Phát huy giá trị cảnh quan văn hóa di sản Huế

Ngày 9/8, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Đại học Waseda (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu giá trị cảnh quan văn hóa Di sản Huế và các vùng phụ cận trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế”.

Chú thích ảnh
 Quang cảnh hội thảo. 

Hội thảo trao đổi quan điểm bảo tồn cảnh quan văn hóa của vùng đệm di sản, tiến đến xây dựng phương án và chính sách bảo vệ sự toàn vẹn, duy trì và phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan và môi trường, nâng cao hiệu quả bảo tồn, quản lý di sản gắn với phát triển du lịch bền vững của đô thị Di sản Huế.

Theo các nhà nghiên cứu, trong đánh giá của các vua triều Nguyễn, vị trí địa lý của Huế không chỉ quan trọng về mặt giao thông, có tính chất phòng thủ mà còn hàm chứa những ý nghĩa đặt biệt về phong thủy theo quan niệm truyền thống phương Đông, chi phối đến sự thịnh suy của cả triều đại. Dưới thời nhà Nguyễn, các cụm công trình kiến trúc quan trọng đều được thiết kế gắn liền với yếu tố cảnh quan phong thủy như những ngọn núi, quả đồi, sông, suối, đặc biệt là hồ nước. Đây chính là những thuộc tính văn hóa cảnh quan tạo nên giá trị nổi bật của di sản văn hóa thế giới ở Cố đô Huế.

Các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn là một tổ hợp những công trình kiến trúc nằm trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, chứa đựng những vẻ đẹp riêng biệt như lăng Gia Long hoành tráng, lăng Minh Mạng thâm nghiêm, lăng Thiệu Trị giản dị, lăng Tự Đức thơ mộng, lăng Đồng Khánh xinh xắn, lăng Khải Định tinh xảo. Các lăng tẩm ở Huế xứng đáng được đánh giá là thành tựu rực rỡ nhất trong các di sản kiến trúc cung đình của người Việt Nam, được các chuyên gia di sản văn hóa quốc tế ca ngợi như một kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã thảo luận, trao đổi về vấn đề quản lý vùng đệm di sản, quá trình quy hoạch xây dựng Kinh đố Huế trong lịch sử, công tác bảo tồn cảnh quan văn hóa trong đô thị Di sản Huế, yếu tố phong thủy trong quy hoạch lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn…

Ông Shigeru Satoh (Giáo sư danh dự của Đại học Waseda) cho rằng, bên cạnh việc cần thiết phải bảo vệ cảnh quan di tích theo quy định, địa phương cần có hình thức phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng ở lăng Vua Gia Long và lăng Vua Thiệu Trị để giúp người dân chung sống với di sản, tái tạo di sản và bảo vệ bền vững di sản.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, kết quả hội thảo sẽ bổ sung cho việc nghiên cứu đề án Quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Cảnh quan văn hóa thế giới theo khuyến nghị của UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tin, ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN)
Phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế để phát triển bền vững
Phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế để phát triển bền vững

Huế - vùng đất Cố đô hội tụ nhiều di sản quý báu của cha ông để lại, trong đó có những di sản được vinh danh ở tầm quốc tế, là di sản thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN