Xưởng tái chế bao bì nilon thuộc ấp 3 và ấp Hiền Đức (xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) thải những luồng khói đen ra môi trường. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN |
Đây là chỉ đạo của ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo xử lý di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường của tỉnh ngày 15/6.
Ông Võ Văn Chánh yêu cầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tiến hành rà soát, đánh giá lại những công việc mà đơn vị đã và chưa làm được trong thời gian qua, chậm nhất đến cuối tháng 6 phải có báo cáo gửi UBND tỉnh.
Đối với hai vướng mắc chính dẫn đến sự chậm trễ trong việc di dời các cơ sở là tài chính và địa điểm dời đến, ông Võ Văn Chánh đề nghị Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai xem xét đưa ra các văn bản nhằm hướng dẫn cơ sở thực hiện các thủ tục để nhận được sự hỗ trợ theo quy định của tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm giới thiệu địa điểm cho các cơ sở di dời.
Năm 2012, tỉnh Đồng Nai quyết định di dời hơn 300 cơ sở sản xuất kinh doanh (chia làm 4 nhóm) gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu đô thị, khu dân cư tập trung. Theo kế hoạch, sau 3 năm sẽ hoàn thành, song gần 6 năm trôi qua, hầu hết cơ sở vẫn hoạt động tại vị trí cũ.
Đối với nhóm gốm mỹ nghệ, Đồng Nai có 37 cơ sở phải di dời, nhưng đến nay mới có 29 doanh nghiệp được giao đất tại địa điểm mới (số còn lại chưa được giao đất). Với nhóm cơ sở giết mổ, có 50 cơ sở phải di dời nhưng hiện vẫn còn 11 cơ sở chưa chuyển đi...
Theo đại diện những cơ sở phải di dời, khó khăn lớn nhất của họ là thiếu vốn để đầu tư xây nhà xưởng, mua máy móc khi chuyển đến nơi mới. Tỉnh Đồng Nai đã đề ra chính sách hỗ trợ về vốn, hạ tầng nhưng do thủ tục rườm rà, nhiều quy định nên gần 6 năm qua chưa cơ sở nào tiếp cận được nguồn vốn.