Bắc Ninh phát huy giá trị các bảo vật quốc gia

Hiện cả nước có 118 bảo vật quốc gia, trong đó tỉnh Bắc Ninh có 5 bảo vật. Ngay sau khi được công nhận là bảo vật quốc gia, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp trong bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị còn ở mức bước đầu, chưa tương xứng với giá trị bảo vật.

Tăng cường công tác bảo tồn

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, hiện nay, toàn tỉnh có 5 nhóm bảo vật quốc gia gồm: Tượng phật Adiđà (lưu giữ tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du); Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay (được lưu giữ tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành); Bia “Xá Lợi Tháp Minh” (niên đại: 601, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh); Rồng đá (Xà thần) (thời Lý, hiện lưu giữ tại đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình); Ba pho tượng Tam Thế (thời Lê Trung Hưng được lưu giữ tại chùa Linh Ứng, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành).

Tượng phật Adiđà tại chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) được nhiều người biết đến nhưng ít người biết đó là bảo vật quốc gia. 

Ngay từ khi được công nhận là bảo vật Quốc gia, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế góp phần bảo tồn giá trị các bảo vật Quốc gia. Công tác bảo vệ, bảo quản di tích cũng được triển khai mạnh mẽ. Tại các điểm di tích có bảo vật quốc gia đều được thuê người trông coi, thường xuyên lau dọn, có chế độ bảo vệ theo hướng giữ nguyên hiện trạng.

Theo ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh: để bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia, năm 2014, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quy chế phân cấp quản lý các di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Theo đó, đối với những bảo vật quốc gia nào nằm trong di tích quốc gia đặc biệt do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh quản lý. Những bảo vật nào nằm trong di tích quốc gia ở huyện nào do Ủy ban nhân dân huyện nơi có di tích quản lý. Tại các di tích, có ban quản lý di tích bảo vệ chặt chẽ.

Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay được thờ tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành. 

Tại chùa Bút Tháp nơi lưu giữ bảo vật quốc gia Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay, hiện nay công tác bảo tồn, bảo vệ được triển khai rất nghiêm ngặt. Tại lối vào, các điểm chính trong di tích, đặc biệt nơi đặt tượng được trang bị hệ thống camera giám sát. Do bảo vật được làm bằng chất liệu gỗ nên công tác chống mối mọt được ban quản lý di tích chú trọng. Định kỳ hàng tuần, tượng được lau chùi chống bụi bẩn. Đặc biệt tại di tích, Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh cử cán bộ đến cùng phối hợp nhà chùa và Ban Quản lý di tích địa phương hướng dẫn, lập kế hoạch bảo vệ, bảo quản di tích và những hiện vật được lưu giữ trong di tích bao gồm bảo vật quốc gia.

Đối với 4 nhóm bảo vật quốc gia còn lại được làm bằng chất liệu đá và đá nguyên khối được bảo quản tại các di tích nên việc bảo quản, bảo tồn đơn giản hơn bao gồm vệ sinh sạch sẽ và có kế hoạch bảo vệ.

Bác Nguyễn Đức Tiếp, thủ từ Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, xã Đông Cứu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Được phân công trông nom đền từ nhiều năm nay, nhiệm vụ của bác hàng ngày thắp hương, làm lễ và thường xuyên hướng dẫn nhân dân địa phương và du khách thắp hương tại đền. Trước đây, Rồng đá được nằm ở ngoài trời nên Ban quản lý di tích đã đề nghị các cấp chính quyền làm mái che bảo vệ bảo vật, hàng ngày vệ sinh sạch sẽ.

Cần quan tâm phát huy giá trị các bảo vật Quốc gia

Đến nay, sau gần 5 năm kể từ khi có nhóm bảo vật quốc gia đầu tiên được công nhận, các bảo vật đều được bảo tồn, bảo vệ chu đáo. Tuy nhiên, do mỗi bảo vật nằm trong một di tích nên tính lan tỏa cũng như việc phát huy giá trị của nó không được triển khai giống nhau, phần lớn được đánh giá ở mức bước đầu. Hầu hết các bảo vật tại các điểm di tích đều không có biển chỉ dẫn vào hoặc không có biển giới thiệu hay các biển đề bảo vật quốc gia nên du khách rất khó phát hiện để có điều kiện chiêm ngưỡng kỹ các bảo vật.

Cô Nguyễn Thị Nghiên, chắp tác tại chùa Linh Ứng, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Di tích quốc gia chùa Linh Ứng rất ít người biết đến. Từ cổng ngoài ngôi chùa không có biển chỉ dẫn hay giới thiệu giá trị di tích cũng như bảo vật nên mặc dù Ba pho tượng đá được công nhận là bảo vật quốc gia hơn 3 năm nhưng số lượng người đến chiêm ngưỡng không nhiều. Mọi người chủ yếu đến chùa thắp hương làm lễ. Mong muốn lớn nhất của nhà chùa được các cấp quan tâm tuyên truyền, giới thiệu giá trị di tích cũng như các bảo vật quốc gia và tạo điều kiện trùng tu tôn tạo di tích tạo điều kiện bảo vệ tốt nhất bảo vật.

Rồng đá được thờ ở Đền thờ Thái sư Lê Văn Thinh, xã Đông Cứu, huyện Thuận Thành.

Bảo vật không chỉ không phát huy tối đa giá trị trong di tích ít người biết đến mà trong di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật tích, tượng phật Adiđà cũng rất ít người biết đến nếu không có sự hỗ trợ của hướng dẫn viên hay tìm hiểu từ trước khi đến chùa. Cô Trịnh Thị Hồng, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh tâm sự: Cô đã đến tham quan chùa Phật Tích nhiều nhưng biết đến các bảo vật quốc gia nơi đây qua internet. Trong chùa và xung quanh  bảo vật không có biển giới thiệu nên mọi người nếu ai biết bảo vật cũng không biết được giá trị to lớn của nó. Cô mong muốn trong thời gian tới nhà chùa trang bị thêm những bảng tóm tắt giới thiệu ngôi chùa cũng như bảo vật quốc gia để những người không có điều kiện tìm hiểu qua báo chí cũng có thể biết đến giá trị nơi này sau khi đến tham quan ngôi chùa.

Tại Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh cũng vậy. Trước mặt Rồng Đá cũng không có biển đề hay giới thiệu các nội dung về bảo vật quốc gia mà chỉ có bảng giới thiệu các nội dung liên quan đến di tích, cũng như cuộc đời và sự nghiệp Thái sư Lê Văn Thịnh. Em Nguyễn Văn Tư, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Em đã đến đền thờ trạng nguyên Lê Văn Thịnh, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh nhiều nhưng cũng không biết Rồng đá là bảo vật quốc gia. Vì mỗi người đến đây đều chỉ chú ý đến vấn đề tâm linh cầu tài danh, học hành thông thái. Hoặc tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay, mặc dù được thờ trong chùa Bút Tháp nhưng cũng chỉ có những nhà nghiên cứu đến tìm hiểu và biết được đây là bảo vật quốc gia.

Trong số các bảo vật quốc gia, duy nhất tấm bia Xá lợi tháp minh được lưu giữ trong bảo tàng tỉnh Bắc Ninh được bảo quản ở vị trí trang trọng, có đầy đủ thông tin ghi bảo vật quốc gia. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đều có kế hoạch trưng bày hiện vật, bảo vật theo chủ đề. Tuy nhiên, cũng chỉ  những chuyên gia hay nhà nghiên cứu mới quan tâm tìm hiểu. Còn đa số người dân đến với bảo tàng tỉnh Bắc Ninh chủ yếu để được chiêm ngưỡng kiến trúc hoặc biết đến các hiện vật khác.

Bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia là hai nhiệm vụ song song cần đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị của các bảo vật còn nhiều hạn chế đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trong thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giá trị các bảo vật quốc gia trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tại mỗi điểm di tích sẽ chú trọng dịch các bản sắc phong, thần phả, giới thiệu di tích cho đông đảo du khách biết đến. Đồng thời sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch để người dân biết đến giá trị các bảo vật quốc gia nói riêng và các di tích tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt, tại mỗi điểm di tích tiêu biểu của tỉnh đều có cán bộ của Ban Quản lý di tích tỉnh, huyện thường xuyên làm nhiệm vụ thuyết minh, giới thiệu di tích.

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành lập phương án bảo vệ đảm bảo tuyệt đối an toàn với từng bảo vật quốc gia; đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý văn hóa, công an và chính quyền sở tại (nơi có di tích đang được lưu giữ bảo vật quốc gia) trong việc bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia, không giao khoán cho cá nhân trực tiếp trông coi di tích. Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai việc quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia gắn với việc tuyên truyền bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan thực hiện việc bảo quản đặc biệt theo chất liệu đối với từng bảo vật quốc gia, có báo cáo định kỳ về tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia.

Bài và ảnh: Thanh Thương (TTXVN)
Chuông cổ chùa Viên Minh tại Cao Bằng được công nhận bảo vật Quốc gia
Chuông cổ chùa Viên Minh tại Cao Bằng được công nhận bảo vật Quốc gia

Tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật Quốc gia đôi chuông chùa Viên Minh và Đền Quan Triều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN