Duyên thơ về Phật

Sau nhiều năm thăng trầm với nghề, nhà thơ Trà Kim Long vẫn an nhiên với mái tóc bạc trắng và tấm lòng phơi phới thanh xuân.


Có duyên với thơ đạo

Vốn dĩ nhà thơ Trà Kim Long là dân làm báo từ thời trước giải phóng năm 1975. Ngày trước, sau khi tốt nghiệp ngành ngữ văn, nhà thơ gửi bài cộng tác cho nhiều tờ báo lớn nhỏ tại Sài Gòn và sau đó trở thành ký giả. Trong thời gian này, sợ lụi nghề và muốn thể hiện cái tôi của mình, ông đã xuất bản hai tập thơ: Thơ mùa thương, Dòng sông quê hương. Đây là hai tác phẩm đầu tay của nhà thơ, trải lòng mình trong những cung bậc yêu thương giữa người với người, người với cảnh vật.

Sau giải phóng, nhà thơ vẫn miệt mài viết báo nhưng với hình thức mới: cộng tác viên. Và bắt đầu từ đó ông nghiêng về mảng thơ ca, quên dần mảng phóng sự, tin, bình luận…

Hòa thượng Thích Thanh Hùng, Viện chủ Tổ đình Phổ Quang trao Quyết định nhân sự tiểu ban văn nghệ sĩ thuộc Phân ban cư sĩ Phật tử Trung ương.

Duyên đến với thơ đạo của nhà thơ cũng là duyên trăm năm. Ông quen giáo viên, nhà thơ Phạm Thị Kim Hoa trong những buổi sinh hoạt thơ Đường của địa phương. Mà lúc đó nhà thơ Phạm Thị Kim Hoa là người đạo Phật, thường hay sáng tác thơ đạo và tham gia những buổi sinh hoạt thơ đạo. Vì có tình cảm với nhà thơ Kim Hoa, ông đã chịu khó nghiên cứu về Phật giáo, theo đạo, làm thơ về đạo để được cạnh kề người mình thương. Dần dần hai người tâm đầu ý hợp, yêu nhau rồi nên duyên chồng vợ. Cũng từ đấy ông bắt đầu yêu thơ đạo. Nhà báo Đàm Vũ, người tham gia câu lạc bộ thơ Mây Tần cùng với nhà thơ thì cho rằng: “Thơ của Trà Kim Long chẳng những da diết mà còn bay bổng trong cõi hư vô, do vậy nếu một người có tâm hồn khô khan thì không thể hiểu hết nhà thơ nói gì. Đặc biệt là thơ đạo, ông làm rất khéo. Cái khó của thơ về Phật là chữ nghĩa, nhưng ông vẫn chỉnh chu về nêm luật và câu cú mượt mà”. Ngoài sáng tác thơ về đạo, ông còn chịu khó nghiên cứu về thơ Đường. Theo họa sĩ biếm Nguyễn Dũng thì thơ đường của ông khá hay và nêm luật rất chặt chẽ”.

Tập thơ đạo để đời

“Phật báo ân” là tập thơ về đạo của nhà thơ Trà Kim Long (Pháp danh Thanh Pháp), được nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành vào năm 2009. Được sáng tác theo lối diễn ca (song thất lục bát) với 4.366 câu, “Phật báo ân” được xem là tập thơ về đạo dài nhất hiện nay (dài hơn cả Truyện Kiều). Nhà thơ Trà Kim Long trăn trở: “Chú ấp ủ về một tập thơ đạo từ nhiều năm qua và đã có bản thảo trên tay nhưng chưa có kinh phí để phát hành. Cũng may nhờ có Hòa thượng Thích Thanh Hùng (Chùa Phổ Quang, quận Phú Nhuận, TP.HCM) tài trợ 100% kinh phí nên chú mới hoàn thành được ước mơ”.

Nhà thơ Trà Kim Long hiện sinh sống tại TP.HCM, hiện là Phó ban thường trực, Tiểu ban Văn nghệ sĩ của Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó chủ nhiệm CLB UNESCO về thơ Đường luật TP.HCM; Phó chủ nhiệm CLB thơ Mây Tần… Trước năm 1975, ông đã từng xuất bản các tập thơ: Thơ mùa thương, Dòng sông quê hương. Sau năm 1975, ông cho ra mắt những tập thơ mang phong cách mới (in riêng và chung) như: Trong cõi đam mê, Mây tần, Văn thơ giữa đời thường, Lời thề sát Thát. Ở mảng Phật giáo có hai tập thơ Dấu chân Điều Ngự và Phật báo ân. Ngoài ra ông còn cộng tác cho một số tờ báo như Sài Gòn Giải Phóng, Bình Dương, Vĩnh Long, An Giang, Giác Ngộ, Tuổi Trẻ, Văn Hóa Phật Giáo, Khánh Hòa, Hoa Đàm…

“Phật báo ân” nói về đạo hiếu trong các đời tiền thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Qua đó là sự trải lòng sâu lắng của nhà thơ về chữ “Hiếu” của mình đối với đấng sinh thành và với nhân gian theo văn phong của nhà Phật. Trong tập thơ có phân ra thành nhiều chương, với 20 câu chuyện khác nhau, kể lại chuyện xưa và lấy đó làm tấm gương phản chiếu cho con người ngày nay soi rọi. Có thể kể những câu chuyện cảm động trong tập thơ như: Thiện nữ ác hữu, Hiếu dưỡng song thân, Những người họ Thích, Hoa sắc nữ ni… “ Phật báo ân” in lần thứ nhất vào năm 2009 với 2.000 quyển và tái bản lần hai vào cuối năm 2013 thêm 1.000 quyển nữa. Tính đến nay, “Phật báo ân” đã có mặt tại kệ sách của một số nhà chùa trong cả nước và kể cả nước ngoài.

Theo Hòa Thượng Thích Thanh Hùng: “Thanh Pháp - Trà Kim Long là một nhà thơ, người khéo vận dụng thi hóa theo “Kinh Đại Phương Tiện Phật báo ân” thành 4.366 vần thơ, với từng chương mục, mẩu chuyện nhân vật, ý nghĩa. Tập thơ nhằm tạo môi trường sống “Chân Thiện Mỹ” đến con người, cũng như cung cấp những chất liệu hầu xây dựng một nhân cách “Thật” của người học Phật, hóa nhân gian thành tịnh độ…”.

Nhiều bạn thơ của Trà Kim Long trầm trồ khi cầm tập “Phật báo ân” trên tay. Ai cũng ngạc nhiên vì chẳng nghe nhà thơ “rục rịch” về đứa con tinh thần cũng như chuyện xuất bản. Ông phân bua với mọi người là muốn tạo sự bất ngờ cũng như sợ tập thơ không thành công nên chẳng dám nói cho ai biết. Ngay cả nhà thơ Kim Hoa, bạn đời của ông cũng chỉ biết tập thơ này trước khi xuất bản một tháng. Có thể nói, tập thơ “Phật báo ân” là tác phẩm để đời của ông cũng như món quà quý giá trên các kệ sách về đạo trong chùa. Khi được hỏi nhà thơ có dự định ra tập thơ dài hơn “Phật báo ân”. Nhà thơ cười giòn giã: “Chắc phải mất hơn 10 năm sáng tác. Chú sợ lúc đó tay yếu mắt mờ đầu óc lơ mơ, nên thôi!”.
Bài, ảnh: Đặng Trung Thành
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN