Phản hồi loạt bài “Để loa phát thanh thực sự phát huy giá trị”

Loạt bài viết “Để loa phát thanh thực sự phát huy giá trị” của PV báo Tin tức (TTXVN) đã đề cập đến những lợi ích cũng như bất cập của hệ thống loa phát thanh công cộng hiện nay, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Và trên thực tế, việc để hay dẹp bỏ hệ thống loa phát thanh công cộng ở cơ sở vẫn còn rất nhiều ý kiến trái ngược nhau. Để rộng đường dư luận, PV báo Tin Tức tiếp tục đăng tải những ý kiến của người dân xung quanh vấn đề này.

 

Bà Lê Thị Thanh.

* Bà Lê Thị Thanh, Tổ trưởng tổ dân phố số 3 (tập thể phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội): Tôi cho rằng, vẫn nên duy trì hệ thống loa phát thanh của phường bởi vẫn có các chương trình của phường cần phổ biến đến dân, không thể đi đến từng nhà để thông báo được, phải phát trên loa phát thanh để người dân được nghe và nắm bắt được các thông tin, tình hình của phường. Như ở phường của chúng tôi thường thì phát vào 7 giờ sáng, hoặc 17 giờ, mỗi lần phát khoảng 30 phút.

 


* Chị Nguyễn Hương Lan (số nhà 17, tổ 8, Mộ Lao, Hà Đông): Nhà tôi ở ngay gần loa phát thanh, tôi thấy chẳng có ích lợi gì cả, chỉ thấy bị ảnh hưởng. Mới sáng sớm ra đã bật oang oang lên, cả buổi chiều nữa, chẳng vào đầu được điều gì, chỉ thấy ầm ầm. Bây giờ trên phường có việc gì cũng thông báo qua điện thoại rồi, tôi thấy loa phát thanh cũng chẳng để làm gì nên bỏ đi, đỡ tốn chi phí cho việc này”.

Chị Trần Thị Hương Thắm.

 

 

* Chị Trần Thị Hương Thắm (thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên): Loa phát thanh rất có ích và cần thiết trong đời sống của chúng tôi. Việc nhà nông vất vả lắm, cả ngày đi làm, chúng tôi không biết những đường lối, chủ trương, chính sách, điều luật mới của Đảng và Nhà nước; những công việc nội bộ của chính quyền địa phương, lịch cho con đi uống Vitamin, lịch sâu nở để phun thuốc sâu, lịch nộp thuế, nộp tiền điện... Nếu không có các bản tin được phát trên loa của xã thì chúng tôi sẽ không nắm được. Nhưng vì ít loa quá, những nhà ở xa không nghe rõ nên loa được mở hơi to, ảnh hưởng đến những hộ dân sống gần đó như nhà tôi. Tiếng nói của người đọc bản tin vang vọng, tiếng nhạc hiệu kêu inh ỏi, gây cảm giác khó chịu. Theo tôi nên đầu tư lắp thêm nhiều loa, rồi phát tiếng nhỏ lại thì những người dân ở gần loa sẽ không khó chịu.

 

Ông Trần Hữu Sơn

* Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai: Cá nhân tôi cho rằng, ở các vùng đô thị không nên dùng loa phát thanh công cộng nữa, mà nên bỏ, vì bây giờ các phương tiện thông tin đại chúng nhiều, phát thanh công cộng không có tác dụng, còn gây phiền toái cho dân. Người dân bận đi làm đầu tắt mặt tối, phát có mấy người nghe đâu. Tôi quan sát thấy ở chỗ tôi, nhà nào mà có cái loa công cộng ở cạnh thì sợ xanh mắt, chạy lên phường yêu cầu cắt ngay, vì phát loa thì con cái họ không học được, người ốm muốn nghỉ ngơi cũng khó. Hiện nay nhiều người có suy nghĩ sai lầm là cái gì cũng cần lên loa phát ầm ĩ, nhưng tôi cho rằng, cấp phường không cần thiết phải như một đài phát thanh nữa, vì các đài địa phương đã rất đủ rồi. Với những thông tin cần thiết thì tổ trưởng tổ dân phố phải có trách nhiệm thông báo đến các hộ dân, vì họ được trả lương để làm việc ấy, mà một tháng cũng chỉ có một, hai lần thôi. Ở Lào Cai chúng tôi đã bỏ loa phát thanh công cộng ở vùng thành thị, mà chúng tôi tập trung cho các xã ở xa, nhất là vùng nông thôn mới, những thôn, bản ở xa trung tâm, rất hiệu quả và rất cần thiết.


Nhóm PV

Để loa phát thanh thực sự phát huy giá trị - Bài cuối: Lựa chọn thời điểm và nội dung
Để loa phát thanh thực sự phát huy giá trị - Bài cuối: Lựa chọn thời điểm và nội dung

Có một thực tế là, dù nhiều người yêu, kẻ ghét nhưng rõ ràng loa phát thanh vẫn rất cần thiết trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị tại địa phương, đồng thời là phương tiện hữu ích với những người dân. Điều quan trọng là làm thế nào để tiếng loa phát thanh ngày càng phát huy hiệu quả...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN