An toàn từ trang trại đến bàn ăn

An toàn từ trang trại đến bàn ăn là mô hình mà Hà Nội đang hướng đến để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch theo đúng nghĩa.

Sạch bẩn khó phân biệt 

Từ khắp các chợ lớn nhỏ cho đến chợ cóc hay hàng rau, hàng thịt ven đường… khi người nội chợ hỏi về xuất xứ sản phẩm người bán hàng sẵn sàng "cam kết" rau sạch nhà trồng được, lợn bò sạch nhà chăm và tự giết mổ… 

Nhiều hộ kinh doanh không tên tuổi, thương hiệu nhưng đã đóng khay, đóng hộp và bọc màng bọc thực phẩm, đựng túi nilon dày dặn để thành “thực phẩm sạch”. 

Hộ kinh doanh thịt lợn tại chợ Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Đình Huệ

Tại Hà Nội, thịt lợn được bán trong các chợ như Nguyễn Công Trứ, Phan Chu Trinh, Hàn Thuyên, chợ Hôm Đức Viên… đều có dấu xanh kiểm dịch nhưng khá nhòe. 

Chị Thu Hương, phố Hàng Chuối, quận Hoàn Kiếm cho biết, dù có dấu xanh kiểm dịch được đóng trên thịt lợn nhưng chưa tin lắm bởi căng mắt cũng không đọc được chính xác dòng chữ đó. Con dấu kiểm dịch nhòe nhoẹt, mất nét chẳng khác gì dấu “triện củ khoai”. 

Còn bà Kim Thoa, phố Lò Đúc chia sẻ chỉ tin vào khả năng chọn thịt của mình là an toàn. Chọn thịt cứ nhìn màu sắc, độ dầy của mỡ, độ dẻo và đàn hồi rồi “sấn” thử vào tảng thịt to, nếu sâu bên trong có máu và thịt “bầm” thì đó là lợn có vấn đề - bà Thoa nhận xét. Với suy nghĩ của bà Thoa, nếu cán bộ đi kiểm tra mà chỉ nhìn bằng mắt không thể chuẩn xác bằng các bà nội trợ. 

Trước tình trạng thị trường thực phẩm sạch bẩn khó phân định thật - giả, người dân chủ yếu vẫn mua bằng niềm tin. Còn việc kiểm tra cơ sở sản xuất, nuôi trồng thực phẩm đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm phụ thuộc kết quả kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Chỉ có người bán mới biết thực phẩm sạch, bẩn cỡ nào. Đây chính là lý do khiến người dân hoang mang. 

Chuỗi liên kết tạo thực phẩm sạch 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, muốn có sản phẩm gia cầm sạch phải làm tốt từng khâu trong quá trình hình thành chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu dùng. Mỗi khâu là một mắt xích trong chuỗi an toàn thực phẩm bởi chỉ 1 khâu trong mắt xích đó không đảm bảo cũng ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe người tiêu dùng. 

Lý giải về vấn đề này, ông Sơn cho rằng, cần tăng cường quản lý giống bởi khâu này thuộc các cơ quan quản lý nhà nước chứ người chăn nuôi không làm được. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải đảm bảo nhập giống cũng như quản lý để tránh thoái hóa, đồng huyết cận huyết giống, từng bước nâng chất lượng giống. Hiện công tác quản lý giống của Việt Nam còn hạn chế. Nhiều giống bị thoái hóa nhưng vẫn được đưa vào sản xuất. 

Có trường hợp giống không đảm bảo chất lượng nhưng người dân vẫn nuôi. Bên cạnh đó, tâm lý chăn nuôi tự phát vẫn còn tồn tại; không có định hướng, quy hoạch rõ ràng dẫn tới tình trạng mất cân đối cung, cầu. Hiện các cửa hàng tiện ích có nhiều phương thức tiếp cận quảng bá sản phẩm song người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm về chất lượng sản phẩm sạch. 

Vì vậy, cần có sự thay đổi về phương thức, cách nhận biết để người dân yên tâm. Nhiều đơn vị đã giới thiệu vùng nguyên liệu để chứng minh được sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ nhà sản xuất thực thụ. Bên cạnh đó phải xây dựng thương hiệu sản phẩm để bảo vệ quyền lợi đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng. 

Mặt khác, Hà Nội còn tăng cường quản lý thức ăn chăn nuôi để tránh việc sử dụng kháng sinh, chất cấm trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, do chăn nuôi tự phát và chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%) nên việc quản lý các khâu để đảm bảo có sản phẩm tốt, sản phẩm sạch vẫn gặp nhiều khó khăn. 

Thời gian tới, giết mổ gia súc gia cầm cần được đưa vào tập trung có sự quản lý. Tuy nhiên, đây là bài toán khó với các nhà quản lý nhưng vẫn phải thực hiện vì Luật An toàn thực phẩm và Luật Thú y đã có hiệu lực. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, đồng thuận từ người chăn nuôi thì mới quản lý tốt hoạt động giết mổ gia súc gia cầm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

TTXVN/Tin Tức
Đề xuất giải pháp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi
Đề xuất giải pháp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi

Ngày 9/11, tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp số 08 “Vận động thực thi hiệu quả chính sách quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi – trường hợp với kháng sinh và chất cấm”, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý an toàn thực phẩm trong chăn nuôi còn nhiều bất cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN