Sắc xuân làng dệt thổ cẩm vùng cao

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các làng nghề dệt truyền thống ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) lại rộn ràng trong tiếng thoi đưa, tiếng khung cửi dệt vải. Những cô gái Thái trổ tài thêu dệt, thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay dệt nên những tấm thổ cẩm với sắc màu, hoa văn tinh tế, tạo nên nét xuân đặc trưng của vùng lòng chảo Nghĩa Lộ - Mường Lò.

Làng dệt thổ cẩm. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN




Tại gia đình chị Lò Thị Tuyên, ở bản Pá Khết, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, những nhân công vẫn đang cần mẫn bên 7 chiếc máy dệt để hoàn thành nốt những sản phẩm cho phiên chợ cuối năm. Sản phẩm của gia đình chị chủ yếu là khăn thổ cẩm đội đầu, vỏ chăn, vỏ gối, đệm. Bình quân mỗi người dệt được 20 - 30 chiếc khăn một ngày, dệt vải thì được 25 - 30 m vải. Không chỉ cung cấp hàng thổ cẩm cho thị trường trong vùng, mà các thương nhân ở Điện Biên, Sơn La cũng tìm đến nhập hàng về bán. Sau Tết, gia đình chị vẫn duy trì đều sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch dịp rằm tháng Giêng.

Bên chiếc máy dệt, chị Tuyên phấn khởi cho biết: "Năm nào cũng vậy, khi mọi người đi sắm Tết là gia đình tôi lại tranh thủ dệt thêm. Bận lắm, nhưng thấy rất vui vì gắn bó với nghề dệt được hơn 40 năm rồi. Nghề dệt này do cha ông để lại, nên  phải lưu giữ, truyền lại cho con cháu sau này để không mai một nghề. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ cố gắng mở rộng thêm quy mô, để tạo thêm việc làm cho chị em trong bản".

Hiện trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có hơn 1.000 hộ dệt thổ cẩm và đã hình thành các làng nghề dệt truyền thống thu hút khách du lịch. Để khuyến khích, duy trì và phát triển nghề truyền thống, thị xã Nghĩa Lộ chú trọng mở các lớp đào tạo dệt thổ cẩm cho các lao động nữ trên địa bàn.

Từ năm 2010 đến nay, thị xã đã mở 6 lớp dệt thổ cẩm cho 180 lao động nữ; xây dựng các khu làng nghề truyền thống như thôn Đêu II, xã Nghĩa An; bản Pá Khết; bản Lè, phường Trung Tâm; bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi… Trong đó, xã Nghĩa An là một trong những xã có số hộ làm nghề dệt thổ cẩm nhiều nhất thị xã với 347 khung dệt, tập trung phần lớn ở làng nghề dệt truyền thống thôn Đêu II.

Cùng với duy trì và phát triển nghề truyền thống, các hộ đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm từ đường dệt đến tạo hình các hoa văn trên khuôn vải như hình quả trám, hình hoa ban, hoa chanh... là những hình ảnh tượng trưng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Từ đó gửi gắm tình yêu lứa đôi, ý nghĩa sâu sắc về đời sống văn hóa trên mỗi tấm vải thổ cẩm.


Xuân về, những làng nghề dệt thổ cẩm ở Nghĩa Lộ lại rộn ràng náo nức đón các đoàn khách du lịch đến tham quan tìm hiểu về nghề dệt truyền thống. Bên khung cửi, các cô gái Thái say sưa dệt nên sắc màu của mùa xuân, mang mùa xuân về với bản làng.


Tuấn Anh
'Giữ lửa' cho nghề dệt thổ cẩm dân tộc
'Giữ lửa' cho nghề dệt thổ cẩm dân tộc

Đứng trước nguy cơ nhiều nghề truyền thống dân tộc thiểu số bị mai một và biến mất, đồng bào dân tộc Mạ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có ý thức gìn giữ văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là nghề dệt thổ cẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN