóng mặt bằng với khoảng 1.287 hộ (trong đó có 489 hộ chính và 798 hộ phụ) ở 19 khu vực di tích, gồm: Hổ Quyền, Voi Ré, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu - Võ Miếu, đàn Nam Giao, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Khải Định, lăng Gia Long, lăng Trường Cơ, lăng Cơ Thánh, điện Hòn Chén, Trấn Hải Thành, lăng Vạn Vạn, đàn Âm Hồn, Quốc Tử Giám. Tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 664 tỷ đồng. Dự kiến, khu vực tái định cư để bố trí cho các hộ dân là hơn 9 ha ở phía Bắc Hương Sơ (thành phố Huế) với tổng mức đầu tư gần 163 tỷ đồng. Việc triển khai giai đoạn 2 của đề án sẽ giúp tỉnh giải quyết căn bản bài toán di dời người dân sinh sống tại các khu vực thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.

Khuôn viên di tích An Lăng - nơi yên nghỉ của 3 vị vua nhà Nguyễn là: Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân cùng hoàng hậu và hàng chục con cháu hoàng tộc, hiện còn hơn 30 hộ dân đang sinh sống. Hơn 40 năm trước, chính quyền sở tại đã cấp nhà tập thể cho một số cán bộ các sở, ngành sinh sống ở khu vực này. Đến nay, dãy nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, tuy nhiên không thể sửa chữa, xây mới do nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. Nhiều năm qua, người dân nơi đây mong mỏi được di dời, tái định cư để ổn định cuộc sống.

Ông Hoàng Văn Phỉ là cán bộ của Ty Công nghiệp Bình Trị Thiên. Năm 1980, ông được cơ quan bố trí một căn nhà tạm với diện tích 30 m2 tại khu vực lăng Dục Đức để sinh sống và thuận lợi cho công tác. Đến nay, cả gia đình 5 người với 3 thế hệ sống chen chúc trong căn nhà tạm xuống cấp, dột nát. “Ở tuổi gần đất xa trời, tôi mong muốn sớm được di dời đến nơi ở mới với chính sách đền bù thỏa đáng để xây dựng ngôi nhà vững chãi, con cháu có nơi an cư lạc nghiệp” - ông Phỉ chia sẻ.

Thực tế vẫn còn hàng ngàn hộ dân “sống treo” trên đất di tích, ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị di sản. Đa phần nhà cửa ở các khu vực này đều được xây dựng từ 40 - 70 năm trước, xuống cấp nghiêm trọng nhưng không thể sửa chữa, xây mới do liên quan đến các quy định của Luật Di sản văn hóa. Áp lực gia tăng dân số theo thời gian không chỉ khiến cuộc sống người dân không được đảm bảo mà còn tạo áp lực tàn phá quần thể di tích. Việc thực hiện dự án giai đoạn 2 sẽ mở ra cơ hội ổn định, nâng cao đời sống người dân và phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn cho địa phương.

Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế Đăng Minh Thắng cho biết, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 11315/TTr-UBND ngày 20/10/2023 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thẩm tra đề xuất điều chỉnh, bổ sung và mở rộng phạm vi áp dụng của Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế giai đoạn 2. Sau khi Bộ có văn bản thẩm tra đối với nội dung nêu trên và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, đơn vị sẽ triển khai giai đoạn 2 trong hai năm 2024 - 2025.

Không gian mới, cơ hội mới để phát huy di sản

Chú thích ảnh
Tại khu tái định cư, người dân được đảm bảo điều kiện học tập và vui chơi. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Cuộc di dân “lịch sử” đã mang đến diện mạo mới cho không gian Kinh thành Huế, góp phần đẩy nhanh quá trình bảo tồn, phục dựng lại các di tích trong Quần thể di tích Cố đô Huế. Đây cũng là cột mốc quan trọng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo tồn di sản sau 30 năm, từ khi UNESCO công nhận Quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hóa thế giới.

Sau khi người dân di dời giai đoạn 1, UBND thành phố Huế đã huy động nhân lực, máy móc, phương tiện để phá dỡ nhà tạm, san gạt mặt bằng, thu dọn rác thải, phát dọn cỏ dại. Khu vực Thượng Thành, Eo bầu, Hộ Thành Hào, tuyến Phòng Lộ… hoang tàn nhếch nhác một thời, giờ đã thông thoáng, sạch sẽ. Một số công trình quân sự quy mô triều Nguyễn dần được hé lộ sau hàng chục năm bị người dân lấn chiếm, tác động.

Trong quá trình chỉnh trang di tích, bước đầu, một số khu vực được khai thác để phục vụ du lịch. Khu vực Eo Bầu ở pháo đài Nam Xương, Nam Thắng, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trồng nhiều cây xanh, tận dụng trở thành bãi đỗ xe cho khách du lịch. Mới đây, tuyến đường đi bộ trên Thượng thành từ Eo bầu Nam Xương sang Eo bầu Nam Thắng, ngang qua Kỳ đài được đưa vào hoạt động đã mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ trên hành trình khám phá Kinh thành Huế từ trên cao...

Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, việc giải tỏa, di dời dân cư sống trong vùng bảo vệ di tích sẽ tạo không gian mới cho Khu Di sản Huế, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ, điểm đến gắn với triều Nguyễn. Cùng với việc phát huy loại hình du lịch truyền thống gắn với di sản, văn hóa, ngành Du lịch sẽ xúc tiến các sản phẩm mới như: Giải chạy marathon trải nghiệm các cung đường di sản hoặc trên bờ Thượng Thành; hoạt động văn hóa, văn nghệ, dịch vụ về đêm khu vực Kinh thành Huế.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, sự đồng thuận, nhờ sự đồng lòng của người dân với chính quyền, việc giải tỏa, di dời dân cư khu vực 1 Kinh Thành Huế giai đoạn 1 đã đạt kết quả khả quan, nhất là trả lại nguyên vẹn giá trị khu di sản. Đây cũng là cơ sở kế thừa để thực hiện thành công giai đoạn 2. Hành trình này sẽ là bước tiến quan trọng, cột mốc lịch sử trong định hướng phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh” đang được các cấp chính quyền và người dân Cố đô nỗ lực hiện thực hóa.

Mai Trang - Tường Vi (TTXVN)
Di dời dân cư trong Quần thể di tích Cố đô Huế - Bài 1: Những thay đổi từ cuộc di dân lịch sử
Di dời dân cư trong Quần thể di tích Cố đô Huế - Bài 1: Những thay đổi từ cuộc di dân lịch sử

Quần thể di tích Cố đô Huế là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Với sự hỗ trợ của Trung ương, từ năm 2019 - 2023, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã di dời hơn 5.000 hộ dân đang sinh sống trong khu vực I, hệ thống Kinh thành Huế theo Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 1). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN