Bảo vật quốc gia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ

Bên cạnh di sản văn hóa phi vật thể - nghi thức "kéo co ngồi", di tích đền Trấn Vũ (Long Biên, Hà Nội) còn lưu giữ được một bảo vật quý giá, là pho tượng Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ, một trong những pho tượng đồng nguyên khối, có trọng lượng và kích thước lớn ở Việt Nam hiện nay, đã được ghi tên vào danh mục là Bảo vật quốc gia trong lần công nhận thứ tư.

Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ - Bảo vật quốc gia. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Pho tượng thuần Việt
 
Trong hành trình du lịch tâm linh ven sông Hồng, khi ghé thăm ngôi đền Trấn Vũ nằm ven đê, trên địa bàn quận Long Biên, du khách sẽ được nghe kể những câu chuyện về văn hóa tâm linh đậm chất Việt, về di sản văn hóa phi vật thể kéo co ngồi, di sản văn hóa đại diện của nhân loại, và chiêm ngưỡng Bảo vật quốc gia pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ.
 
Trang viên của đền Trấn Vũ trước đây thuộc thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm (nay là tổ 5 phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội).
 
Các cụ già trong làng kể, thần tích về Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiều dị bản khác nhau. Có truyền thuyết cho rằng: "Vào thời Tuỳ Khai Hoàng (667), sau khi tu luyện đắc đạo ở núi Vũ Dương, Huyền Thiên Thượng Đế thường đi du ngoạn khắp nơi để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Rất nhiều lần ngài xuất hiện ở trần gian để tiễu trừ yêu ma giúp dân lành". Cũng có truyền thuyết cho rằng "Thần Huyền Thiên Trấn Vũ vốn là hóa thân của Ngọc Hoàng Thượng Đế, giáng trần tu theo đạo Phật và đắc đạo, được phong hiệu là Huyền Thiên Thượng Đế Đãng ma Thiên tôn vô lượng thọ Phật". Ngài giáng trần với Kim ấn Vương hư Sư tướng, thần kiếm Tam thai Thất Tinh và 500 viên Linh Đan, cùng với 36 vị Thiên tướng thu trừ yêu quái các sơn thủy động, giúp cho tam giới yên bình, nhân thế ổn định, vạn vật sinh sôi... Dù là thần tích nào, truyền thuyết nào, thì Huyền Thiên Trấn Vũ vẫn được tôn vinh là vị thần tiễu trừ yêu ma, bảo vệ dân lành, giữ sự bình yên cho muôn dân, vạn vật.
 
Nhìn bề ngoài, pho tượng Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ cao khoảng 4 m, có phong thái của một vị đạo sĩ, với hai chân buông xuống dưới, tay trái bắt ấn, co ngang rồi khép trước ngực. Tay phải tỳ trên đốc kiếm, cắm thẳng xuống lưng rùa. Quấn quanh kiếm là một con rắn trong tư thế đang lao xuống. Tượng có đầu để trần, mặt tròn, mắt mở to, nhìn thẳng, mày rậm, mũi to, cằm nhọn, miệng khép, môi dày, có ria mép, tai to... Cả pho tượng luôn tỏa ra dáng dấp uy nghiêm. Đức Thánh mình mặc áo giáp, trên áo điểm xuyết một số dạng hoa văn, như hổ phù - được cách điệu dưới dạng hoa lá ở đầu gối, hoa văn tổ ong nổi ở cánh bắp tay, hoa lá thiêng ở diềm áo, rồi long mã ở trước ngực... Tượng mang phong thái hiền hòa, gần gũi với tinh thần tạo tượng dân gian của người Việt.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là pho tượng đẹp, mang nhiều yếu tố dân gian của người Việt. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ông Ngô Quang Khải, Trưởng Ban quản lý Di tích đền Trấn Vũ cho biết, theo các tài liệu Hán Nôm còn lưu tại di tích, pho tượng Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ đã có từ rất lâu. Bia “Trấn Vũ Điện bi lý” dựng năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) ghi: “Khi Lê Thánh Tông (1460 - 1496) đem quân đánh Chiêm Thành, ông đã dừng chân, nghỉ tại xã Cự Linh, được thần Trấn Vũ ứng mộng. Vua liền sai lập đền thờ, cho tạc tượng gỗ cùng bài vị ghi “Hiển linh Trấn Vũ quán”. Vua lại gia ân, ban cho dân làng sở tại một số ruộng đất để phục vụ hương hỏa cho đền. Đến năm Đinh Mão, niên hiệu Cảnh Hưng (1747), dân làng đã đúc tượng đồng thay thế tượng gỗ. Tuy nhiên, nhiều người đến đây chiêm bái, cảm thấy tượng chưa xứng với quy mô đền. Do đó, đến năm Mậu Thân (1788), nhân dân sở tại hưng công đúc lại tượng Trấn Vũ, năm Nhâm Tuất (1802) thì hoàn thành. Và pho tượng này vẫn tồn tại đến ngày nay”.
 
Còn theo bia “Huyền Thiên Thượng đế bi ký”, khắc năm Mậu Thìn, niên hiệu Bảo Đại năm thứ 3 (1927): “Trong quán Trấn Vũ, trước đây thờ bài vị, đặt trên long ngai. Bài vị khắc 5 chữ: “Hiển linh Trấn Vũ quán”, bên cạnh bài vị này khắc 5 chữ “Phú Vương phủ tín cúng” (phủ Phú Vương cung tiến). Dưới thời Lê Thánh Tông, vua đã ban chiếu cho tạc tượng gỗ để phụng sự. Sau đó khoảng 292 năm, dưới thời Lê Hiển Tông, vào năm Đinh Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8 (1747), tượng gỗ bị hư hỏng, vâng lệnh vua, các quan hợp sức với dân Ngọc Trì đúc lại tượng đồng phụng sự”.
 
Đến năm Bính Thìn, niên hiệu Khải Định nguyên niên - 1916, ông Nguyễn Trinh Cán, một vị Tiên chỉ người trong làng, từng giữ chức Tu Soạn, Viện Hàn Lâm, nhận thấy tượng đồng bị rỉ, do lẫn nhiều tạp chất, đã thương thảo với các vị chức sắc trong làng, căn cứ theo “Thánh tích”, đã thuê thợ dùng sơn ta, pha thành màu đen sậm để sơn tượng. Đến năm 2015, một số vị trí trên tượng bị tróc sơn, nên đồng bị ôxi hóa nặng, ảnh hưởng đến sự bền vững của pho tượng, được sự đồng ý của Bộ VHTTDL, tiểu ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ đã huy động nguồn lực trùng tu lại pho tượng này. 
 
Di sản vô giá
 
Nói về giá trị của Bảo vật quốc gia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho biết, pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là pho tượng đẹp, mang nhiều yếu tố dân gian của người Việt. Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ này được đứng đúng vị trí địa lý, vì đất Gia Lâm là đất thấp, trên đất này thờ toàn thần linh gắn với chống lũ chống lụt. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ trong dáng dấp của một vị đạo sĩ, chống kiếm trên lưng rùa, và có con rắn leo lên. Rùa và rắn được coi là thủy quái dâng nước để gây nên lụt lội, và kiếm của thần linh là sấm chớp, đánh xuống nước để chống lũ, lụt.
 
Và công việc chống lũ, chống lụt được người dân gắn với vị thần này, muốn thông qua thần để cầu mong vùng đất này khỏi bị lũ lụt, cho nhân dân xây dựng cuộc sống hạnh phúc... Điều đặc biệt ở đây là vị thần không diệt rắn và rùa, bởi các cụ xưa đã hiểu rất rõ rằng, việc chống lũ, chống lụt không chỉ là ngày một ngày hai, mà các cụ tìm ra được giải pháp là sống chung với lũ lụt, nên Huyền Thiên Trấn Vũ đã sử dụng 2 con thủy quái này để nó không gây nên lụt lội, phá hoại sản xuất. Đó là một điểm rất đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng và trong truyền thống của dân tộc ta. 

Kéo co ngồi trong lễ hội truyền thống đền Trấn Vũ. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ông Ngô Quang Khải, Trưởng Ban quản lý Di tích đền Trấn Vũ cho biết, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, các nhà khảo cổ học khi đánh giá về pho tượng, đã nhận xét, tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Trấn Vũ là một pho tượng cổ, được đúc liền khối từ thế kỷ 17 - 18. Vào thời điểm đó, việc vận động nhân dân quyên góp để có một khối lượng đồng khoảng 4 tấn như vậy là rất lớn và không dễ. Thêm vào đó, kỹ thuật đúc đồng của cha ông ta trong thời kỳ đó đã được nâng lên đỉnh cao về giá trị nghệ thuật, những hoa văn, đường nét thể hiện trên bức tượng đã được Việt hóa, mà không bị lai căng, và các nhà khoa học đã nhận định, đó là những giá trị vô giá, cần được bảo tồn và phát huy, để cho các thế hệ sau thấy được công sức lớn lao của cha ông, cũng như trách nhiệm bảo vệ di sản, di tích sau này. 
 
Những người dân sống quanh đền Trấn Vũ, không chỉ tự hào bởi những giá trị về nghệ thuật, về di tích, tâm linh, mà còn tự hào bởi đền Trấn Vũ cùng với pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ cũng từng gắn bó với công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Các cụ già thôn Ngọc Trì kể lại, thời kỳ Pháp xâm lược, chúng nhiều lần định phá hủy tượng thần, định hun nóng cho chảy ra thành đồng, nhưng vấp phải sự kháng cự của nhân dân, quân lính liên tục bị bệnh ốm chết, nên phải bỏ chạy. Có lần tránh địch càn, cán bộ cách mạng ẩn nấp trong đền, nằm gọn dưới chân tượng thần Trấn Vũ. Địch vào sục sạo một hồi, nhưng không phát hiện được, sau cũng không dám làm càn chốn uy nghiêm, nên cán bộ thoát. Trong những năm chống Mỹ, đền Trấn Vũ cũng là một cơ sở cất trữ vũ khí của bộ đội phòng không. Khi quân Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, kho xăng Đức Giang, cánh đồng Ngọc Trì đều bị rải bom, rất may là cả ngôi đền và pho tượng đều còn nguyên vẹn. 
 
Đã thành thông lệ, hàng năm, từ ngày mùng 1 đến mùng 3/3 âm lịch, người dân tại thôn Ngọc Trì vẫn duy trì tổ chức lễ hội truyền thống đền Trấn Vũ, để tưởng nhớ công ơn của Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Trong lễ hội, ngoài những nghi thức truyền thống của nhân dân vùng ven sông Hồng, người dân còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian độc đáo, trong đó có trò “kéo co ngồi” - một nghi thức không thể thiếu trong lễ hội đền Trấn Vũ hàng năm, với ước vọng được thần bảo vệ, che chở cho xóm làng bình yên, mang lại niềm vui, tinh thần phấn khởi, và một sức sống mới cho cộng đồng. 
 
Trong văn hóa phương Đông, thần Trấn Vũ là một trong bốn vị thần trấn giữ bốn phương (Đông - Tây - Nam - Bắc). Ngoài đền Trấn Vũ ở thôn Ngọc Trì, thần Trấn Vũ còn được người dân thờ phụng ở nhiều nơi, như đền Quán Thánh (Ba Đình), chùa Huyền Thiên (Hoàn Kiếm), đền Sái - Thụy Lôi (Đông Anh). Trong đó, tượng thần ở đền Trấn Vũ có nhiều nét tương đồng với tượng ở đền Quán Thánh. 
 
Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh cũng đã được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 5, tháng 12/2016.

Phương Lan
Nghi thức kéo co ngồi đền Trấn Vũ
Nghi thức kéo co ngồi đền Trấn Vũ

Nghi thức kéo co ngồi diễn ra trong lễ hội đền Trấn Vũ (thôn Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội), là trò diễn mang tính nghi lễ, có nguồn gốc sâu xa từ tín ngưỡng phồn thực. Nghi lễ được thực hành với mong muốn cầu mong mưa thuận gió hòa, đủ nước cho sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN