Báo chí góp phần bảo tồn di sản Hà Nội

Báo chí có vai trò không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể của Thủ đô, góp tiếng nói mạnh mẽ phản ánh, phản biện những sai phạm trong bảo tồn di tích ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

Bảo vệ di sản

PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam kể, năm 2010, khi làm cầu vượt đoạn đường Văn Cao kéo dài, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mà cụ thể là Ban Quản lý Giao thông Đô thị, đã ngang nhiên và cố tình dùng gầu xúc phá nát một đoạn thành trên đường Hoàng Hoa Thám - cắt đường Văn Cao. Theo bản đồ Thăng Long thời Lê Sơ trong tập bản đồ thời Hồng Đức (năm 1490), đây là đoạn đẹp nhất của Hoàng Thành Thăng Long thời Lê Sơ (1428-1527) và trong lòng nó chứa đựng nhiều hiện vật quý giá.

Báo chí đã lên tiếng về những sai phạm ở chùa Trăm gian (Hà Nội).Ảnh: Bình Minh

GS Nguyễn Lân Cường khẳng định, đơn vị thi công đã “cố tình”, bởi ngay từ năm 2002, các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học đã có hẳn một đề án khảo cổ học cụ thể, vẽ ra quy hoạch khảo cổ học ở vùng nội đô, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm và có cả các kiến nghị đầy đủ, nhưng không được cơ quan chức năng quan tâm. Khi nhận được tin báo của nhân dân, ông đến hiện trường thì bị ngăn không cho vào. Hôm sau ông trở lại cùng một số phóng viên, ghi hình tại chỗ. “Từ trên cao tôi nhìn thấy một chiếc bình gốm men xanh thời Trần nằm dưới hố sâu chừng 4 m, một nửa của bình gốm đã bị gầu xúc xén gọn.

Cùng với những hiện vật khác như: mảnh ngói thời Lê Sơ, nắp đậy thời Trần, gạch vồ thời Lê… toàn bộ hình ảnh được các phóng viên truyền hình ghi lại làm bằng chứng đầy đủ và được phát sóng ngay hôm đó. Với sự lên tiếng kịp thời của các nhà khoa học và sự vào cuộc của phóng viên các cơ quan báo chí, truyền hình, 4 ngày sau, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn yêu cầu tạm dừng thi công tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây để triển khai công tác nghiên cứu thu thập hiện vật”. GS Nguyễn Lân Cường kể lại.

Thời gian qua, còn có hàng loạt vụ việc xâm hại di tích lịch sử, văn hóa nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc như vụ thay đổi toàn bộ hoa văn họa tiết, gác khánh và nhà Tổ của chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ); vụ tự ý đưa tượng Phật Dược Sư vào di tích lịch sử Quốc gia chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm); tự ý đưa ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt vào di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm); thay đổi một số chi tiết thiết kế và thi công chưa đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật tại đình Quang Húc (huyện Ba Vì); tự ý xây dựng bình phong tại lăng Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây)…

Không chỉ ở Hà Nội, mà ở nhiều di tích, di sản khác trên cả nước cũng diễn ra tình trạng tương tự. Như vụ “hòn đá lạ” ở di tích Đền Hùng; vụ sai phạm trong trùng tu di tích chùa Một Mái, am Dược ở Quảng Ninh; xâm lấn di tích thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh)… Thực tế đã chứng minh, nhiều vụ sai phạm liên quan đến di tích được người dân thông báo, báo chí vào cuộc sát sao, đưa thông tin đến với công chúng, đến nhà quản lý, nêu ý kiến của các nhà khoa học… và từ đó, góp phần rất lớn trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phát huy giá trị di sản.

Theo TS. Nguyễn Sỹ Toản, Trưởng khoa Di sản văn hóa (trường Đại học Văn hóa), chúng ta đã chứng kiến rất nhiều các di sản văn hóa vật thể bị phá hủy, xuống cấp, di vật, cổ vật trong các di tích cũng dần bị mai một, rồi những sai phạm trong trùng tu di tích… nếu như không có sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn báo chí, thì chắc chắn nhiều vụ việc sai trái không được người dân và các cơ quan có thẩm quyền biết đến. Đây là bất cập rất lớn và rất đáng lưu tâm trong công tác quản lý bảo tồn di sản văn hóa vật thể ở nước ta. TS Nguyễn Sỹ Toản khẳng định, báo chí vào cuộc đã góp phần làm trong sạch hơn môi trường quản lý di sản, phát huy hơn mặt tích cực, hạn chế giảm thiểu mặt yếu kém, ngăn chặn được nhiều vụ việc sai trái trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Không có cơ quan báo chí phần lớn người dân không biết di tích bị phá hủy, cơ quan quản lý quan liêu cũng không biết di tích mình quản lý bị biến mất.

Bảo tồn di sản - rất cần cơ quan báo chí

Việt Nam có hơn 40.000 di tích, danh lam thắng cảnh. Thủ đô Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng di tích, với 6.000 di tích (trong đó có một di sản thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.167 di tích quốc gia, 1.179 di tích cấp thành phố). Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và khai thác các giá trị văn hóa vật thể ở những di tích này còn nhiều hạn chế, chính vì vậy mà ở Hà Nội có rất nhiều di sản, di tích bị xâm hại, trùng tu sai lệch.

TS Nguyễn Sỹ Toản cho biết, để quản lý, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể ở Hà Nội nói riêng, ở Việt Nam nói chung, các cơ quan quản lý văn hóa phải thực hiện đồng bộ nhiều việc, từ đào tạo nhân lực, xây dựng cơ chế chính sách quản lý phù hợp, phổ biến kiến thức pháp luật về di sản văn hóa… Một trong những việc cần làm là phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông, bởi thực tế cho thấy các cơ quan báo chí có vị trí, vai trò to lớn trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Cũng theo TS Nguyễn Sỹ Toản, bên cạnh việc góp phần phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước, cơ quan quản lý về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, báo chí còn tích cực thông tin truyền tải những kiến thức, tri thức về di sản văn hóa đến mọi tầng lớp nhân dân, phản ánh nhanh nhạy, kịp thời và đa chiều về các sự kiện, các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ di sản văn hóa vật thể, từ đó giúp cho những người làm công tác quản lý về văn hóa có thêm kênh thông tin hữu ích. Mặt khác, báo chí còn chủ động góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách cũng như luật pháp liên quan đến di sản văn hóa.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, những người làm báo muốn bảo vệ tốt được di sản văn hóa, cần phải có kiến thức sâu sắc về di sản văn hóa, từ đó mới có thể tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị của di tích.

Theo TS Trần Bá Dung, Ủy viên BCH Hội nhà báo Việt Nam, ghi nhận từ các giải báo chí quốc gia hàng năm cho thấy, có nhiều tác phẩm báo chí góp phần tuyên truyền và bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở trong nước. Tuy nhiên, ông Trần Bá Dung cũng thừa nhận, có nhiều đề tài hay, vấn đề hay, nhưng người viết lại chưa có kiến thức đầy đủ, thậm chí có kiến thức không đúng, méo mó trong cách nhìn về văn hóa. Theo ông Dung, để có một bài báo tốt, góp phần bảo vệ di sản, thì rất cần quan tâm đến văn hóa phản biện của nhà báo.

Báo chí không chỉ tuyên truyền cho chủ trương của Nhà nước, phản ánh thực trạng hiện nay, nêu những cách làm tốt của chủ thể ở đó, tiếng nói của nhân dân… mà phải có sự phản biện đối với công việc bảo tồn phát huy di sản đó. Ví dụ như di sản đó có cần bảo tồn như thế hay không, hay là cố tình vẽ ra để cho dự án được cho nhiều tiền… Tuy nhiên, ông Trần Bá Dung cũng cho rằng, để có thể phản biện tốt, người làm báo cần có kiến thức sâu về văn hóa, cần được nghe chuyên gia trao đổi những ý kiến phản biện chính sách, phản biện phương thức bảo tồn của các cơ quan, các địa phương… để góp phần hoàn thiện, bổ sung cho những thiếu hụt, bất cập theo thời gian.

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, nếu công tác quản lý di sản văn hóa vật thể ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung được phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả hết sức to lớn trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cả nước.


Lan Lộc
Bảo tồn di sản "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế"
Bảo tồn di sản "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế"

Ngày 11/6, tại thành phố Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức công bố và đón nhận Bằng công nhận Di sản tư liệu "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN