Để loa phát thanh thực sự phát huy giá trị - Bài 1: Người yêu kẻ ghét

Loa phát thanh là phương tiện thông tin tuyên truyền từng giữ một vị trí quan trọng ở Hà Nội, đặc biệt là những năm sau ngày giải phóng Thủ đô (1954). Nhưng trong “cơn bão” thông tin như hiện nay, trong sự ồn ào của phố phường Hà Nội, loa phát thanh dường như ít cần thiết, thậm chí gây không ít phiền toái cho người dân. Nên tiếp tục duy trì hay dẹp bỏ, nếu duy trì thì dưới hình thức nào để vẹn cả đôi đường?

 

Bài 1: Người yêu kẻ ghét

Người thấy rất phiền toái, lại có người thấy có ích, nếu thiếu thì… buồn. Đó là tình trạng đối với những chiếc loa phát thanh hiện nay.


Người ghét cũng lắm…


Mệt mỏi sau ca trực đêm, trở về nhà lúc 5 giờ sáng, muốn ngủ một giấc thoải mái cho lại sức, nhưng vừa chợp mắt được hơn một chút, anh Lê Văn Phú, Quỳnh Mai (Hà Nội) đã bị đánh thức bởi tiếng loa ở ngay đầu ngõ vang lên oang oang. Tiếng loa cứ ra rả bên tai làm anh không thể nào ngủ tiếp.

 

Những chiếc loa phát thanh như thế này làm cho nhiều người yêu nhưng cũng lắm kẻ ghét.


“Không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều người dân trong khu đều rất bức xúc với tiếng loa ầm ĩ mỗi sáng, làm ảnh hưởng đến mọi người. Tiếng loa thì to, chất lượng thì quá kém, những lúc mệt mỏi, nghe tiếng loa thấy ức chế lắm”, anh Phú bức xúc nói.


Cũng bị bức xúc vì loa phường, anh Nguyễn Công Bình, trú tại phường Thanh Xuân Nam, cho biết: “Nhà tôi ngay gần chiếc loa phường, nên mỗi khi loa phát, tiếng loa rọi thẳng vào nhà, ù hết cả tai. Cả ngày đi làm, chiều về muốn ngồi nghỉ ngơi hay đọc tờ báo, nhưng tiếng loa cứ ầm ầm rất khó chịu. Bây giờ thông tin trên mạng, trên truyền hình đầy ra đấy, cần gì phải nghe loa phường. Khó chịu nhất là phần ca nhạc, chất lượng loa kém, cứ lè rè, loẹt xoẹt, bài hát có hay mấy mà qua loa phường thì cũng trở thành một sản phẩm âm nhạc “tra tấn” người nghe”.


Không bị mất giấc ngủ, nhưng anh Phạm Văn Tuấn, ở Hà Đông lại bức xúc vì loa phường phát làm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của mình. Anh Tuấn phàn nàn: “Công ty tôi nằm ngay cạnh loa phường, cứ tầm 16 giờ 30 hàng ngày là loa phường lại oang oang phát, nào là bản tin dịch bệnh, nào là tình hình thời sự, có khi lại “điểm” thêm vài bài hát về Hà Nội… khiến cho mọi người không thể nào tập trung làm việc được. Nhiều khi cuối ngày có cuộc họp, đóng cửa lại rồi mà cũng vẫn phải nói thật to mới át được tiếng loa ầm ầm bên ngoài; họp xong thì cũng khản hết cả tiếng vì phải hét thi với cái loa phường. Quả thật là ức chế lắm”, anh Tuấn phàn nàn.


Không chỉ người Việt, mà ngay cả nhiều người nước ngoài cũng bị phiền hà. Ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Tây Hồ kể: Quận Tây Hồ có một số lượng lớn người nước ngoài đến thuê ở. Có lần, quận đã tiếp nhận được phản ánh từ Bộ Ngoại giao, có nhiều ý kiến từ phía lãnh sự các nước phàn nàn những chiếc loa phường phát thanh hàng ngày gây ồn ào, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và công việc của họ.


Vì ghét cái loa phường, có nơi người dân lấy đá ném, đập cho méo mó. Có người thì bức xúc nên trèo lên cắt cả dây dẫn. “Có nơi họ còn vặn ngửa cái loa lên trời để đỡ điếc tai, nhưng vì tiếng loa vẫn to nên họ mang cả một chiếc chăn len mỏng ra để… bịt loa lại!”, ông Phương kể lại.


Người yêu vẫn còn


Quả thực, những lời phàn nàn, bức xúc vì tiếng loa nhiều không kể xiết. Nhưng cũng có rất nhiều ý kiến lại cho rằng, loa phường vẫn có cái đáng yêu của nó và vẫn rất thích nghe.


Anh Vũ Cường, trú tại quận Ba Đình cho biết, sáng nào cũng vậy, cứ đến 6 giờ 30 phút sáng, là cái loa phường ở khu anh ở lại bắt đầu chương trình phát sóng, thời gian đầu anh cũng hơi khó chịu, nhưng dần dần anh đã thấy quen. “Mình được giao nhiệm vụ đưa con đi học, nên cứ đến giờ loa phường phát sóng là mình biết giờ để dậy, cho con ăn rồi đưa đi học, đi làm luôn là vừa, nên không khó chịu lắm. Vả lại, nhiều hôm loa phường thông báo để người dân biết lịch cắt điện, cắt nước, biết lịch tiêm chủng cho các cháu nhỏ, rất tiện lợi và hữu ích”, anh Cường chia sẻ.


Cũng là một trong số những người vẫn còn “yêu” chiếc loa phường, anh Nguyễn Văn Minh, một chủ cửa hàng giày trên phố Nguyễn Quý Đức (phường Thanh Xuân) cho biết: “Chiều nào cũng đúng 17 giờ là chiếc loa phường ở đây bắt đầu hoạt động. Mỗi ngày chỉ phát khoảng 20 - 30 phút, chủ yếu là đọc bản tin của phường, cũng có khi là những tin tức liên quan đến dịch bệnh… được tuyên truyền để người dân hiểu và phòng tránh. Tôi bán hàng, thời gian rỗi rãi, nên ngày nào tôi cũng chú ý nghe tin tức. Nhiều thông tin có ích lắm. Ví dụ như tin trộm cắp, hay phòng chống dịch bệnh, có khi là lịch cắt điện, cắt nước... Tôi thấy loa phường cũng có tác dụng, bây giờ chiều nào mà vắng tiếng loa là cũng thấy thiếu thiếu”.


Bên cạnh đó, theo nhiều người dân, nếu cho rằng, ti vi, Internet hay những tờ báo in có thể thay được cái loa phường là sai lầm, vì không phải ai cũng có thể vào Internet để tìm đọc tin tức, nhất là các cụ già. Ti vi, báo hay web cũng không thể thông báo cụ thể lịch cắt điện, cắt nước hay chương trình tiêm chủng, dọn vệ sinh khu phố được.


Phương Lan - Tạ Nguyên

 

Bài 2: Loa phường ở thành phố, còn cần thiết?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN