Cây xanh đô thị Việt Nam chỉ bằng 1/10 thế giới

Tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2-3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 đến 25m2.

Cây dầu được trồng tại công trình đô thị, tạo nên “lá phổi xanh” cho thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Tại một cuộc hội thảo ngày 25/3 tại Hà Nội, Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết hiện nay tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 đến 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 đến 25m2, nghĩa là cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới.

Nhiều đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, tỷ lệ cây xanh thấp do thiếu quy hoạch cây xanh, chưa quan tâm đúng mức sự phát triển của không gian xanh. Đặc biệt việc trồng cây xanh chưa đúng cách, cây trồng không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên thiếu sức sống, cây mục dễ có nguy cơ bật gốc.

Cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Hiện một số tỉnh, thành phố đã tổ chức lập quy hoạch cây xanh như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Tây Ninh... Nhiều đô thị hiện đang đầu tư chỉnh trang, trồng mới cây xanh trên các tuyến phố, nhiều đường phố có cây trồng đặc trưng tạo nên những hàng cây đẹp đặc trưng như ở Nha Trang, Vũng Tàu, Tây Ninh, Hải Phòng...


Quy hoạch cây xanh đô thị được thể hiện trong quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết ở các đô thị và các dự án đầu tư khu đô thị. Ở các khu đô thị mới lập quy hoạch bắt buộc phải dành từ 30 đến 40% quỹ đất cây xanh, mặt nước trong quy hoạch và định hướng cho sự phát triển dài hạn ở khu đô thị yếu tố cảnh quan môi trường và hệ thống cây xanh đã được chú ý, đầu tư một cách bài bản. 

Theo Tiến sỹ, Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận, tại Việt Nam các quy định về diện tích bình quân của cây xanh khu đô thị mới chỉ ở mức tối thiểu và giới hạn trong khái niệm “không gian xanh”, chưa làm rõ cách tiếp cận hệ thống không gian trống; trong đó không gian xanh chỉ là một bộ phận cấu thành.

Cây xanh trong đô thị cần được tổ chức thành nhiều cấu trúc khác nhau như hành lang bảo vệ sông suối, đồi cây, công viên, vườn hoa, tuyến cây trục phố, vườn cây gia đình. Trong đô thị xanh nên liên tục có khoảng vườn cây xanh với khoảng cách 200m, với diện tích tối thiểu là 0,1ha sẽ có tác dụng tốt làm mát không khí và tạo điều kiện thông gió cho khu vực. Đối với đô thị trung bình và nhỏ nên tạo ra không gian thảm thực vật đặc biệt như vườn ươm cây, sản xuất nông nghiệp sạch, rừng tự nhiên…để có thể tham gia vào không gian đô thị, bà Thuận đề xuất.

Để phát triển cây xanh một cách bền vững thì cần phải tổ chức một cách đồng bộ từ công tác quy hoạch cây xanh, thiết kế chi tiết cho từng tuyến phố đến việc quản lý, trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật. 

Việc trồng cây xanh có giá trị vô cùng quan trọng mang lại giá trị đô thị lâu dài. Quy hoạch đô thị cần phải đặt yếu tố “xanh” lên hàng đầu. Không gian xanh đô thị không chỉ có cây xanh đường phố, công viên, mặt nước mà cần phải có cái nhìn toàn diện hơn bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, khu sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục cảnh quan. 

Tại hội thảo, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam cho biết, hội thảo này có ý nghĩa hết sức quan trọng để hiệp hội lắng nghe ý kiến các nhà khoa học góp ý về vấn đề cây xanh. Đây là cơ sở để hiệp hội có kiến nghị về công tác trồng và bảo vệ cây xanh lên Bộ Xây dựng, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Những ý kiến góp ý của các nhà khoa học cũng sẽ được tổng hợp để đề xuất với Quốc hội xây dựng Luật Quản lý cây xanh đô thị nhằm tạo nên cơ sở pháp lý trong các vấn đề cây xanh tại các đô thị của Việt Nam. 

Văn Giáp (TTXVN)
Vận động người dân trên các tuyến phố bảo vệ cây xanh
Vận động người dân trên các tuyến phố bảo vệ cây xanh

Liên quan vụ việc hàng cây xà cừ trên đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) bị lột vỏ, sáng ngày 8/2, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đã cho người theo dõi, kiểm tra và vận động người dân trên các tuyến phố bảo vệ cây xanh, không xâm hại bằng hình thức đẽo, lột vỏ. Người dân có thể liên hệ qua số điện thoại 043.9764540 để phản ánh thông tin, nhằm góp phần bảo vệ cây xanh trên địa bàn Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN