Công nhân đình công trái pháp luật: Câu hỏi về vai trò của công đoàn cơ sở

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... đã xảy ra một số vụ công nhân đình công trái pháp luật; có nơi một số kẻ quá khích còn đốt phá nhà máy và hôi của ở doanh nghiệp nước ngoài trong tháng 5 vừa qua. Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa một phần là do công nhân chưa được phổ biến kiến thức pháp luật, ý thức chính trị và một phần còn do các tổ chức công đoàn chưa bảo vệ quyền lợi, lợi ích của công nhân ngay tại doanh nghiệp khiến mâu thuẫn tích tụ.

 

Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn để hạn chế đình công, biểu tình trái pháp luật.


Ghi nhận tại các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh những ngày này, đa số các công nhân đã ổn định tâm lý và trở lại làm việc. Tuy nhiên, khi nhắc lại vụ biểu tình kích động vừa qua, nhiều công nhân vẫn đánh giá thấp hiệu quả hoạt động của công đoàn, bởi theo họ, hiện các cấp công đoàn vẫn chưa biết cách quan tâm, bảo vệ, chăm lo cho công nhân.


Chị Nguyễn Xuân Hà, công nhân làm việc tại một công ty nước ngoài trên địa bàn quận 9 (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Làm việc trong công ty chuyên sản xuất túi xách của nước ngoài đã hơn 5 năm nhưng gần đây, tôi mới thấy công ty có tổ chức công đoàn. Tổ chức này được lập ra có 1 - 2 người tham gia chỉ cho có chứ tôi chưa thấy làm được gì hay bảo vệ quyền lợi gì cho công nhân”.


Chính sự yếu kém và chưa thể hiện được vai trò của tổ chức công đoàn ngay tại doanh nghiệp mà mới đây đã có gần 900 công nhân của Công ty TNHH Shilla Bags Việt Nam (một công ty 100% vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất vali, túi xách tại quận 12) đã đình công để phản đối quy định về thời gian đi vệ sinh. Theo đó, một nữ công nhân trong khi đang làm việc chợt lên cơn đau bụng nên đã đi vệ sinh mà không kịp xin phép. Nữ công nhân này đã bị người gác cửa không cho đi vì chị đã “đi vệ sinh sai thời gian quy định”. Để hạn chế công nhân lợi dụng đi vệ sinh trốn việc, công ty này đã đặt ra quy định trong một ngày công nhân chỉ được đi vệ sinh vào hai thời điểm: Sáng từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30 và chiều từ 14 giờ đến 15 giờ. Ngoài hai thời điểm trên, công ty không giải quyết các trường hợp khác. Vì quy định khắc nghiệt này, “nhu cầu bức thiết” của chị công nhân kia cũng không được giải quyết. Quá bức xúc vì quy định trên, các công nhân của công ty đã đồng loạt ngừng làm việc tập thể để phản đối.


Theo một vị đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh, việc đình công của công nhân công ty trên là tự phát và không đúng theo pháp luật, bởi khi đình công không có tổ chức công đoàn đứng ra vận động. Theo vị này, hiện nay, trong các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp FDI có các tổ chức công đoàn nhưng tổ chức này hoạt động còn mang tính chất hình thức, thậm chí một số doanh nghiệp còn không có tổ chức công đoàn đã dẫn đến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm, kéo theo đó là hệ lụy đình công tự phát cũng khó tránh khỏi.


“Thành phố là nơi tập trung nhiều lao động ngoại tỉnh tới cho nên quan hệ lao động rất phức tạp. Các vụ đình công, biểu tình trái pháp luật diễn ra có nguyên nhân từ thiếu sự chia sẻ, hiểu biết giữa doanh nghiệp và người lao động. Mặt khác, trong những năm qua, thành phố và các cấp, các ngành thường xuyên chăm lo cho công nhân, tuy nhiên do số lượng cần quan tâm khá lớn nên chưa đáp ứng được hết nhu cầu của công nhân. Hiện nhiều công nhân vẫn còn bức xúc về tiền lương, phụ cấp, nơi ăn chốn ở, nhà giữ trẻ an toàn, nơi vui chơi sinh hoạt văn hóa... Do đó, tổ chức công đoàn cần phát huy hết vai trò của mình để đảm bảo lợi ích hài hòa cho hai bên”, ông Trần Công Khanh, Chủ tịch công đoàn các KCN - KCX TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận.


Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng: hiện việc tổ chức tuyên truyền pháp luật của doanh nghiệp cho người lao động còn hạn chế. Cá biệt, khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người lao động nhưng cán bộ công đoàn, người lao động cũng không nhiệt tình tham gia. Hiệu quả tuyên truyền không cao cũng dẫn đến nhiều công nhân vẫn chưa hiểu, chưa hành động đúng theo pháp luật hay thực hiện đúng đường lối chính sách của nhà nước. Chính vì không hiểu pháp luật, cộng với trình độ học vấn hạn chế cho nên công nhân rất dễ bị lôi kéo, kích động gây mất trật tự an ninh xã hội.


Có thế thấy, cũng bởi các cấp công đoàn chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích của người lao động, lại thêm việc người lao động chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật cho nên đa số các cuộc đình công, biểu tình hiện nay đều bị coi là trái pháp luật, gây ảnh hưởng tới cả công nhân và doanh nghiệp. Vì vậy, để hạn chế được thực trạng trên, đa số các chuyên gia về lao động đều cho rằng, cần phải nêu cao vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, nhất là tại các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ khi vai trò của các cấp công đoàn được nâng cao thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động mới bền vững, hài hòa.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Đẩy nhanh thực hiện hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại
Đẩy nhanh thực hiện hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc đẩy nhanh thực hiện các giải pháp và giải quyết các thủ tục hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại tại một số địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN