Thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức rất nguy hại cho sức khỏe

Sáng 5/3, theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), cùng với gió Đông Nam, sương mù khiến độ ẩm cao, chất lượng không khí nhiều khu vực của Thủ đô Hà Nội ở mức rất có hại cho sức khỏe.

Chú thích ảnh
Sương mù dày đặc ảnh hưởng không nhỏ đến người tham gia giao thông. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Kết quả đo của ứng dụng này cho thấy, Hà Nội có đến 7 điểm màu tím (chỉ số ô nhiễm không khí từ 201-300), mức rất có hại cho sức khỏe của con người. Điển hình các điểm đo tại: Chùa Láng (quận Đống Đa) chỉ số ô nhiễm không khí ở mức 257; Đội Cấn (quận Ba Đình) là 255; Colibri (quận Tây Hồ) là 242; Nguyễn Chế Nghĩa (quận Hoàn Kiếm) là 238…

Đặc biệt điểm đo tại Vườn Dâu (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) là màu đen (chỉ số ô nhiễm không khí từ 300) - mức ô nhiễm rất nguy hiểm đến sức khỏe. Tại đây kết quả đo lúc 8 giờ chỉ số là 407.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.

Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201 - 300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Đối với những người nhạy cảm, cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà, cần hạn chế tối đa thời gian thực hiện các hoạt động ngoài trời và sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong ngày và đêm 5/3, sương mù tiếp tục xuất hiện ở nhiều nơi của khu vực Bắc Bộ. Trong 10 ngày tới (từ 5-14/3) các tỉnh, thành phố miền Bắc tiếp tục có mưa, mưa nhỏ, sương mù và sương mù nhẹ vào sáng sớm.

 Hoàng Vân  (TTXVN)
Sương mù dày đặc, Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí
Sương mù dày đặc, Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí

Sáng 5/3, bầu trời Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế. Theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí ghi nhận với chỉ số AQI trung bình lúc 7 giờ là 241 đơn vị, thủ đô Hà Nội đang đứng đầu thế giới về tình trạng ô nhiễm không khí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN