Di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô - Bài cuối: Cần quyết liệt để chống lãng phí

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, việc di dời không thể dùng ngân sách đầu tư công của Nhà nước, mà nên khuyến khích xã hội hoá. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục trao đổi với TP Hà Nội, báo cáo Chính phủ đề xuất phương án địa điểm mới, cơ chế huy động vốn, khi nào đảm bảo đủ điều kiện và có cơ chế giá đất tốt thì triển khai.

Đề xuất Chính phủ cho sử dụng trụ sở cũ làm nguồn lực

Đề cập đến lộ trình bao giờ hoàn thành di dời và bàn giao trụ sở cũ cho TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ với phóng viên báo Tin tức: Chủ trương di dời bộ, ngành ra khỏi nội đô của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn. Trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập từ nhiều đơn vị khác nhau hợp nhất lại là: Tổng cục Địa chính, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Môi trường (Bộ Khoa học và Công nghệ), Tổng cục Địa chất và khoáng sản và Viện Địa chất và Khoáng sản (Bộ Công nghiệp)... Là đơn vị đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng khi thành lập, Bộ chưa được Nhà nước đầu tư trụ sở.

Chú thích ảnh
Trụ sở Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội thuộc di sản kiến trúc Pháp. Ảnh Tiến Hiếu.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có trụ sở mới tại số 10 phố Tôn Thất Thuyết, tuy nhiên, cơ sở mới chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu sử dụng của các đơn vị trong Bộ. Trong khi đó, trụ sở cũ đã xuống cấp, vẫn còn các đơn vị Tổng cục Biển và Hải đảo, Cục Viễn thám Quốc gia, Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam... sử dụng. Nếu di dời, thì chắc chắn các đơn vị này “phải ra đường”, chưa kể nhiều đơn vị khác trực thuộc Bộ vẫn đang nằm rải rác ở nhiều nơi.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích, đến nay, nguồn lực đầu tư của Nhà nước chưa thể bố trí cho việc đầu tư xây mới các trụ sở đảm bảo đáp ứng đủ yêu cầu, công năng hoạt động của ngành. Cũng như nhiều bộ, ngành khác đang trong hoàn cảnh tương tự, khi Nhà nước chưa bố trí được vốn, quỹ đất trụ sở mới, thì các cơ quan cũng chưa thể định hướng di dời đi đâu. Rõ ràng, phải có kinh phí đầu tư mới, phương án đầu tư cụ thể mới có thể đẩy nhanh tiến độ di dời.

“Điều này đặt ra vấn đề: Muốn di dời trụ sở cũ đến trụ sở mới, Bộ đề xuất sử dụng quỹ đất trụ sở cũ làm nguồn lực để đầu tư di dời, nhưng dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch chung của TP Hà Nội, đảm bảo quỹ đất cũ được sử dụng hiệu quả nhất. Quy trình này cũng phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống văn bản, chính sách pháp luật liên quan và cơ chế vốn của Bộ Tài chính. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang nghiên cứu, tính toán các phương án giải quyết nguồn lực đất đai, nhưng không đơn giản…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà Nói.

Bộ Xây dựng cần “hội nghị bàn tròn” với các bộ, ngành

Qua tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức, lãnh đạo các bộ, ngành trong diện di dời đều cho rằng, chủ trương di dời của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, phương án của Bộ Xây dựng mới chỉ mang tính tham khảo, chưa lấy ý kiến các bộ, ngành. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến nay chưa nhận được ý kiến nào về phương án di dời, đó mới chỉ là quy hoạch, nên Bộ chưa có kế hoạch triển khai cụ thể.

Chú thích ảnh
Trụ sở Bộ Xây dựng nằm trong diện di dời. Ảnh Tiến Hiếu.

Còn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, trụ sở của Bộ hiện nay đang vận hành tương đối ổn định và vẫn đang tiếp tục sắp xếp, kiện toàn và không thuộc diện di dời. Tương tự, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương vẫn đang chờ định hướng, kế hoạch chung của Chính phủ và các phương án chính thức của Bộ Xây dựng rồi mới có thể triển khai. Trước đó, trong văn bản số 8586 ngày 15/9/2017 của Bộ Công Thương gửi Bộ Xây dựng về góp ý Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ Công Thương nêu rõ: Trụ sở làm việc của Bộ đang hoạt động ổn định, đủ diện tích bố trí cho khoảng 1.500 người làm việc đến năm 2030. Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục được sử dụng các trụ sở cũ, không di dời.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV ngày 4/6 mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) hỏi, chủ trương di dời các bộ, ngành đến nay quá chậm, mặc dù chủ trương đã có từ lâu và đang gây sức ép về hạ tầng, dân số, đi ngược với mục tiêu Chính phủ đề ra. Vậy nguyên nhân do đâu? Trong khi đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cũng đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà giải thích vì sao một số bộ, ngành sau khi di dời trụ sở, vẫn không bàn giao lại đất?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu ra hàng loạt các căn cứ và quy trình để thực hiện, từ việc lập danh mục, xác định các tiêu chí lộ trình, biện pháp di dời… Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận việc thực hiện chậm; đồng thời, khẳng định sẽ “ngồi lại” để làm việc với các bộ, ngành và “hứa giải quyết rốt ráo".

Ở góc độ chuyên gia, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Bộ Xây dựng) góp ý, chủ trương di dời nếu tính đến phương án huy động vốn xã hội hóa để thực hiện là không dễ, vì các nhà đầu tư hiện nay bỏ vốn đều phải tính đến thu hồi vốn và có lãi. Nhưng các trụ sở cũ sau di dời làm không gian công cộng thì khó thu hút nhà đầu tư. Vì vậy, để giải quyết hiệu quả bài toán di dời, Nhà nước phải giữ vai trò “cầm trịch”, hỗ trợ cụ thể về cơ chế, chính sách, kinh phí, quỹ đất, hạ tầng… giúp các bộ, ngành triển khai nhanh, sớm và Nhà nước quyết định công năng sử dụng mới.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Nhà nước, Chính phủ phải giữ vai trò quản lý chủ đạo, kiên quyết thực hành chống lãng phí. Việc chậm di dời cũng là lãng phí. Tham ô còn thu hồi được, chứ lãng phí coi như mất. Do đó, các bộ, ngành phải làm gương. Chủ trương di dời các bộ, ngành ra khỏi nội đô để giảm ùn tắc giao thông đã quá tải, để có cơ quan công quyền khang trang, thực hiện văn hóa công sở và thu được hiệu quả công việc hơn. Đại biểu Nguyễn Tạo dẫn chứng, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng hiện quy tụ tất cả các Sở, ngành, bộ phận một cửa, đang mang lại hiệu quả quản lý Nhà nước tốt hơn trước. Việc cùng lúc giữ trụ sở cũ và trụ sở mới sẽ khiến chi phí đội lên, trong khi thuế nhân dân phải chịu. Vì vậy, về chủ trương di dời, Thủ tướng Chính phủ cần có những chỉ đạo quyết liệt và người đứng đầu các bộ, ngành cần làm gương trong việc chống lãng phí. Từ đó trật tự, kỷ cương pháp luật sẽ được nâng lên, lấy lại niềm tin của nhân dân.

“Mỗi ngày có hàng vạn người từ ngoại tỉnh di chuyển vào nội đô để đến các bộ, ngành làm việc đang tạo áp lực lớn lên giao thông và môi trường. Việc di dời bộ, ngành sẽ giúp khu vực trung tâm thông thoáng hơn và cũng là điều kiện để TP Hà Nội kiện toàn các chức năng đô thị”, PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết.
Nhóm PV/Báo Tin tức
Di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô - Bài 2: Chủ trương đúng, giải pháp chưa trúng
Di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô - Bài 2: Chủ trương đúng, giải pháp chưa trúng

Bộ Xây dựng đã hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch này, phương án cụ thể để sắp xếp và di dời trụ sở các cơ quan ra khỏi nội đô Hà Nội đã được rà soát, xây dựng cụ thể; đồng thời, định hướng quy hoạch trên địa bàn 10 tỉnh vùng Thủ đô trong giai đoạn trước năm 2030 cũng được đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN