‘Hà Nội đêm thứ 7’ đưa nghệ thuật chèo đến gần khán giả

Những vở chèo kinh điển, những trích đoạn sân khấu chèo nổi tiếng cùng nhiều tiết mục nghệ thuật như hát văn, diễn xướng hầu đồng... được biểu diễn phục vụ khán giả yêu nghệ thuật truyền thống trong chuỗi chương trình “Hà Nội đêm thứ 7”.

Chương trình do Nhà hát Chèo Hà Nội thực hiện định kỳ các tối thứ 7 hằng tuần tại sân khấu rạp Đại Nam, 89 phố Huế, Hà Nội.

Một cảnh trong vở chèo “Nàng Sita” của Nhà hát Chèo Hà Nội.


 “Thực đơn”phong phú

 Theo NSND Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, từ ngày 3/6/2017, chuỗi chương trình “Hà Nội đêm thứ 7” với những vở chèo cổ kinh điển và những trích đoạn sân khấu nổi tiếng sẽ được Nhà hát Chèo Hà Nội diễn định kỳ vào các tối thứ 7, với mong muốn làm sống lại không khí của nghệ thuật chèo ở Thủ đô, đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với công chúng.

 

Theo đó, Nhà hát đã lên kế hoạch cụ thể cho từng đêm diễn trong vòng 3 tháng (tháng 6, tháng 7 và tháng 8/2017), với những tác phẩm nổi tiếng, từng giành được huy chương trong nhiều cuộc thi. Từng đêm diễn có những nội dung khác nhau, được thay đổi thường xuyên với mong muốn mang lại “thực đơn” phong phú, hấp dẫn khán giả. Trong đó, đêm diễn đầu tiên của “Hà Nội đêm thứ 7” diễn ra vào tối 3/6, giới thiệu các trích đoạn chèo nổi tiếng như “Mưu cao Thị Hến”, “Bà già lên thành phố”, “Gia đình văn hóa”, “Chuyện nhà Bá Kiến”... do các nghệ sỹ trong CLB của Nhà hát biểu diễn. Đêm diễn thứ 2 diễn ra vào tối 10/6, với vở “Quan Âm Thị Kính”, tối 17/6 diễn vở “Quan lớn về làng”, tối 24/6 sẽ là chương trình Diễn xướng hầu đồng 12 giá với sự tham gia của: NSƯT Thanh Hiền, NSƯT Hoài Thu, NSƯT Thảo Quyên, tài năng trẻ Việt Thắng, tài năng trẻ Quốc Phòng cùng các nghệ sỹ: Quỳnh Nga, Hồng Hạnh, Hồng Kỳ, Hương Ly, Ngọc Huyền, Khánh Linh...


Bên cạnh đó, trong tháng 7 và tháng 8, chương trình “Hà Nội đêm thứ 7” sẽ giới thiệu tới khán giả các vở diễn như: “Nàng thứ phi họ Đặng” tối 1/7, “Ngọc Hân công chúa” tối 8/7, Diễn xướng hầu đồng 12 giá tối 15/7, “Chuyện tình người mất tích” tối 22/7, các trích đoạn chèo hay và giá hầu đồng Cô bé thượng ngàn tối 29/7, “Nàng Sita” tối 5/8, “Chuyện tình trên bến Nam Xang” tối 12/8...


Tham gia biểu diễn trong các chương trình “Hà Nội đêm thứ 7” là những tên tuổi nổi tiếng của làng chèo Việt Nam: NSND Thúy Mùi, NSND Quốc Anh, NSƯT Thu Huyền, NSƯT Minh Nhan, NSƯT Ngọc Ánh, NSƯT Đức Thuận, NSƯT Thanh Loan, tài năng trẻ Quốc Phòng, tài năng trẻ Việt Thắng, Hồng Nam, Lê Tuấn, Mạnh Hùng, Tiến Nghị, Đào Dũng...


Theo NSƯT Thu Huyền - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, các nghệ sỹ đang rất hào hứng trước chương trình mới, đang tích cực luyện tập, nỗ lực đưa chèo đến với đông đảo khán giả. Với các vở diễn, đặc biệt là chèo cổ, Nhà hát luôn xen kẽ các thế hệ nghệ sỹ để bảo đảm chất lượng nghệ thuật, có sự nối tiếp về thế hệ và tạo sự hấp dẫn đối với khán giả.


Đưa chèo đến gần công chúng

 NSND Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm 2017, Ban lãnh đạo và nghệ sỹ Nhà hát đã chuẩn bị cho chương trình “Hà Nội đêm thứ 7”, việc lựa chọn kịch mục, chuẩn bị trang phục, đạo cụ... đều được lựa chọn kỹ càng, đảm bảo các chương trình có chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của những khán giả khó tính nhất.


Ngoài những vở diễn dài, Nhà hát còn lên kế hoạch cho câu lạc bộ thực hiện ít nhất mỗi tháng một buổi diễn những trích đoạn chèo nổi tiếng. Tại buổi sinh hoạt này, khán giả sẽ được giao lưu với các nghệ sỹ, có thể hát cùng nghệ sỹ những trích đoạn chèo mà mình yêu thích... “Chương trình sinh hoạt này một phần nhằm giúp khán giả trong nước và khách quốc tế giao lưu, kết nối với nghệ thuật chèo, từ đó hiểu hơn về giá trị của nghệ thuật truyền thống Việt Nam”, NSND Thúy Mùi cho biết.


Trước mắt, Nhà hát sẽ duy trì lịch diễn nhằm tạo một địa chỉ văn hóa nghệ thuật truyền thống thường xuyên cho khán giả Thủ đô. Khi các chương trình thường xuyên đã định hình và ổn định, Nhà hát sẽ kết hợp với các công ty lữ hành để giới thiệu rộng rãi những chương trình nghệ thuật này tới du khách.


Theo NSND Thúy Mùi, việc tổ chức một chiếu chèo thường xuyên sẽ giúp khán giả tạo thói quen xem chèo, thưởng thức nghệ thuật chèo thường xuyên. Và Nhà hát Chèo Hà Nội hy vọng, với “thực đơn” nghệ thuật được thay đổi thường xuyên, khán giả Hà Nội sẽ biết đến nghệ thuật chèo nhiều hơn, đến với sân khấu chèo nhiều hơn, để nghệ thuật truyền thống ngày càng đến gần hơn với công chúng.


Hy vọng rằng, cùng với kinh nghiệm đã tổ chức thành công chương trình “Long thành diễn xướng” định kỳ tại 15 Nguyễn Đình Chiểu, chuỗi chương trình “Hà Nội đêm thứ 7” với đặc sản là nghệ thuật chèo, không chỉ tạo nên một điểm đến nghệ thuật cho khán giả Thủ đô, mà còn làm “sống” lại không khí thưởng thức nghệ thuật chèo đối với khán giả Hà Nội.


Phương Hà/Báo Tin Tức
Tôn vinh và phát huy các giá trị của nghệ thuật chèo
Tôn vinh và phát huy các giá trị của nghệ thuật chèo

Sau 14 ngày diễn ra sôi nổi, "Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016” đã bế mạc tại Nhà hát chèo Ninh Bình. Đánh giá chung của BTC, cuộc thi đã rất thành công trong việc tôn vinh và phát huy các giá trị của nghệ thuật chèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN