Hải Phòng trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

Tối 5/5, tại Quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng diễn ra Chương trình "Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh".

Chú thích ảnh
Tiết mục Hát Ca trù mở đầu chương trình.

Theo bà Đỗ Thị Khánh Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hải Phòng, thành phố cùng một số địa phương khác có Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Ca trù và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Hiện ở Hải Phòng, nghệ thuật Ca trù được hồi sinh mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ với số lượng hội viên tham gia Câu lạc bộ Ca trù ngày một nhiều hơn.

Cùng với Ca trù, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cũng có những dấu ấn đậm nét trong đời sống văn hóa tinh thần của người Hải Phòng. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự tổng hòa giữa tôn giáo bản địa của người Việt. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần Tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao…, thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam. Đây là một loại hình nghệ thuật truyền thống, được kết hợp từ nhiều yếu tố, như âm nhạc, cách trình diễn, lời ca và trang phục. Những màn trình diễn tái hiện lại hình tượng của các vị thánh hạ trần và gần gũi cuộc sống của con người. Qua tài năng của các nghệ nhân, loại hình nghệ thuật cổ truyền này được thổi vào một sức sống mới, phản ánh hơi thở của cuộc sống hiện đại.

Theo bà Đỗ Thị Khánh Hương, chương trình Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh góp phần giáo dục, nâng cao trách nhiệm bảo tồn, lan tỏa giá trị di sản cho các thế hệ về lòng yêu nước, tự hào với truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc của dân tộc nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng. Đây cũng là dịp biểu dương và ghi nhận sự đóng góp của các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân, ca nương trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể; qua đó nêu cao ý thức trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ, và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống cộng đồng, cho hôm nay và các thế hệ mai sau.

Chú thích ảnh
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng (áo xanh) tặng hoa các nghệ nhân và ca nương.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng, đây là năm thứ hai thành phố tổ chức trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của thành phố được UNESCO ghi danh. Chương trình là dịp để các nghệ nhân kết nối gần hơn với công chúng và quảng bá, giới thiệu rộng rãi tới nhân dân, du khách những giá trị văn hóa đã trường tồn cùng dân tộc, thành phố.

Chị Hà Minh Thư, du khách đến từ Hà Nội cho biết rất ấn tượng với chương trình trình diễn Ca trù và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Các nội dung trong chương trình đều mang hơi thở của cuộc sống hiện đại do đó rất cuốn hút, nhất là các tiết mục trong phần Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Nhiều người Việt Nam quen với âm nhạc, hình thái biểu diễn của tín ngưỡng này trong dịp đầu xuân, tuy nhiên, rất ít người biết về nguồn gốc và giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian này.

Tin, ảnh: Minh Thu (TTXVN)
Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng
Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng

Ngày 5/5, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN