Phát triển Đờn ca tài tử trong thời kỳ hội nhập

Bên cạnh niềm vui mừng, tự hào sau khi nghệ thuật Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhiều nhà quản lý, nghiên cứu rất băn khoăn về việc làm thế nào có thể bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này trong thời kỳ hội nhập thế giới.


Tránh “thương mại hóa” nghệ thuật


“Để bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử, điều quan trọng nhất là đừng để loại hình nghệ thuật này bị “biến chất”; việc "thương mại hóa" loại hình nghệ thuật này trong đời sống kinh tế sẽ làm mất đi nét đặc trưng của nghệ thuật độc đáo này”, GS Trần Văn Khê, một “cây đa, cây đề” về nghiên cứu và giảng dạy về Đờn ca tài tử cho biết.

Biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.


Là người trực tiếp giảng dạy bộ môn Đờn ca tài tử, ông Phan Nhựt Dũng, giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh, TP.HCM, chia sẻ: “Việc Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đặt ra trách nhiệm mới cho mỗi người dân Việt Nam, nhất là người làm công tác giảng dạy quản lý bộ môn nghệ thuật này. Đó là, làm thế nào để gìn giữ, bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử chứ không phải bảo tồn để rồi đưa vào… bảo tàng”.


Theo ông Phan Nhựt Dũng, việc bảo tồn Đờn ca tài tử phải song song với việc phát triển sao cho phù hợp với từng thời kỳ, từng thời đại nhưng vẫn không làm mất đi cái hồn của dân tộc từ bao đời nay. Phát triển Đờn ca tài tử trên sân khấu cũng là cách để người dân hiểu hơn về nghệ thuật này.


Người chơi phải tinh tế và sâu sắc để khi khán giả nghe tiếng đàn bầu, đàn kìm, nhưng sâu trong tâm hồn vẫn nhớ về nguồn cội. Đối với người quản lý câu lạc bộ phải thật sự hiểu về Đờn ca tài tử. Mỗi câu lạc bộ phải có tập huấn giảng dạy tổ chức lớp học. Để bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật này, cần phải gắn kết các câu lạc bộ và trường lớp, cũng như có một bộ tiêu chuẩn để chọn lọc những nghệ nhân Đờn ca tài tử thật sự có tài, có tâm.


Tại TP.HCM, mặc dù hoạt động Đờn ca tài tử vẫn được tổ chức thường xuyên nhưng vẫn còn thiếu sân chơi cho người mộ điệu. Nhiều hoạt động, chương trình liên hoan, các cuộc thi Đờn ca tài tử vẫn còn mang hơi hướng phong trào và bệnh thành tích, chưa tạo được niềm tin yêu sâu sắc với đông đảo công chúng yêu bộ môn nghệ thuật này.


Mặt khác, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp loại hình này thường trở về các tỉnh làm việc. Có em vẫn theo nghề và làm việc tại trung tâm văn hóa tỉnh, nhưng vì đoàn hát không có nên các em phải đi hát ở các quán để mưu sinh, thậm chí bỏ nghề vì không có “đất” để hoạt động nghệ thuật.


Đưa âm nhạc tài tử vào trường học


Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.HCM cho biết, trong bộ hồ sơ trình UNESCO có hồ sơ chính quyền cam kết với cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử và cam kết của các nghệ nhân hoạt động nghệ thuật này phải tiếp tục giảng dạy và giữ gìn Đờn ca tài tử cho thế hệ mai sau.


TP.HCM hiện có 118 câu lạc bộ Đờn ca tài tử với 1.000 nghệ nhân. Hầu hết cây đa, cây đề về Đờn ca tài tử đều đang sinh sống và làm việc tại đây.


Trong năm 2014, TP.HCM sẽ tổ chức 6 lớp học đại trà cho những người mới tập làm quen với Đờn ca tài tử cũng như nâng cao trình độ cho những người chơi. Đồng thời, hỗ trợ nghệ nhân đăng ký mở lớp học Đờn ca tài tử truyền dạy cho người dân.


Đối với các hoạt động liên hoan, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố cũng sẽ tiếp tục tổ chức liên hoan “Hoa Sen Vàng” lần 2 nhằm tìm kiếm những tài tử đờn ca xuất sắc cũng như xác định trình độ các tài tử. Sắp tới, ngành đề xuất với thành phố có chế độ chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân Đờn ca tài tử gặp khó khăn trong cuộc sống, với mức hỗ trợ từ 2-3 triệu đồng/tháng để các nghệ nhân cải thiện cuộc sống và tiếp tục truyền dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử cho thế hệ sau.


Đặc biệt, năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa bộ môn âm nhạc tài tử vào trong trường học để học sinh có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa đối với môn nghệ thuật này.

Trước khi nghệ thuật Đờn ca tài tử được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Việt Nam đã có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận gồm: Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), dân ca quan họ Bắc Ninh (2009), ca trù (2009) và hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010).


Gia Thuận

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN