Nạn nhân thứ hai trong vụ sập nhà cổ đã tử vong

Lúc 17 giờ 45 phút cùng ngày 22/9, lực lượng chức năng đã phát hiện ra nạn nhân cuối cùng của vụ sập căn biệt thự Pháp cổ 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) là chị Trần Thị Nga (sinh năm 1979) đang bị mắc kẹt ở bên trong.


Bên trong hiện trường vụ sập nhà tại ngõ 107 Trần Hưng Đạo. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN



15 phút sau, lực lượng cứu hộ đã đưa được chị Nga ra khỏi đống đổ nát, nhưng chị Nga đã tử vong và được xe cứu thương đưa rời khỏi hiện trường.

Thông tin sơ bộ cho biết, trong vụ sập căn nhà 107 Trần Hưng Đạo, có 7 nạn nhân phải đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện, trong đó có 2 nạn nhân tử vong là bà Lê Thị Hường (46 tuổi, làm nghề bán rau, ở tại khu vực tầng 1 của căn nhà) và chị Trần Thị Nga (sinh năm 1979). Những nạn nhân còn lại bị chấn thương tại các vị trí: Sọ não, xương chậu, hàm mặt, gãy xương cẳng chân, bàn chân…

Hiện lực lượng chức năng tại hiện trường vẫn đang tiến hành công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người bị nạn. Tại hiện trường, 2 xe cứu thương vẫn đang túc trực để sẵn sàng cấp cứu cho nạn nhân.

Ngay khi nhận được thông tin sập căn biệt thự Pháp cổ tại 107 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm thương vong nhiều người, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn phối hợp với Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức và các bệnh viện Trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội nhanh chóng xử lý, khắc phục hậu quả của vụ tại nạn nêu trên.

Cụ thể, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường tối đa nguồn lực, thuốc men hỗ trợ cấp cứu, điều trị cho các nạn nhân; đồng thời cập nhật diễn biến tình hình, ý kiến đề xuất, kiến nghị về cơ quan Bộ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cấp cứu và điều trị cho các nạn nhân.

Trước yêu cầu cấp thiết đó, Sở Y tế Hà Nội đã nhanh chóng phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường các y, bác sĩ giỏi từ các cơ sở y tế trên địa bàn tiếp cận ngay hiện trường và bằng mọi biện pháp cấp cứu cho nạn nhân; bố trí xe cấp cứu 115 đến hiện trường với trang thiết bị sơ cứu hiện đại trực tại hiện trường căn nhà sập để sẵn sàng vận chuyển cấp cứu đến các bệnh viện.

Cảnh báo nguy hiểm ở 2 khối nhà còn lại


Hai khối nhà tiếp giáp ngôi nhà cổ cổ số 107 Trần Hưng Đạo cũng tiềm ẩn nguy cơ bị sập. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Tối 22/9, không khí hoảng loạn, đau thương vẫn bao trùm cả dãy phố, quanh khu vực căn biệt thự Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) vừa bị đổ sập.

Hiện trường là những đống đổ nát ngổn ngang, bụi bặm. Hàng trăm chiến sỹ bộ đội, công an của Hà Nội và lực lượng chức năng liên quan đang nỗ lực không mệt mỏi để giải cứu người còn bị mắc lại trong khu vực tòa nhà và khắc phục sự cố vụ sập gây ra.

Có mặt ngay sau khi xảy ra vụ sập nhà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã yêu cầu các lực lượng chức năng khoanh vùng và hạn chế, cấm đi lại trong tầm ảnh hưởng của biệt thự bị đổ, do kết cấu ngôi nhà đã bị thay đổi, hiện còn hai khối nhà chênh vênh có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Đồng quan điểm, các chuyên gia xây dựng cũng cảnh báo tình trạng nguy hiểm ở hai khối nhà còn lại tại căn biệt thự cổ này. Do căn nhà qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, cộng với thời tiết mưa liên tục những ngày qua khiến cho các bức tường bị thấm nước, làm giảm khả năng chịu lực. Tình trạng này cảnh báo hai khối nhà còn lại có thể đổ sập bất cứ lúc nào, cần di tản các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Ông Dương Trọng Liêm, người dân sống cạnh căn biệt thự Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) vừa bị sập, vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết: "Vụ đổ sập quá bất ngờ và đau thương. Gia đình tôi và các hộ dân liền kề căn nhà bị sập đang rất lo lắng cho cuộc sống sắp tới. Đường vào nhà chen kín gạch đá và bê tông, nguy hiểm hơn là không biết khi nào khối nhà còn lại đổ sập. Rất mong các cấp chính quyền nhanh chóng có giải pháp giúp đỡ người dân chúng tôi tránh nguy hiểm, an cư, sớm ổn định cuộc sống".

Căn biệt thự Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo là nơi làm việc của Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam). Nhà được xây dựng từ thời Pháp có 3 khối gồm: khối 1 (mặt tiền) 2 tầng, khối 2 bị sập là hội trường được xây dựng kiểu kính mái vòm, độ cao tương đương 3 tầng, diện tích khoảng 300m2, 2 bên phía hội trường có hành lang lửng bố trí nơi làm việc của cán bộ, nhân viên và khối 3 là khu phía trong có 2 tầng.

Giáp 2 bên của ngôi nhà là lối đi liền kề với các hộ dân sinh sống, buôn bán. Khi xảy ra sập, ngôi nhà đã sập theo phương thẳng đứng và một phần gạch vỡ của công trình đã đổ tràn sang 2 bên lối đi, dẫn đến nhiều người bị thương vong và hư hỏng tài sản.

Hạnh Quỳnh, Nguyễn Thắng (TTXVN)
Bố trí chỗ ở tạm thời cho hộ dân trong vụ sập nhà cổ
Bố trí chỗ ở tạm thời cho hộ dân trong vụ sập nhà cổ

"Chúng tôi đang khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Hiện vẫn còn 1 nạn nhân nữ tên là Nga đang mắc kẹt bên trong", là thông tin từ Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Nguyễn Quốc Hoa vào chiều 22/9 tới đại diện các cơ quan báo chí, tại hiện trường vụ sập căn biệt thự 107 Trần Hưng Đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN