Đề nghị tăng mức xử phạt với hành vi gây ô nhiễm môi trường

Cắt giảm các bước thu gom rác, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân khi phân loại rác, tăng mức xử phạt đối với các hành vi xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường…

Đó là những ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Kỳ họp thứ tư (kỳ họp bất thường) của Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh với chuyên đề bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố vào ngày 11/6.


Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh…

TP Hồ Chí Minh đang vận động các đơn vị thu gom rác dân lập thành lập doanh nghiệp hoặc hình thành hợp tác xã.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, cho biết ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Trong thời gian qua, toàn hệ thống chính trị của thành phố đã nỗ lực thực hiện Luật bảo vệ môi trường, triển khai nhiều dự án cải thiện ô nhiễm môi trường và bước đầu đạt được kết quả nhất định như giảm ô nhiễm nước thải, khí thải, tăng diện tích cây xanh, hoàn thành dự án cải thiện môi trường...


Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát gần đây của các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, tình hình ô nhiễm vẫn đang diễn biến theo hướng đáng lo ngại. Nước mặt, nước ngầm, tiếng ồn, không khí, bùn thải… chưa được xử lý đạt yêu cầu. Mức độ ô nhiễm tại nhiều nơi vẫn vượt chuẩn cho phép. Nhiều khu vực ô nhiễm đã gây ảnh hưởng cho khu dân cư.


Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày thành phố phát sinh trên 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, hơn 300 tấn chất thải nguy hại, khoảng 16 tấn chất thải y tế... Hiện nay, tổng lượng nước được khai thác, cấp sử dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào khoảng 1.850.000 m3/ngày (lượng nước cấp là 1,2 triệu m3/ngày, nước ngầm khai thác khoảng 650.000 m3/ngày) tương ứng với lượng nước thải vào khoảng 1.750.000 m3/ngày. Chất lượng môi trường không khí và tiếng ồn đang bị tác động bởi các nguồn như: Nguồn ô nhiễm do giao thông với 7.976.845 phương tiện gồm xe ôtô, xe mô tô, xe gắn máy đăng ký lưu hành; nguồn ô nhiễm do khí thải công nghiệp, chủ yếu từ các lò hơi đốt dầu (FO), than, củi, trấu (than).


Nhiều đại biểu tham dự cuộc họp đã đặt các câu hỏi như: Việc phân cấp thu gom rác hiện nay còn chồng chéo tại các tuyến đường, cầu phà…; quy trình thu gom rác có quá nhiều công đoạn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, việc xử lý vi phạm hành chính về vấn đề ô nhiễm môi trường chưa đủ sức răn đe; người dân vẫn vô tư xả rac nơi công cộng….


Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, với các ý kiến của các đại biểu đưa ra, đơn vị sẽ tiếp thu ý kiến và sẽ có những biện pháp xử lý. Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày trên địa bàn thành phố được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi) và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (VWS - huyện Bình Chánh). Trên địa bàn thành phố hiện nay có 42 đơn vị tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại; 10 đơn vị hành nghề xử lý chất thải nguy hại. Việc thu gom rác được thực hiện qua 5 bước như người dân mang rác tới các thùng đựng rác trước nhà, đơn vị thu gom tới lấy đem tới trạm trung chuyển....

Tập trung tuyên truyền bằng mọi phương tiện để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, không xã rác bừa bãi.

“Để tăng hiệu quả của việc thu gom rác, xử lý rác thải, thành phố đã các giải pháp như: quy hoạch xây dựng các trạm thu gom rác tập trung, vận động các đơn vị thu gom rác dân lập vào hợp tác xã hoặc thành lập doanh nghiệp để có những hỗ trợ về việc thay đổi các công cụ thu gom rác hiện đại hơn, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân…”, ông Thắng cho biết thêm.


Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, vừa qua, công tác quản lý thu gom rác, bảo vệ môi trường có mặt chưa làm tốt, vì vậy trong thời gian tới cần đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ môi trường hơn, hiệu lực hơn. Trong các biện pháp xử lý còn thiếu tính đồng bộ thì cần khắc phục ngay, đặc biệt cần quan tâm phân cấp mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả của nhiệm vụ chung là bảo vệ môi trường. 


Tiếp tục tập trung tuyền truyền dưới mọi hình thức, huy động các đơn vị đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân. Khi thực hiện phát hiện các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường cần tăng mức xử phạt hành chính để có sức răn đe. Qua đó, sẽ huy động được sức mạnh của người dân vào việc cùng thành phố phấn đấu xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp hơn.


Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức
Phập phồng trong những chung cư tường nứt, trần bong, ngập ngụa rác thải ở Sài Gòn
Phập phồng trong những chung cư tường nứt, trần bong, ngập ngụa rác thải ở Sài Gòn

Hàng nghìn người dân đang phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ ở các chung cư cũ nát, xuống cấp và ô nhiễm trầm trọng tại TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN