Chắp cánh cho thương hiệu chè Thái Nguyên

Chỉ còn vài ngày nữa, Festival trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai 2013 sẽ chính thức khai mạc. Không đơn thuần là một hoạt động văn hóa, Festival trà Thái Nguyên được kỳ vọng trở thành “cầu nối”, đưa hương chè Thái Nguyên bay xa đến mọi miền của Tổ quốc và vươn ra thế giới.

Người nông dân cần mẫn trên cánh đồng chè.


Cây chè bén duyên với đất Thái Nguyên từ những năm đầu của thế kỷ 20 ở vùng Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Những nguyên tố vi lượng và điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt đã làm nên một hương vị chè Thái Nguyên đậm đà, sóng sánh, không thể trộn lẫn với các vùng chè khác.

“Cây làm giàu”


Từ thời kỳ Pháp thuộc, Thái Nguyên đã được mệnh danh là vùng đất “Đệ nhất danh trà”. Hiện cây chè đã trở thành cây “làm giàu” của nhiều nông dân Thái Nguyên. Tổng diện tích chè của toàn tỉnh đã lên tới gần 20.000 ha, sản lượng đạt hoảng 185.000 tấn/năm. Ngoài Tân Cương, Thái Nguyên còn nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng khác như: La Bằng (Đại Từ), Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương), Sông Cầu, Trại Cài (Đồng Hỷ)…

Xác định, cây chè là “cây làm giàu” cho người nông dân trong gần 3 năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã trồng mới và trồng lại gần 4.000 ha chè, thay thế chè giống cũ bằng các giống chè chất lượng cao như: LDP 1, Phúc Vân Tiến, Kim Tuyên... góp phần nâng cơ cấu chè giống mới so với tổng diện tích chè hiện có lên gần 50%. Cùng với việc cải tạo, nâng cao chất lượng giống chè, tỉnh đã xây dựng 28 mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích chè đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP hơn 300 ha. Cùng với 34 cơ sở, doanh nghiệp chế biến chè công nghiệp, toàn tỉnh đã xây dựng được 84 làng nghề và 22 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè đặc sản theo phương thức truyền thống.

Trong quá trình nâng cao giá trị của cây chè Thái, bước đầu, tỉnh cũng xây dựng được 5 mô hình đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất chè an toàn, chất lượng tại các huyện: Phổ Yên, Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ với các hạng mục đầu tư đồng bộ gồm công trình thủy lợi, đường nội đồng, đường điện hạ thế, trung tâm đóng gói... nhằm đáp ứng cơ bản yêu cầu phục vụ sản xuất chè an toàn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, xây dựng vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung.

Đặc biệt, từ năm 2011 trở lại đây, chưa kể nguồn vốn do nhân dân tự đầu tư, tổng vốn đầu tư cho chương trình nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè trong toàn tỉnh lên tới hơn 90 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ trồng, thâm canh, chế biến, sản xuất chè, người trồng chè Thái Nguyên đã có mức thu nhập từ 80 đến 85 triệu đồng/ha/năm. Do nhu cầu của thị trường, hơn 80% sản lượng chè được chế biến bằng phương pháp thủ công.

Hiện giá chè xanh Thái Nguyên phổ biến ở mức 100.000 đồng đến 250.000 đồng/kg, riêng tại các vùng chè đặc sản như: Tân Cương, Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên), Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương), La Bằng, Thanh Định (Đại Từ), Trại Cài - Minh Lập (Đồng Hỷ)... giá chè trung bình từ 250.000 đồng đến trên 300.000 đồng/kg.

Các làng nghề, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến chè đã được hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên, góp phần tạo dựng vị thế vững chắc của thương hiệu "Chè Thái Nguyên" trên thị trường. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 ổn định diện tích chè với năng suất 12 tấn/ha, sản lượng đạt 200.000 tấn búp tươi, 100% diện tích chè đáp ứng yêu cầu sản xuất chè VietGAP...

Tôn vinh giá trị cây chè

Bà Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Ban tổ chức Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai cho biết: Sau thành công của Festival trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ nhất (năm 2011), thương hiệu chè Thái Nguyên đã được biết đến nhiều hơn, nhất là thị trường khu vực và trên thế giới.

Để tiếp tục quảng bá cho thương hiệu chè Thái Nguyên, tại Festival lần này, Ban tổ chức đã xây dựng 6 hoạt động chính gồm: Lễ khai mạc; Lễ hội văn hóa trà; Carnaval trà Thái Nguyên; Hội thảo về sản phẩm trà và xúc tiến đầu tư phát triển ngành chè, xúc tiến du lịch; chung kết cuộc thi "Người đẹp xứ Trà" 2013, Lễ bế mạc Festival trà. Ngoài ra trước và trong thời điểm diễn ra Festival trà năm nay còn có nhiều hoạt động hưởng ứng như: Triển lãm ảnh nghệ thuật giới thiệu về đất nước, con người, trà Thái Nguyên, Việt Nam; chợ quê trưng bày sản phẩm trà, sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của các dân tộc; 3 tuyến du lịch về các vùng chè, điểm du lịch nổi tiếng của Thái Nguyên...

Tại Festival trà lần này, Ban tổ chức cũng công bố 2 kỷ lục của trà Thái Nguyên đó là kỷ lục quốc gia về "Danh hiệu trà được nhiều người biết đến nhất" và kỷ lục quốc tế dành cho "sản phẩm thuộc top các đặc sản quà tặng có giá trị của châu Á".

Theo Ban tổ chức, đến thời điểm này đã có 84 đoàn trà, trong đó có 3 đoàn quốc tế, 24 đoàn ngoài tỉnh và 57 đoàn trong tỉnh đại điện cho các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tỉnh, thành có sản xuất chè, chế biến, kinh doanh chè, các vùng chè nguyên liệu, chè đặc sản, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè nổi tiếng trong tỉnh xác nhận tham dự Festival trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai 2013.

Mọi công việc chuẩn bị cho Festival gần như đã hoàn tất. Người dân Thái Nguyên đang hướng về những ngày hội tôn vinh những giá trị vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên cũng như trà Việt Nam, góp phần đưa thương hiệu chè Thái Nguyên vươn xa, có vị thế vững chắc trên thị trường trong nước cũng như ở nước ngoài.


Bài và ảnh: Hoàng Thảo Nguyên

Phát huy giá trị không gian văn hóa trà Thái Nguyên
Phát huy giá trị không gian văn hóa trà Thái Nguyên

Không gian văn hóa Trà Thái Nguyên được xây dựng năm 2011, kịp chào đón Lễ hội Trà Thái Nguyên lần thứ nhất, tại xã Tân Cương (Thái Nguyên). Không gian có diện tích 26.000 m2, gồm: Bãi đỗ xe, sân trung tâm, nhà trung tâm và khu điều hành đón tiếp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN