Bạc Liêu với 'đặc sản' Đờn ca tài tử

Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 với chủ đề “Đờn ca tài tử, Tình người - Tình đất Phương Nam” sẽ được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu từ 20/4/ 2014 tới 25/4/2014. Lần đầu tiên, đờn ca tài tử trở thành tâm điểm của một Festival quy mô quốc gia. Sự kiện này nhằm tôn vinh và quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, một loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhân sự kiện này, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Festival. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

PV: Trong thời gian qua, Bạc Liêu nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung đã phát huy hết tiềm năng của Đờn ca tài tử chưa, thưa ông?

Ông Võ Văn Dũng: Đờn ca tài tử có từ đầu thế kỷ 20. Đây là loại hình nghệ thuật có tính dân dã, dễ học, dễ ca nên phát triển rất tự nhiên. Nhà nước đã đầu tư cơ sở vật chất cho các đội ca ở xã, ấp để phát triển Đờn ca tài tử. Tuy nhiên, so với yêu cầu bảo tồn, phát huy Di sản phi vật thể của nhân loại, cần tiếp tục đầu tư bài bản, đúng mức để Đờn ca tài tử phát huy hết thế mạnh. Nhân “Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất” này, Bạc Liêu cùng các tỉnh phía Nam sẽ gắng đầu tư đúng mức để Đờn ca tài tử phát triển mạnh hơn nữa.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN


PV: Thưa ông, Đờn ca tài tử có ở 21 tỉnh thành, tại sao năm nay Bạc Liêu lại được chọn là đơn vị đăng cai Festival?

Ông Võ Văn Dũng: Đờn ca tài tử là của cả Nam Bộ. Festival được tổ chức ở Bạc Liêu vì Bạc Liêu có nhiều đóng góp đặc biệt. Những người sáng tác ra 20 bài đờn ca tài tử cổ (ba Nam, sáu Bắc, tứ oán, bảy bài) nay không còn biết là ai. Nhưng người sưu tập đầy đủ, hệ thống là người Bạc Liêu. Đó là ông Lê Tài Khí, là thầy của ông Cao Văn Lầu (tác giả của “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng). “Dạ cổ hoài lang” được coi là khổ nhạc nhịp hai. Sau đó người khác mới chế tác ra nhịp tư, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64... Hiện nay chúng ta đang ca vọng cổ là nhịp 32. Và tất cả những nhịp ấy đều do người Bạc Liêu chế tác ra. Vì vậy, có thể coi Bạc Liêu là một trong những cái nôi lớn của Đờn ca tài tử Nam Bộ. Nên Bạc Liêu vinh dự được là tỉnh tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất năm 2014.

PV: Với dấu ấn như vậy, cùng việc Đờn ca tài tử vừa trở thành Di sản phi vật thể của nhân loại, Bạc Liêu có kỳ vọng sau Festival lần này, Đờn ca tài tử trở thành “đặc sản” của tỉnh để phát huy du lịch và quảng bá hình ảnh?

Ông Võ Văn Dũng: Chúng tôi sẽ tôn vinh và quảng bá Đờn ca tài tử đúng mức. Từ đó, chúng tôi tin người Bạc Liêu sẽ tự hào về nghệ thuật Đờn ca tài tử cũng như những đóng góp của người Bạc Liêu với di sản văn hóa phi vật thể này. Thêm nữa, qua sự kiện lần này, chúng tôi cũng muốn coi Đờn ca tài tử là “đòn bẩy” để phát triển du lịch của tỉnh. Cụ thể, Bạc Liêu đã xây dựng một khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu.

Trước đây, địa điểm này chỉ rộng 2000 mét vuông, tỉnh sẽ mở rộng ra 12.000 mét vuông để xây dựng, sưu tầm, trưng bày những hiện vật liên quan tới Đờn ca tài tử Nam Bộ. Tới đây, đó sẽ là Bảo tàng Đờn ca tài tử Nam Bộ. Chúng tôi cũng xây dựng một nhà hát đi đôi với những nhà văn hóa, văn nghệ ở các xã ấp để nghệ thuật Đờn ca tài tử có thể phát triển. Nhà hát đó sẽ mang tên Cao Văn Lầu. Kết hợp với bảo tàng nghệ thuật, nhà hát sẽ có kiến trúc đặc biệt. Đó là ba cái nón lá khổng lồ thể hiện bản sắc Việt Nam. Bên trong, nhà hát Cao Văn Lầu được trang bị rất hiện đại để biểu diễn Đờn ca tài tử, cải lương và các loại hình nghệ thuật dân gian. Tóm lại, Bạc Liêu sẽ phát huy hết tất cả các thế mạnh địa phương để tỉnh giàu lên. Trong các tiềm lực đó không thể thiếu đờn ca tài tử.

PV: Xin ông cho biết đôi nét về công tác chuẩn bị và đâu là điểm nhấn của “Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất”?

Ông Võ Văn Dũng: Hiện nay, Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban tổ chức quốc gia đã được thành lập và đi vào hoạt động. Kế hoạch tổng thể cũng đã ký và ban hành. Theo kế hoạch, chương trình sẽ diễn ra với 21 hoạt động. Trong đó, có những hoạt động đã thông qua kịch bản chi tiết và đi vào dàn dựng. Còn các hoạt động khác, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức thông qua đến đâu, sẽ triển khai đến đó.


Hiện tại, Đờn ca tài tử không còn của riêng Việt Nam nữa, mà của toàn nhân loại. Do vậy, các hoạt động của Festival sẽ hướng tới tất cả mọi người. Nội dung Festival sẽ có các chương trình học hát, hát giao lưu Đờn ca tài tử với cả khách nước ngoài cũng như đồng bào mọi miền của tổ quốc. Và chúng ta cũng sẽ bán nhiều vật phẩm liên quan tới Đờn ca tài tử để ghi dấu với bạn bè quốc tế.

PV: Trước khi Đờn ca tài tử đã được UNESCO vinh danh, chúng ta đã bảo tồn và ươm mầm những “báu vật” của loại hình nghệ thuật này thế nào thưa ông?

Ông Võ Văn Dũng: Trước đó, tỉnh Bạc Liêu cũng quan tâm tới các nghệ nhân. Sắp tới, Bạc Liêu sẽ có chính sách cho những nghệ nhân hát hay, đờn giỏi. Trước mắt, chúng tôi sẽ tổ chức giảng dạy Đờn ca tài tử để những nghệ nhân có thể truyền lửa cho thế hệ sau. Trước khi Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là Di sản phi vật thể của nhân loại, Bạc Liêu đã mở hai lớp dạy Đờn ca tài tử cấp tỉnh với 400 người dự. Sau đó, các huyện cũng đều mở lớp. Không những người trẻ mà người già 70 tuổi cũng đi học. Họ học phấn khởi lắm. Tỉnh cũng dự định, học kỳ II tới đây sẽ đưa Đờn ca tài tử vào các lớp học, giảng dạy cho các em học sinh. Hiện tại, Bạc Liêu có 600 câu lạc bộ ở các địa phương, cơ quan với 2000 nghệ nhân. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt để giữ gìn và lan tỏa Đờn ca tài tử.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.


Phạm Mỹ
Festival đờn ca tài tử quốc gia đầu tiên
Festival đờn ca tài tử quốc gia đầu tiên

Từ ngày 20-25/4/2014 tại tỉnh Bạc Liêu sẽ diễn ra Festival đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất với chủ đề “Đờn ca tài tử, tình người- tình đất phương Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN