Hà Nội: Người dân nơm nớp sống dưới đường điện trung thế

Đã mười năm qua, người dân thôn Phú Ổ, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất đã kiến nghị nhiều nơi nhưng đến nay chưa có một cơ quan nào của thành phố Hà Nội đứng ra nhận trách nhiệm và giải quyết vụ việc để ổn định đời sống cho người dân.

Hiện tính mạng của nhiều người dân thôn Phú Ổ, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đang bị đe dọa, khi chính quyền cấp đất ở lâu năm cho người dân ngay dưới đường dây điện trung thế.

Đã mười năm qua, người dân lo sợ đến tính mạng của mình nên đã kiến nghị nhiều nơi nhưng đến nay chưa có một cơ quan nào của thành phố Hà Nội đứng ra nhận trách nhiệm và giải quyết vụ việc để ổn định đời sống cho người dân.

Qua tìm hiểu, trạm điện và đường dây trung thế 35 kV được lắp đặt chạy qua đầu làng thông Phú Ổ xã Bình Phú huyện Thạch Thất từ năm 1995. Thời điểm đường dây điện chạy qua, khu đầu làng Phú Ổ vẫn chỉ là cánh đồng trồng lúa.

Nhưng đến năm 2007, để phục vụ dự án trường học khu B Bình Phú nên nhiều hộ dân phải dành đất để xây trường. Sau đó có mười ba hộ dân đã được cấp đất giãn cư tại khu vực đầu làng Phú Ổ, ngay dưới đường dây điện trần trung thế 35 kV kể trên. Lúc ấy, một số người dân có thắc mắc nhưng được chính quyền xã giải thích sẽ chuyển đường dây điện tới vị trí khác.

Đường dây 35Kv Phú Bình nằm vắt qua nhà dân thôn Phú Ổ, xã Bình Phú huyện Thạch Thất.

Bẵng đi, do nhu cầu chỗ ở tăng, nhiều hộ dân đã nâng tầng cao của nhà. Nhưng khi xây dựng lại vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện trung thế 35 kV. Hiện khu rìa làng Phú Ổ nơi sinh sống của mười ba hộ dân với vài chục nhân khẩu là những ngôi nhà hai tầng lẫn với nhà cấp bốn, nhưng đều nằm trọn vẹn dưới đường dây điện trung thế.

Trong số mười ba hộ dân, nhà anh Nguyễn Văn Hợi mái nhà nằm gần đường dân điện trung thế nhất. Ngôi nhà ống hai tầng được xây dựng dang dở, vì phần mái không thể thi công được do vi phạm khoảng cách phóng điện của đường dây trung thế 35 kV Bình Phú. Ở tầng hai, anh Hợi cho lợp tấm proximang để chống thấm dột, không thể làm chỗ phơi quần áo như những nhà khác trong làng.

Nhắc lại chuyện tai nạn điện cách đây một năm anh Nguyễn Văn Hợi mặt biến sắc, chân tay nổi da gà nói: "Hôm đấy cậu em rể ở nơi khác đến chơi, do không quan sát đã đứng lên lan can tầng hai và bị điện phóng vào đầu và mang tai, làm cháy tóc, ngã xuống. Hậu quả người em rể của anh Hợi bị bỏng phần mặt và gót chân, phải vào viện Bỏng Quốc gia điều trị dài ngày". Sau vụ tai nạn ấy, anh Hợi cùng vợ con không sinh sống ở ngôi nhà đó nữa mà dọn về ở cùng bố mẹ, chịu cảnh chật chội như trước đây.

Nói về mức độ nguy hiểm khi sống dưới đường dây điện trung thế 35 kV, bà Đỗ Thị Nga hàng xóm nhà anh Hợi chia sẻ: "Chúng tôi đã sống mười năm trời nay dưới đường dây điện, rất sợ nhất là những hôm trời mưa gió sấm chớp. Người lớn còn có thể biết để phòng tránh, chứ hai đứa cháu nhỏ không biết chúng đi lại lên tầng hai lúc nào, nếu không may điện phóng". Nói đến đây bà Nga dừng lại mắt đỏ quạch, ngấn nước trực trào ra biểu lộ vẻ lo sợ tai họa ấp xuống gia đình.

Công ty Điện lực Thạch Thất cho biết, tuyến đường dây 35 kV và trạm biến áp Bình Phú 2 do UBND xã Phú Bình đầu tư nhưng hiện nay đã giao cho Công ty Điện lực Thạch Thất quản lý vận hành. Tuy vậy, để xảy ra tình trạng làm nhà dưới đường dây vi phạm khoảng cách an toàn dưới 3 mét (từ đường dây tới công trình) thuộc trách nhiệm của cấp có thẩm quyền và chính hộ dân xây dựng vi phạm.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thạch Thất, để đường dây điện đi qua nhà dân thứ nhất sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người dân thứ hai là cũng không đảm bảo an toàn cho lưới điện. Để ngăn chặn tai nạn điện công ty điện lực có nhắc nhở, lập biên bản, thông báo mức độ nguy hiểm khi xây dựng, sinh sống dưới đường dây điện trung thế để các hộ dân biết phòng tránh.

Trong trường hợp các hộ dân, chính quyền muốn di dời đường điện đến vị trí khác sẽ có công văn đề nghị ngành điện để được hướng dẫn, phối hợp. Kinh phí di chuyển đường dây 35 kV trên do địa phương và các hộ dân trên chịu trách nhiệm.

Người dân ở đây cho biết, sau khi chính quyền xã cấp đất, họ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lâu dài. Qua quá trình sử dụng đất, nhiều hộ dân muốn xây dựng thêm tầng nhưng không thể thực hiện được do vướng đường dây điện trung thế.

Để tìm câu hỏi vì sao người dân lại được cấp đất dưới đường điện trung thế, ngày 20/7 nhóm phóng viên đã đặt lịch để được gặp lãnh đạo xã Bình Phú. Dù là trong giờ hành chính nhưng phòng của Chủ tịch UBND xã vẫn khóa chặt. Trong khi đó, anh Hợi, bà Nga cùng nhiều người dân khác lại rất mong được chính quyền lưu tâm giải quyết đường điện.

Anh Nguyễn Văn Hợi bày tỏ: "Các cấp, các ngành thành phố và Trung ương chung tay giúp đỡ nhân dân, chuyển hộ đường dây điện này đi để cho chúng tôi còn có chỗ ở. Chứ hiện nay ở dưới đường dây điện rất sợ chả biết tai họa ập đến lúc nào, nhất là vào mùa mưa bão. Cùng với đó, ngành điện lại không giao dịch điện với các hộ nằm trong hành lang lưới điện, khiến người dân chúng tôi khóc dở mếu dở".

Cũng theo các hộ dân ở đây, trong suốt thời gian mười năm qua, từ lúc họ nhận đất đến nay, chính quyền xã Bình Phú không hề thông báo hay hướng dẫn gì việc khi xây dựng nhà ở phải cách đường dây điện bao nhiêu mét, hoặc sống gần hành lang đường dây điện thì phải làm thế nào để đảm bảo an toàn cho con người, tài sản, thiết bị…

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao chính quyền xã Bình Phú lại cấp đất ở lâu dài và bỏ mặc các hộ dân sống trong nguy hiểm như vậy suốt mười năm trời. Trong trường hợp nếu không may xảy ra những tai nạn nguy hiểm chết người do điện thì ai phải chịu trách nhiệm.

Tin, ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)
Bị điện giật chết vì chặt tỉa cây dưới đường điện cao thế
Bị điện giật chết vì chặt tỉa cây dưới đường điện cao thế

Ngày 3/12, anh Cù Văn Lợt, 31 tuổi, ngụ ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh) bị điện giật chết do không tuân thủ đảm bảo an toàn khi cắt tỉa cây xanh ở gần khu vực hành lang lưới điện cao thế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN