Bức tranh tươi mới trên quê hương 'khoán hộ'

Tết Nguyên đán Ất Mùi đến gần, niềm vui của người dân Vĩnh Phúc như được nhân lên gấp bội bởi tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày thành lập tỉnh (12/2/1950-12/2/2015). Mọi cơ quan, đơn vị, khu dân cư, đường phố sạch đẹp và trang trí cờ hoa; nhiều chương trình hội chợ, văn hóa văn nghệ đặc sắc sẵn sàng phục vụ người dân... Tất cả tạo nên bầu không khí vui tươi, sinh động để người dân có nhiều cơ hội vui Tết, đón xuân, chào đón tỉnh "65 tuổi".

Chặng đường 65 năm xây dựng

Cách đây 65 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn tỉnh diễn ra ác liệt, liên tục phải đối phó với âm mưu bình định, càn quét đánh phá của địch. Căn cứ vào địa lý và mối quan hệ nhiều mặt của nhân dân hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 03 quyết định hợp nhất hai tỉnh thành tỉnh Vĩnh Phúc. Hội nghị hợp nhất được tiến hành tại thôn Sơn Kịch, xã Hợp Lý (nay là xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch). Ngày 12/2/1950 đã đi vào lịch sử, không chỉ là mốc son đánh dấu cho sự ra ra đời của một địa phương mà còn mở ra một thời kỳ mới của Vĩnh Phúc trong tiến trình xây dựng và phát triển.

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc bước vào xây dựng cuộc sống mới với rất nhiều khó khăn. Giai đoạn 1955 - 1965, Vĩnh Phúc tập trung khôi phục lại năng lực sản xuất nông nghiệp để giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm nên trong thời gian ngắn, nạn đói được đẩy lùi. Bước vào thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), kinh tế nông, công nghiệp phát triển tương đối khá, văn hóa, xã hội cũng có nhiều chuyển biến, các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi tạo nên động lực tinh thần to lớn.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng (ngồi giữa) phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư “Cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Vĩnh Phúc, Việt Nam và Nam Phi” tại thành phố Johannesburg (Nam Phi) ngày 11/9/2014. Ảnh: Hải Đường - P/v TTXVN tại Nam Phi


Qua các phong trào thi đua như “Đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong”, “Vượt sóng Duyên Hải”...  nhiều điển hình tiên tiến cả nước về sản xuất, chăn nuôi, trồng cấy giỏi được Bác Hồ về thăm, khen ngợi. Những thành tích đó đã giúpVĩnh Phúc là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn miền Bắc về sản xuất lương thực, trồng cây, làm thủy lợi và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa từ năm 1963 - 1965.

Giai đoạn 1965 - 1975, dấu ấn đáng nhớ nhất là năm 1966 tại Vĩnh Phúc xuất hiện phong trào “khoán hộ” đã tạo nên nguồn sinh khí mới, tạo động lực mới để nhiều hợp tác xã vươn lên, đạt năng suất 6 - 7 tấn thóc/ha. Mô hình “khoán hộ” không chỉ sáng tạo trong tư duy quản lý lao động hợp tác xã lúc đó mà còn giúp cho Đảng những căn cứ, thực tiễn để nghiên cứu, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp. Thời điểm này, cũng đánh dấu một việc quan trọng khi ngày 26/1/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504 về hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Sau gần 30 năm hợp nhất với Phú Thọ, cuối năm 1996, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 đã quyết định chia tách tỉnh Vĩnh Phú thành hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập từ ngày 1/1/1997, có diện tích tự nhiên 1.231 km2, hiện nay có 9 đơn vị hành chính cấp huyện với 137 xã, phường, thị trấn.

Bứt phá vươn lên

Khi tái lập, Vĩnh Phúc là một tỉnh rất nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém, không đủ điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung và gắn với nhu cầu thị trường. Mặt khác, đất canh tác ở Vĩnh Phúc nhỏ hẹp. Trước thực trạng này, Đảng bộ tỉnh đã xác định phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tập trung xóa đói, giảm nghèo, từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh giàu mạnh.

Tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 1996 - 2000, Vĩnh Phúc xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ sang công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Nhiệm kỳ XIV (2005 - 2010), Tỉnh ủy đã ban hành nhiều Nghị quyết mở đường cho sự phát triển vượt bậc của Vĩnh Phúc; trong đó, có các Nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đến năm 2010, định hướng đến năm 2020...

Vĩnh Phúc nhanh chóng quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, khoa học công nghệ hiện đại và làm ra những sản phẩm có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhiều người dân trong và ngoài nước. Nhờ các chính sách thông thoáng và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đã có hàng loạt các doanh nghiệp lớn và uy tín đến tỉnh đầu tư, như Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Prime Group. Tính trong giai đoạn (2005 -  2010), tỉnh đã thu hút hơn 500 dự án mới, trong đó có 113 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 1,85 tỷ USD; 394 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 20.497,8 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Vĩnh Phúc cùng giai đoạn này đạt 17,4%/năm, trong khi mục tiêu Đại hội đề ra là 14  - 14,5%/năm.

Những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc không ngừng phấn đấu, đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo và thuần nông, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, đến nay Vĩnh Phúc có quyền tự hào là một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế vừa chủ động và năng động. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, tiến bộ, đặc biệt là hai trung tâm đô thị Vĩnh Yên và Phúc Yên.

Kinh tế của tỉnh liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đến nay, tỉnh có cơ cấu kinh tế, với tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm 84,145%; nông nghiệp, thủy sản chỉ còn 10,72%. Thu ngân sách hàng năm tăng nhanh, từ 100 tỷ đồng (năm 1997) lên 10.000 tỷ đồng (năm 2009).

Năm 2014, thu ngân sách tỉnh đạt 20.966 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 17.703 tỷ đồng. Theo dự thảo Chương trình hành động của UBND tỉnh, năm 2015, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng từ 6,5 - 7%; tổng thu ngân sách hơn 22.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho khoảng 20.000 - 22.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,5 - 3%. Đến hết năm 2013, Vĩnh Phúc đứng thứ nhất toàn quốc về tỷ lệ (17,86%) và đứng thứ 2 về số xã (20 xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2014 Vĩnh Phúc có gần 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới.



Nguyễn Trọng Lịch



Hội thảo xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc tại Ấn Độ
Hội thảo xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc tại Ấn Độ

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ, đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, do ông Phạm Văn Vọng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu, đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ tổ chức cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN