Bao giờ trả nốt phần còn lại nếu không cho rút bảo hiểm xã hội một lần quá 50%?

Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất không cho rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần quá 50%. Tuy nhiên, nếu người lao động không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì khi nào được rút phần còn lại?

Đó là ý kiến của công nhân, người lao động qua các cuộc họp đối thoại với người lao động. Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nêu rõ dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất mức rút bảo hiểm xã hội một lần là 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chú thích ảnh
Công nhân, người lao động tham gia đối thoại với các cấp chính quyền tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, người rút bảo hiểm phải đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm và sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện. Ví dụ như, nếu một người đóng bảo hiểm xã hội 10 năm, nếu rút một lần sẽ tính số tiền và thời gian đóng tối đa 5 năm. Số còn lại sẽ bảo lưu khi về hưu hoặc nếu tham gia bảo hiểm trở lại sẽ cộng dồn thêm.

Trường hợp không đủ số năm đóng BHXH có thể đóng bù số năm thiếu một lần để hưởng lương hưu hoặc nhận trợ cấp hằng tháng kèm bảo hiểm y tế. Cuối cùng, người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội một lần thì vẫn được giải quyết.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, qua thống kê, nếu người lao động cứ khó khăn lại rút một lần thì sau này sẽ không có lương hưu (khoảng 700.000 người/năm). Do vậy, phương án rút tối đa 50% này giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt và lương hưu lâu dài.

Một ý kiến của cán bộ công đoàn khác nêu tại sao không để người lao động tự đóng bảo hiểm xã hội thay vì giao phó cho doanh nghiệp dẫn tới nhiều đơn vị vì khó khăn mà chậm, trốn đóng BHXH.

Ông Nguyễn Duy Cường khẳng định hiện có hơn 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ quản lý trên 300.000 doanh nghiệp. Do đó, nếu để cơ quan quản lý thu 16 triệu lượt đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng, truy thu từng trường hợp thiếu thì rất khó khăn.

Đại diện công đoàn cơ sở cũng đề xuất các biện pháp mạnh hơn để giảm thiểu câu chuyện doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Trên thực tế, có chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước, bán hết máy móc khiến công nhân dù thắng kiện cũng không thể lấy lại tiền bảo hiểm đã đóng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải cung cấp danh sách đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng cho công đoàn để thực hiện giám sát, tránh trường hợp nợ cộng dồn nhiều tháng. Thứ ba, cần có quỹ để hỗ trợ cho người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội.

Đối với vấn đề nợ BHXH, dự thảo đề xuất doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm phải nộp số tiền tính theo ngày (0,03%/ngày như tiền chậm nộp thuế) hay áp dụng hoãn xuất nhập cảnh, ngừng sử dụng hóa đơn. Công đoàn và cơ quan bảo hiểm xã hội cũng có thể khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm ra tòa án.

XM/Báo Tin tức
Mùa hè, ‘hot’ du lịch biển
Mùa hè, ‘hot’ du lịch biển

Khi học sinh bước vào kỳ nghỉ hè từ cuối tháng 5, các đơn vị du lịch cũng vào cao điểm hè. Đến nay, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch đã báo kín lịch, dịch vụ từ tháng 6 đến hết tháng 7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN