Mất an toàn trên đường Vành đai 2 vì tệ đi ngược chiều

Các phương tiện không tuân thủ biển báo, đi ngược chiều từ Hoàng Quốc Việt qua nhánh N2 của dự án vào đường Vành đai 2 gây mất an toàn giao thông.

Sau 3 ngày Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư Phát triển Giao thông đô thị - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thực hiện phân luồng giao thông và tổ chức cho các phương tiện lưu thông trên tuyến chính đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Câu Giấy, tình hình lưu thông đã cơ bản ổn định nhưng tại khu vực nút giao thông tại Bưởi vẫn gặp một số khó khăn. Lý do là các phương tiện không tuân thủ biển báo, đi ngược chiều từ Hoàng Quốc Việt qua nhánh N2 của dự án vào đường Vành đai 2 gây mất an toàn giao thông.

Ban QLDA Đầu tư Phát triển Giao thông đô thị Hà Nội cho biết, phương án phân luồng, tổ chức giao thông theo Quyết định số 22/QĐ-SGTVT, ngày 12/1/2016 của Sở Giao thông Vận tải là phương án tối ưu đã được liên ngành khảo sát kỹ trước khi ban hành; hệ thống biển báo cấm, biển chỉ dẫn cũng đã được bổ sung đầy đủ; phương án phân luồng cũng đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi triển khai thực hiện.

Cầu vượt nút giao Bưởi - Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Tình trạng các phương tiện đi ngược chiều tại nút giao thông Bưởi có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan nhưng trong đó phải kể đến việc một vài phương tiện đôi khi cố tình không chấp hành biển báo, dẫn đến các phương tiện khác cũng nối theo dẫn đến cả dòng phương tiện khi đi ngược chiều qua hết nhánh N2 của dự án, vào đến khu vực tuyến chính (gần cổng Làng Trung Nha) đã xung đột với dòng phương tiện từ Nhật Tân đi lên Cầu Bưởi gây ra ùn tắc.

Để hạn chế tình trạng nêu trên, Ban QLDA đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải tăng cường thêm lượng thanh tra giao thông hỗ trợ cùng lực lượng cảnh sát giao thông túc trực để hướng dẫn nhằm đảm bảo trật tự giao thông tại khu vực này. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông là yếu tố quyết định, nhất là trong những ngày giáp Tết đông phương tiện giao thông.

Tuyến đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy) ngoài mục tiêu góp phần hoàn chỉnh kết nối trung tâm Thủ đô đến sân bay Nội Bài. Việc sớm tổ chức cho các phương tiện lưu thông trên tuyến chính đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy còn có vai trò rất quan trọng trong phân luồng, tổ chức giao thông, góp phần giảm lưu lượng giao thông trên các tuyến đường gom của đường vành đai 2, các nút giao, đường Bưởi cũ và đường bờ trái sông Tô Lịch. Từ đó, đơn vị thi công có điều kiện để thi công các hạng mục trên các tuyến này nhằm sớm hoàn thành công trình.

Nút giao thông Bưởi là nút giao phức tạp, ngoài tuyến chính đi trên cầu vượt, dự án còn thiết kế với tổ hợp 8 nhánh đường, 1 tuyến đường gom kết nối với các tuyến đường hiện trạng để phục vụ cho 18 dòng phương tiện lưu thông qua nút. Đến nay đã hoàn thành 3 tuyến đường nhánh, đường gom và 1/2 đảo xuyến. Còn lại 2 nhánh đường rất quan trọng chưa thể thi công do vướng mặt bằng ( Nhánh N4: Từ Lạc Long Quân hướng xuống đảo xuyến, rẽ ra Hoàng Quốc Việt; Nhánh N5: từ đảo vòng xuyến trung tâm nút Bưởi hướng lên Lạc Long Quân ). Ban QLDA đang tích cực phối hợp với UBND quận Ba Đình để giải quyết các tồn tại, vướng mắc nhằm sớm có mặt bằng phục vụ thi công công trình.

Tuyến đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy) được triển khai đầu tư theo Hợp phần đường của dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuyến đường có tổng chiều dài 6,1km, điểm đầu nối với đường dẫn lên cầu Nhật Tân, điểm cuối là nút giao Cầu Giấy. Trên tuyến có 5 cầu vượt (gồm: Cầu Vượt nút giao thông Bưởi, Cầu T11, Cầu vượt nút Đội Cấn, Cầu vượt nút Đào Tấn và Cầu vượt nút giao thông Cầu Giấy). Công trình có tổng kinh phí xây lắp là 1.352 tỷ đồng, kinh phí giải phóng mặt bằng là 3.986 tỷ đồng.

Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 3/2012. Trong quá trình thi công đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng cho 1.561 hộ dân, đến nay còn 1 hộ dân chưa di chuyển (hộ dân khu vực nút giao Bưởi – Hoàng Hoa Thám). Ngoài ra, để thực hiện công trình cũng phải tiến hành di chuyển hệ thống công trình ngầm, nổi; đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp, thoát nước… trong điều kiện vừa triển khai thi công, vừa phải đảm bảo tổ chức giao thông phục vụ đi lại của nhân dân nên cần triển khai thi công từng hạng mục công trình nhằm đảm bảo có phương án phân luồng, tổ chức giao thông tối ưu.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Thông xe cầu Hòa Trung và đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi
Thông xe cầu Hòa Trung và đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi

Ngày 16/1 tại địa điểm cầu Hòa Trung, ấp Hòa Nam, xã Hòa Thành, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Bộ giao thông vận tải (GTVT) đã thông xe cầu Hòa Trung và đường Hồ Chí Minh đoạn cầu Năm Căn đến Đất Mũi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN