Nghệ thuật chèo với đề tài hiện đại

Chèo là một trong những loại hình đặc sắc của sân khấu truyền thống Việt Nam, cần được tôn vinh không chỉ như hiện vật tĩnh mà còn cần được bảo tồn, phát triển song song với sự phát triển của xã hội.


 



Một cảnh trong vở "Đất làng" của Nhà hát chèo Thái Bình. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Cũng như một số loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo khác của Việt Nam, nghệ thuật chèo cổ không còn phù hợp với cuộc sống đương đại, nhất là với giới trẻ. Nhằm kéo khán giả đến với nghệ thuật chèo, thời gian qua, các nghệ sĩ đã cố gắng đưa đề tài đương đại vào chèo. Nhưng làm thế nào để đưa vào nghệ thuật chèo những đề tài hiện đại, gần gũi hơn với cuộc sống hiện tại mà vẫn giữ được cốt cách và những nét đẹp truyền thống độc đáo của chèo lại là vấn đề không đơn giản.

 

Chặng đường còn lắm gian nan

 

Chèo là loại hình nghệ thuật gắn bó mật thiết với người dân ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ. Những vở chèo vốn chứa đựng chất trí tuệ, thâm thúy, ý nhị và rất Việt Nam. Chính vì vậy, khi đưa đề tài hiện đại vào chèo, người dàn dựng phải hết sức khéo léo thì mới không làm mất đi bản chất này của chèo. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, từ tác giả kịch bản, đạo diễn đến diễn viên phải nắm được cấu tứ kịch bản và hiểu nguyên tắc của chèo. Một vở chèo khi dàn dựng phải hội tụ được các yếu tố: Tích truyện, tính cách nhân vật và sự kiện có thể sánh ngang với các vở chèo cổ đã từng bám rễ trong tiềm thức của khán giả yêu môn nghệ thuật này.

 

Một dòng chảy hiện đại


Thực tế cho thấy, chèo phản ánh đề tài hiện đại đã thành công ngay từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã có những vở chèo về “con người mới, cuộc sống mới”, cho dù có thể còn những hạn chế, nhưng đích thực là chèo, không hề xa lạ với bản sắc dân tộc và chất chèo. Đó là những vở của các tác giả, đạo diễn tâm huyết và am hiểu về chèo như “Chị Trầm” (1953), “Con trâu hai nhà” (1956), “Đường đi đôi ngả” (1959) của Trần Bảng; “Mối tình Điện Biên” (1959) của Lưu Quang Thuận; những năm 60, 70 là “Đường về trận địa” của Tào Mạt, Hoài Giao, “Sợi tơ vàng” của Việt Dung, “Những cô thợ dệt” của Trần Huyền Trân... Và chính những vở chèo với đề tài hiện đại này đã góp phần làm nên một thời kỳ cực thịnh của sân khấu nói chung, chèo nói riêng, vào những năm 60, 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước.


Sau nửa thế kỷ tìm tòi, sáng tạo chèo đề tài hiện đại, cuối năm 2011, Liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức với 16 vở diễn. Qua các vở diễn, có nhiều vấn đề trong cuộc sống đương đại được khơi gợi, khiến người xem phải nghĩ ngợi, băn khoăn. Từ nỗi lo "chẳng còn đất mà chôn" của bà mẹ nông dân trước hiện thực đất làng bị chiếm dụng trong "Đất làng" (Nhà hát chèo Thái Bình); đến câu chuyện trái ngang dang dở của mối tình "tay tư" trong "Thương nhớ trầu cau" (Nhà hát chèo Quân đội); hay nghị lực phi thường của người phụ nữ trong thời kỳ đổi mới ở "Trăng khuyết" (Nhà hát chèo Nam Định)... Tuy nhiên sau liên hoan, nhiều nghệ sỹ lão thành bày tỏ sự trăn trở, khi các vở diễn có đề tài hiện đại về đời sống hôm nay vẫn còn rất mờ nhạt, nghiêng về sinh hoạt đời thường mà không tạo dựng được các hình tượng nhân vật tiêu biểu, đại diện trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là với các nhân vật người nông dân của nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Nhiều tác phẩm chèo đã mải mê khai thác những mảng hiện thực nóng hổi tính thời sự mà xao lãng phát huy ngôn ngữ đặc trưng của chèo hoặc ngược lại, dẫn đến hiện tượng được mặt nọ, hụt mặt kia, nên vở diễn rơi vào tình trạng nhạt nhòa. Nhiều kịch bản chắp nhặt dễ dãi, có khi tùy tiện, làm cho chuyện kịch diễn ra lỏng lẻo, bản chất mờ nhạt...


Một tác phẩm chèo đề tài hiện đại muốn thu hút được người xem phải đảm bảo nhiều yếu tố, từ sáng tạo, kịch bản, đạo diễn đến mỹ thuật, âm nhạc, tạo hình và trên hết là tài năng, tâm huyết của đội ngũ nghệ sỹ. Tuy nhiên, trong điều kiện khủng hoảng trầm trọng về đội ngũ sáng tác như hiện nay, để dàn dựng những tác phẩm chèo đề tài hiện đại có sức thu hút đối với công chúng là vô cùng khó khăn.

 

Để chèo hấp dẫn công chúng


Trước thực trạng thiếu vắng khán giả của sân khấu chèo truyền thống, việc hướng chèo khai thác những đề tài hiện đại là bước đi đúng đắn của những người hoạt động trong lĩnh vực chèo. Tuy nhiên, chèo hiện đại đang ở đâu trong lòng công chúng, chèo hiện đại đã làm được gì và chưa làm được gì cho cuộc sống đương đại là một câu hỏi không dễ trả lời.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành cho rằng, trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhu cầu thẩm mỹ của công chúng khác xa trước đây, và công chúng khó tính khi lựa chọn tác phẩm để tiếp nhận... Chính vì vậy, để chèo đề tài hiện đại hấp dẫn công chúng là một việc làm vô cùng khó khăn, đòi hỏi người nghệ sỹ phải tìm tòi, sáng tạo để tìm ra sự phá cách mang tính đột phá trong nghệ thuật, qua đó tạo dựng những tác phẩm chèo đề tài hiện đại hấp dẫn công chúng.


Nhà nghiên cứu Hồ Ngọc thừa nhận, chèo hiện đại cũng như các hình thức sân khấu khác, hiện đang sống trong một môi trường nhiều hạn chế cả về mặt kinh tế, chính trị và xã hội. Muốn phản ánh được các đề tài hiện đại nóng bỏng, với những chủ đề sâu sắc, với những hình tượng nghệ thuật lay động lòng người như một số vở chèo cổ cha ông ta đã làm được trước đây, hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản. Nhà nghiên cứu Hồ Ngọc đánh giá, những năm qua, nghệ thuật chèo mới chỉ phản ánh hiện thực thời sự theo kiểu “sát sườn”, có thể gọi đó là một thứ “hiện thực bò sát”, thiếu hẳn sự bay bổng của trí tưởng tượng sáng tạo, không có tầm khái quát, nên chưa hấp dẫn được công chúng.


Theo NSƯT Quốc Trượng (Phó giám đốc nhà hát chèo Quân đội), để hấp dẫn khán giả, không những cần đề tài mới, mà người nghệ sĩ phải “phả” hơi thở cuộc sống vào hát chèo. Tuy nhiên chỉ nên đặt lời mới, phát triển lời mới trên lòng bản cổ như “Luyện năm cung”, “Hệ thống đường trường”, “Thức cẩm hồi vân”… chứ không nên sáng tác làn điệu mới vì như vậy sẽ mất chất dân tộc, không còn là hát chèo truyền thống mà thành kịch nói...


Đạo diễn Lê Huệ cũng cho rằng, để làm được một vở chèo với đề tài hiện đại mà vẫn là “chèo” rất khó, đòi hỏi từ khâu viết kịch bản đến cách dàn dựng và toàn bộ êkíp phải đồng tâm, đồng lòng, cùng chí hướng, công phu, mọi thành viên theo đuổi đến cùng, chứ không đơn giản như cách làm thông thường, tác giả viết kịch bản xong chuyển cho đạo diễn muốn làm thế nào thì làm, nhất là với lối làm “chạy sô” khá phổ biến hiện nay của các đạo diễn, thì chắc chắn sẽ “gieo vừng ra ngô”.


Nghệ thuật chèo với đề tài hiện đại vẫn luôn là mối quan tâm không chỉ của riêng “làng chèo” - mà còn của cả giới sân khấu và các cơ quan quản lý nhà nước. Để bảo tồn và phát triển chèo, cần phải có sự chung tay, chung sức của cả xã hội, từ sự hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước, đến sự nỗ lực của người quản lý, của mỗi nghệ sĩ. Nhưng “cải biên, cải tiến, phát triển, cách tân” như thế nào để khi đưa đề tài hiện đại vào chèo vẫn giữ được cốt cách và những nét đẹp truyền thống độc đáo của nó, vẫn là một câu hỏi chưa dễ trả lời, đòi hỏi sự cố gắng của tất cả các nghệ sĩ sân khấu, trên bước đường suy ngẫm, tìm tòi, khám phá và sáng tạo…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN