Họa sĩ chống xâm hại tình dục bằng 'nghìn lẻ một chân dung phụ nữ'

Ở một góc nhỏ ở thủ đô Hà Nội, có người phụ nữ Australia xinh xắn tên Hiratsuka Niki. Cô đang ấp ủ dự án nâng cao nhận thức cộng đồng về xâm hại tình dục.

Hiratsuka Niki bên tấm chân dung tự họa trong dự án "1001 Portraits of the Goddess" nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về xâm hại tình dục.

Báo Tin Tức trân trọng giới thiệu với độc giả cuộc trao đổi với nghệ sĩ Hiratsuka Niki về chủ đề xâm hại tình dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Xin chào Niki, trước tiên bạn sẽ tự giới thiệu về mình với độc giả của chúng tôi như thế nào?

Tôi muốn các bạn nhìn nhận tôi là chính tôi. Ở Việt Nam thì tôi 32 tuổi còn ở Australia thì tôi 31 tuổi (cười). Tôi là người Australia nhưng bố tôi là người Anh còn mẹ tôi là người Nhật Bản nên tôi không trông giống người Australia lắm.

Nghệ thuật đóng một vai trò rất lớn trong cuộc đời của tôi song đồng thời tôi cũng rất quan tâm đến việc tham gia chữa trị những tổn thương về tinh thần, vì vậy tôi học ngành liệu pháp nghệ thuật, sử dụng nghệ thuật để khuyến khích việc khám phá bản thân, qua đó giúp vượt qua những vấn đề về tâm lý.

Ngày còn bé, tôi bị bố đẻ xâm hại tình dục. Tôi có một cuộc sống khó khăn vì hậu quả của điều xảy ra ảnh hưởng đến gần như mọi thứ. Với những thứ người khác thấy rất dễ dàng, đó có thể lại là thử thách lớn nhất đối với tôi.

Tôi rất nhạy cảm và phải học cách tự chăm sóc bản thân nhiều hơn. Từng có những thời điểm, tôi sợ người khác đánh giá về mình bởi tôi đã tin rằng có điều gì đó sai trái ở tôi và rồi mọi người sẽ phát hiện ra điều sai trái đó.

Tôi đã rất may mắn vì vào những thời khắc khó khăn xung quanh minhd có rất nhiều người tốt, sẵn sàng lắng nghe và ủng hộ. Tôi sẽ không thể ngồi đây làm việc tôi đang làm nếu không có người khác giúp đỡ.

Tôi hiện đang thực hiện dự án vẽ và triển lãm “1001 Portraits of the Goddess” (tạm dịch: Nghìn lẻ một chân dung phụ nữ) để nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề xâm hại tình dục. Tôi cảm thấy đây không chỉ là vấn đề về cá thân tôi, dự án của tôi mà lớn hơn vậy.

Bạn có thể nói rõ hơn về vai trò của nghệ thuật trong cuộc đời của bạn cũng như với những gì bạn đang làm không?

Khi còn là một đứa trẻ tôi đã luôn biết mình muốn trở thành một nghệ sĩ. Điều đó giống như giấc mộng lớn nhất của thời thơ ấu vậy. Khi tôi làm nghệ thuật, tôi tìm thấy sức mạnh của mình. Còn khi không làm nghệ thuật, tôi bắt đầu thấy chật vật về cả thể chất lẫn tinh thần.

Tôi nghĩ mối quan hệ của tôi với nghệ thuật là thứ không thể kiểm soát được. Tôi không biết đây có phải là cảm xúc chung với những người từng bị xâm hại tình dục không nhưng với tôi, khi làm nghệ thuật, nó khơi lại những chuyện buồn của tôi. Nhưng tôi không xem đó là một chuyện xấu.

Thay vì vậy, tôi xem đó là một cách để biến đổi mình. Dĩ nhiên, vì nó khơi lại quá nhiều chuyện kinh khủng nên tôi cũng thấy rất khó khăn khi vẽ. Nhưng tôi yêu nghệ thuật.

Với tôi, biểu đạt cảm xúc thông qua hội hoạ là việc hoàn toàn cần thiết. Nếu như không thể biểu đạt cảm xúc của mình dưới hình thức nào đó như khiêu vũ, hát, thơ, viết nhật ký... thì tôi sẽ vỡ vụn mất.

Bạn có thể cho biết vì sao bạn lại đang triển khai dự án này ở Việt Nam không?

Tôi có một tình yêu khó giải thích dành cho Việt Nam. Vào một buổi chiều lúc đang ở sân sau nhà ở Sydney, tôi chợt cảm thấy mình phải quay trở lại Việt Nam. Cũng giống như lần trước khi tôi rời đất nước các bạn vậy, đơn giản là tôi cảm thấy mình phải ra đi. Tôi không biết tại sao nữa. Và thật là kỳ lạ là tôi đã quay trở lại Việt Nam vào thời điểm rất phù hợp với dự án của tôi.

Làm sao bạn quyết định được muốn vẽ chân dung của người nào? Có nhất thiết là họ phải từng trải qua chuyện đã xảy ra như vậy hay không?

Dự án của tôi nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề xâm hại tình dục. Tôi không viết cụ thể ra là bạn phải từng trải qua chuyện gì. Thay vì vậy, quan điểm của tôi là nếu bạn nghĩ bạn có một câu chuyện tương tự như vậy và bạn đã xoay sở để vượt qua nó, như tôi đã từng làm và giờ đây đang thực hiện một dự án có ý nghĩa với bản thân tôi và cộng đồng, thì bạn hãy đến với dự án của tôi.

Khi làm việc với những người phụ nữ này, bạn cảm thấy thế nào? Có khó thuyết phục họ tham gia dự án của bạn hay không?

Tôi xác định rất rõ ràng là sẽ không muốn ép buộc ai làm điều họ không cảm thấy sẵn sàng hay không muốn làm. Bởi vì đó chính là vấn đề đầu tiên: mọi người tôn trọng quyền của người khác.

Vì vậy tôi rất cẩn trọng để bảo đảm rằng mong muốn tham gia dự án xuất phát từ những người này chứ không xuất phát từ việc tôi muốn họ tham gia, rằng họ đã nghĩ đến những hệ quả, và họ chắc chắn 100% đây là điều đúng đắn dành cho họ.

Đến thời điểm này bạn đã hoàn thành bao nhiêu tấm chân dung rồi và bạn dự định thực hiện bao nhiêu tấm khi ở Việt Nam?

Hiện nay tôi đã có 5 bức chân dung rồi, bao gồm một tấm chân dung của tôi. Tấm thứ 6 sẽ có vào ngày chủ nhật tới đây (26/3), đó sẽ là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam trong dự án của tôi.

Tự vẽ mình bạn có thấy khó không Niki?
 

Tôi thấy việc vẽ bản thân mình rất khó khăn dù tôi có thể vẽ người khác rất dễ dàng. Sau khi vẽ xong tấm chân dung về mình, tôi cho các bạn tôi xem và họ nói Niki trong nó chẳng giống cậu tí nào cả. Lúc đấy tôi cảm thấy muốn khóc vì đã dành cả ngày để vẽ và tôi rất thích nó. Sau đó tôi phải thay đổi tấm chân dung để nó giống tôi hơn nhưng nó cũng vẫn chưa giống tôi lắm đâu, giống một cô bé gái hơn (cười).

Niki mong muốn dự án "1001 Portraits of the Goddess" sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về xâm hại tình dục.

Tại sao bạn lại muốn vẽ 1001 chân dung phụ nữ vậy? Có liên quan gì đến câu chuyện nghìn lẻ một đêm ở thế giới Arab không?

(Cười lớn) Tôi chắc chắn phải kiểm tra lại câu chuyện nghìn lẻ một đêm này mới được. Mọi người cứ hỏi tôi dự án này có liên quan gì đến câu chuyện này hay không. Tôi thậm chí còn không nghĩ đến mối liên hệ này. Thành thật mà nói là nghe có vẻ ngốc nghếch nhưng khi xem đồng hồ lúc nào tôi hay nhìn đúng vào lúc 10:01. Rồi mọi thứ cứ dần hình thành.

Bạn có từng nghĩ đến việc vẽ nam giới không vậy?

Từng có người bình luận về dự án của tôi là “1001 Portraits of the Goddess và cả nam giới nữa”. Lúc đó tôi mới nghĩ cũng nhiều nam giới bị xâm hại tình dục. Và tôi cũng không muốn mình gửi đi một thông điệp chỉ có phụ nữ là nạn nhân còn đàn ông là quỷ dữ!

Cách tôi làm việc với nghệ thuật là cứ làm thôi rồi sau đó mới khám phá ra tôi đã làm ra cái gì. Có một ngày, một người bạn đến phòng tôi và nói Niki, tranh của cậu toàn vẽ về phụ nữ. Rồi tôi nhận ra đúng là mình toàn vẽ phụ nữ thật. Đó là lúc ý tưởng về chân dung phụ nữ xuất hiện. Tôi có cảm giác như vẽ những bức tranh này, tôi lấy lại được những ký ức tuổi thơ vậy.

Có vẽ đàn ông hay không là vấn đề tôi cần thêm thời gian để suy nghĩ, nhưng trước mắt tôi nghĩ sự tập trung của mình là dành cho phụ nữ.

Bạn từng chia sẻ dự án này có thể ngốn của bạn đến 40 năm. Có bao giờ bạn băn khoăn liệu những việc bạn dành tâm huyết này là xứng đáng không?

Tôi không thể nghĩ ra việc gì xứng đáng hơn để làm nữa. Tôi biết ở Việt Nam có một tâm lý rất mạnh về việc kết hôn sinh con. Vì vậy đôi lúc tôi thấy mình làm mọi người khó chịu khi nói tôi chưa kết hôn khi mà tôi đã 32 tuổi rồi.

Và họ thường nói bạn đang làm cái gì vậy, bạn phải kết hôn nhanh đi thôi, tôi sẽ giới thiệu bạn được chứ, bạn phải kết hôn rồi bạn sẽ hạnh phúc.

Thế nên giờ đây tôi nói với mọi người rằng mình kết hôn rồi, chồng tôi là người bên “Úc”, anh ấy rất đáng yêu, chúng tôi sống ở Long Biên cùng nhau. Thế rồi mọi người rất phấn khởi, thở phào, rằng cô ấy kết hôn rồi, ổn cả rồi. Tôi vui, họ vui, mọi người vui.

Nhưng theo triết lý sống của tôi, nếu tôi không vinh danh điều tôi cảm thấy đúng, ví dụ như tôi chọn kết hôn với ai đó vì xã hội muốn tôi làm điều đó, tôi nghĩ tôi sẽ không làm tốt lắm đâu, cảm giác như sự bất hạnh sẽ quá lớn.


Làm dự án này tôi thấy hạnh phúc. Với tôi du lịch là một nguồn cảm hứng và dự án này là một giấc mơ.

Ý tưởng thực hiện dự án và làm triển lãm để nâng cao nhận thức của cộng đồng về xâm hại tình dục của bạn hình thành như thế nào?

Tôi có ý tưởng khi ở trên tàu đến Công viên Quốc gia ở Sydney, cứ như thể tôi đột nhiên bị sét đánh vậy, trong vài phút. Cuộc triển lãm đầu tiên của tôi trưng bày chân dung của bốn nữ minh tinh mà mãi sau về sau tôi mới nhận ra là mình đang thể hiện ý tưởng về hình tượng các nữ thần Hy Lạp cổ đại.

Tôi có biết một cô bé này, từng bị xâm hại ngày nhỏ. Chính cô bé đã khuyến khích tôi công bố việc mình bị xâm hại tình dục trong buổi triển lãm đầu tiên. Tôi nhớ hôm đó khán giả đã cổ vũ tôi, còn cô bé đã khóc. Rồi cô bé trở thành vị "nữ thần" đầu tiên trong dự án của tôi. Năm đó cô bé 17 tuổi.

Tôi sẽ cần 39 bức chân dung để làm triển lãm ở Việt Nam. Tôi không biết tại sao nhưng có cảm giác cuộc triển lãm sẽ diễn ra trong tháng 12 năm nay ở Bảo tàng Phụ nữ (Hà Nội).

Tôi cũng có dự định vào miền Nam thực hiện dự án để đảm bảm sự cân bằng về mặt nhân khẩu học với sự tham gia của nhiều nhóm phụ nữ khác nhau. Sẽ có tranh về phụ nữ Australia, có thể sẽ có cả tranh về phụ nữ Thái Lan, nhưng phần lớn sẽ là tranh về phụ nữ Việt Nam.

Theo bạn, làm cách nào chúng ta có thể ngăn chặn xâm hại tình dục xảy ra?

Trong vấn đề xâm hại tình dục, câu chuyện thường là: Việc đó xảy ra, bạn nghĩ đó là lỗi của mình và bạn im lặng. Rồi người kia cứ tiếp tục làm việc đó. Nếu xã hội nói với bạn rằng, thật ra không có gì điều sai trái ở bạn cả và người bị hại cảm thấy họ có thể nói về việc đó, họ cảm thấy có thể có được công lý, và có thể được nhìn thấy bản thân họ đang vật lộn thì câu chuyện sẽ dễ dàng hơn.

Sẽ rất kinh khủng nếu bạn cứ phải giấu giếm, cho rằng đó là lỗi của bạn. Vậy nên, điều tôi đang làm với dự án “1001 Portraits of the Goddess” là gửi đi thông điệp: Chuyện đó có xảy ra, nhưng mọi người cần thấy đây không phải là lỗi của nạn nhân, họ không cần cảm thấy xấu hổ. Nạn nhân cần vượt qua chuyện này để sống và truyền cảm hứng cho người khác. Tôi nghĩ đó là cách câu chuyện nên diễn ra.

Mọi người cũng cần nhận thức đầy đủ rằng đây không phải là mối hiểm họa từ những người lạ bởi trong đa số trường hợp, hiểm họa này có thể đến chính từ gia đình và bạn bè của nạn nhân
.
Tôi nghĩ khi mọi người bắt đầu nói về vấn đề xâm hại tình dục, chuyện sẽ thay đổi. Bất kì cuộc trao đổi nào về vấn đề xâm hại tình dục cũng đều hữu ích bởi vì trong xã hội hiện có quá ít câu chuyện trao đổi về vấn đề này.

Công lý mà bạn vừa đề cập ở trên là gì vậy, Niki?

Tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải là bắt kẻ xâm hại tình dục và trừng phạt họ. Cái chúng ta cần là sự suy ngẫm, thậm chí đối thoại. Tôi nghĩ ở cốt lõi của vấn đề, mọi người đều bị tổn thương, kể cả kẻ xâm hại tình dục. Tôi không tin vào ý tưởng trả thù. Tôi tin vào việc tiếp tục sống, hướng tới phía trước, tha thứ. Đây là quan điểm của riêng cá nhân tôi, từ những gì tôi đã chứng kiến và không hề có ý phê phán các quan điểm khác.

Cám ơn Niki.

Vũ Anh/Báo Tin Tức
'Dạy' cha mẹ cách đối mặt với việc con bị xâm hại tình dục
'Dạy' cha mẹ cách đối mặt với việc con bị xâm hại tình dục

Buổi trò chuyện “An toàn cho con yêu – Im lặng hay lên tiếng” cùng với Tiến sĩ Xã hội Phạm Thị Thúy cùng bà mẹ đầy kinh nghiệm Uyên Bùi sẽ giúp các bậc làm cha mẹ có cái nhìn cụ thể và rõ nét hơn về những hậu quả nghiêm trọng mà gia đình mình có thể sẽ gặp phải như việc làm sao để bố mẹ có thể dạy và nói chuyện với con về vấn đề này

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN