Đề xuất giải pháp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi

Ngày 9/11, tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp số 08 “Vận động thực thi hiệu quả chính sách quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi – trường hợp với kháng sinh và chất cấm”, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý an toàn thực phẩm trong chăn nuôi còn nhiều bất cập.


Nhiều sản phẩm bánh Trung thu được sản xuất tại các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: TTXVN


Thực tế, thời gian qua, nhiều vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra do thiếu hiểu biết của người chăn nuôi, người tiêu dùng và sự bỏ qua của nhà quản lý.

Theo chuyên gia nông nghiệp Võ Văn Ninh, nguyên giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, việc kiểm soát sử dụng kháng sinh thời gian qua chỉ mới thực hiện ở phần “ngọn”.

Chuyên gia Võ Văn Ninh cho rằng, việc kiểm soát này thường kém hiệu quả, vì có vi trùng bệnh thì người chăn nuôi phải dùng kháng sinh trị liệu, nhất là khi có sự hiện diện của vi trùng độc lực cao, lờn thuốc kháng sinh. Do đó, phần “gốc” của vấn đề vẫn là kiểm soát sự xâm nhập của các chủng vi trùng gây bệnh xâm nhập biên giới qua công tác kiểm dịch chống nhập lậu, phủ tạng, chế phẩm sinh học, vắcxin có ẩn chứa độc trùng, thú giống mang trùng tiềm ẩn từ nước ngoài.

Để giám sát an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, thời gian gần đây, việc truy xuất nguồn gốc trong các sản phẩm chăn nuôi được đề cập khá nhiều. Một số địa phương đã bắt đầu đưa vào thử nghiệm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, tính khả thi của phương án này chưa cao.

Ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, các quy định của nhà nước hiện nay vẫn chưa đề cập đến các quy định và công cụ nhằm truy xuất nguồn gốc theo chuỗi. Đồng thời, chưa có sự lồng ghép giữa quản lý an toàn thực phẩm với quản lý thú y, dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc quản lý truy xuất nguồn gốc trong các cơ sở nhỏ lẻ rất khó khăn; mức độ kiểm tra, truy xuất còn bỏ ngỏ và rất khó thực hiện, đặc biệt là các kênh truyền thống.


Để hoạt động quản lý an toàn toàn thực phẩm trong chăn nuôi thực sự hiệu quả, ông Đào Đức Huấn cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp tổng thể. Đặc biệt, cần xây dựng các chương trình thử nghiệm quản lý theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc có quy định cụ thể cho từng đối tượng vật nuôi. Đồng thời, xây dựng hệ thống công cụ phù hợp và có sự kết nối theo chuỗi như mã số định danh, mã vạch…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng hàng rào kỹ thuật thuật gắt gao, môi trường chăn nuôi, dinh dưỡng phòng chống thật tốt mới giải quyết tận gốc việc sử dụng chất cấm hay lạm dụng kháng sinh. Đồng thời, “đội ngũ gác cổng” là các đơn vị quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm phải thực sự tinh nhuệ và có thời gian để giám sát vấn đề này.

H.Chung (TTXVN/Tin Tức)
Đường dây nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội
Đường dây nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội

Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân về các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội đã được chính thức công bố vào chiều 7/5, trong buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN