Không gian trưng bày mới của mỹ thuật đương đại

65 tác phẩm thuộc các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc… được các họa sỹ sáng tác từ năm 1986 đến nay ở Không gian trưng bày Mỹ thuật đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về nền mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Chiêm ngưỡng các tác phẩm mỹ thuật đương đại   

Bước vào Không gian trưng bày Mỹ thuật đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm mỹ thuật của các họa sỹ, nhà điêu khắc nổi tiếng Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ XX trở lại đây. Ở đây, công chúng có thể ngắm tác phẩm “Giai điệu miền núi” của họa sỹ Lê Anh Vân, tác phẩm được ông sáng tác năm 1994 trên chất liệu sơn dầu, khắc họa hình ảnh vùng núi trong sương mờ và ngập tràn mây trắng. Các sắc màu thổ cẩm, trang phục dân tộc và những chiếc ô xoay tròn gợi nét văn hóa đặc trưng của miền núi phía Bắc Việt Nam.

Chú thích ảnh
Khách tham quan khu trưng bày mỹ thuật đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: P.L

Công chúng cũng có thể chiêm ngưỡng và khám phá tác phẩm “Con người” của Khổng Đỗ Tuyền, sáng tác năm 2008. Đây là một trong những tác phẩm khởi đầu sử dụng chất liệu kim loại tấm và vận dụng các kỹ thuật cắt, ghép, gò, hàn của nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền. Lấy cảm hứng từ những người nông dân rời làng lên thành thị, mang theo khát vọng về một tương lai mới giữa lo toan vất vả của cuộc sống mưu sinh, Khổng Đỗ Tuyền lựa chọn sắt, loại chất liệu dễ bị mục gỉ nếu không được bảo vệ và rèn giũa cẩn thận, để gửi gắm suy ngẫm về thân phận, cuộc sống của những người di cư…

Tại đây, công chúng còn có thể ngắm tác phẩm “Phố Hàng Trống” của họa sỹ Phạm Bình Chương, sáng tác năm 2013 trên chất liệu sơn dầu, mang phong cách hiện thực. Bức tranh mô tả một góc phố Hàng Trống đang trong quá trình đô thị hoá… hay chiêm ngưỡng tác phẩm “Chiến binh” của họa sỹ Phạm Thuấn – tác phẩm theo phong cánh hiện thực kết hợp siêu thực, tôn vinh, cổ vũ những anh hùng thầm lặng trên mặt trận chống dịch COVID-19…

Điểm đặc biệt của trưng bày lần này là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang cập nhật lên ứng dụng thuyết minh đa phương tiện (iMuseum VFA) để hỗ trợ khách tham quan trực tiếp và trực tuyến. Theo đó, với một số tác phẩm có kèm mã QR, khách tham quan có ứng dụng iMuseum VFA của Bảo tàng có thể nghe và đọc các thông tin liên quan đến tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời cũng như câu chuyện đặc biệt về tác phẩm mà tác giả chia sẻ. Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, hiện tại, mới chỉ có một phần các tác phẩm được hỗ trợ ứng dụng thuyết minh đa phương tiện qua mã QR, tới đây, Bảo tàng sẽ tiếp tục hoàn thiện để tiến tới tất cả các tác phẩm trưng bày tại đây đều có mã QR và giới thiệu trực tiếp hoặc trực tuyến đến công chúng.

Hình dung về diện mạo mỹ thuật đổi mới của Việt Nam

Có thể nói, từ sau Đổi mới năm 1986, Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. Bầu không khí đổi mới đã thổi một luồng gió mới, tạo thêm sinh khí và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho các hoạ sỹ, nhà điêu khắc. Nhiều khuynh hướng, tư duy sáng tác mới từ bên ngoài được họ tiếp nhận một cách nhanh chóng, có chọn lọc, từng bước tô đậm thêm diện mạo nền mỹ thuật Việt Nam - một nền mỹ thuật giàu truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, mang hơi thở của thời đại.

Trước sự chuyển mình mạnh mẽ của Mỹ thuật Việt Nam Đương đại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã kịp thời song hành để tuyển chọn, sưu tầm và lưu giữ các tác phẩm xuất sắc, làm giàu thêm những bộ sưu tập đa dạng, phong phú, có giá trị cao, đã và đang được hình thành cùng chiều dày lịch sử phát triển của Bảo tàng.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, năm 2010, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã dành một không gian trưng bày Mỹ thuật đương đại trong hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng. Tuy nhiên, do nằm ở vị trí không thuận tiện cho lộ trình tham quan và diện tích trưng bày nhỏ, do đó chưa phát huy một cách hiệu quả.

Với việc điều chỉnh và mở rộng không gian trưng bày Mỹ thuật đương đại lần này, Bảo tàng hy vọng sẽ giúp cho công chúng yêu nghệ thuật đón nhận không gian mới của mỹ thuật đương đại, để cảm nhận, suy ngẫm từ những thông điệp, hơi thở của cuộc sống thực tại qua các góc nhìn đa chiều của các nghệ sỹ về môi trường sống và đời sống xã hội, từ đó góp phần giáo dục ý thức trách nhiệm của công chúng, tạo nên môi trường sống an toàn, lành mạnh, hướng tới phát triển bền vững.

Họa sỹ Nguyễn Trường Linh chia sẻ, tác phẩm của ông được trưng bày tại đây là tranh sơn mài ông vẽ năm 2004 có tên "Phố Gầm cầu" (120x150cm). Con phố này đã để lại trong ông nhiều ký ức, bởi những ngày thơ bé, ông thường được bố chở qua khu phố này để đến lớp học, ông cũng chứng kiến nhiều hoạt động diễn ra ở đây. Đến khi trưởng thành, ông cũng thường đi qua các đoạn phố ấy, những ký ức về con phố đã tạo ấn tượng và cảm xúc để ông sáng tác nên tác phẩm "Phố Gầm cầu".

“Tôi thấy mình vinh dự khi có tác phẩm trong bộ sưu tập các tác phẩm mỹ thuật đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, với không gian trưng bày mới này, công chúng sẽ có cơ hội tiếp cận và hiểu hơn về mỹ thuật đương đại Việt Nam”, họa sỹ Nguyễn Trường Linh nói.

Hoạ sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, trong khi chúng ta chưa có được một Bảo tàng Mỹ thuật đương đại, việc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dành hẳn 2 tầng đề trưng bày các tác phẩm mỹ thuật đương đại là một “cú hích” đẹp đẽ trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần. Trước đây, các tác phẩm của nhiều họa sỹ đương đại chỉ được trưng bày đan xen trong các phòng trưng bày khác, nên rất khó hình dung lộ trình thay đổi của mỹ thuật đương đại Việt Nam bởi mỗi tác giả có một quan điểm, phong cách sáng tác khác nhau…

“Với không gian trưng bày mỹ thuật đương đại riêng biệt của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, công chúng sẽ rất dễ hình dung về mỹ thuật đổi mới của Việt Nam, các khuynh hướng sáng tác, các chất liệu, sự thay đổi của mỹ thuật, từ hội họa hiện thực, hội họa trừu tượng, hội họa siêu thực… Việc khai trương không gian trưng bày này giúp các nghệ sỹ trẻ tự tin hơn, cổ vũ họ sáng tác để tiếp tục có tác phẩm trưng bày trong không gian của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn khẳng định.

Phương Lan (TTXVN)
Mở cửa Không gian trưng bày mỹ thuật đương đại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Mở cửa Không gian trưng bày mỹ thuật đương đại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ngày 25/2, Không gian trưng bày mỹ thuật đương đại đã chính thức khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66, Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN