Công trình thủy điện chậm xử lý các vấn đề phát sinh khiến người dân bức xúc 

Hơn một năm sau khi được đưa vào vận hành chính thức, thủy điện Chư Pông Krông (xây dựng trên sông Krông Nô) vẫn còn "nợ" nhiều nội dung quan trọng. Nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông và các ngành chức năng lần lượt bị phớt lờ, trong khi những thiệt hại của người dân, doanh nghiệp chậm được xử lý, bồi thường.

Chú thích ảnh
Bến cát của Công ty Hải Khánh Ngân bị ngập sâu sau thủy điện tích nước, vận hành. Ảnh: TTXVN phát

Công ty TNHH MTV Hải Khánh Ngân (gọi tắt là Công ty Hải Khánh Ngân) được UBND tỉnh Đắk Nông cấp phép khai thác cát xây dựng tại mỏ cát Quảng Phú 5 vào tháng 12/2016. Cùng với quyết định cấp phép khai thác khoáng sản, UBND tỉnh Đắk Nông cũng cấp phép cho công ty này hai thửa đất để sử dụng làm bãi chứa cát và xây dựng văn phòng công ty.

Theo bà Bùi Thụy Cẩm Tú, Giám đốc Công ty Hải Khánh Ngân, từ tháng 8/2021 (thời điểm thủy điện Chư Pông Krông vận hành thử) đến nay, phần lớn diện tích bãi chứa cát cùng trạm cân, máy móc thiết bị, nhà điều hành… của công ty đã bị ngập sâu trong nước và hư hỏng nặng. Nguyên do là thủy điện Chư Pông Krông thực hiện tích nước, vận hành phát điện nhưng không thông báo và mực nước sông dâng cao khoảng 4m so với trước đây.

"Việc khai thác khoáng sản của công ty phải tạm ngưng từ đó đến nay. Bởi, bãi chứa không còn, tàu khai thác cát, trạm cân, máy móc… đều hư hỏng do ngập nước. Chúng tôi đã ba lần kiến nghị, khiếu nại tới các cấp có thẩm quyền. UBND tỉnh Đắk Nông và các ngành chức năng đã chỉ đạo chủ đầu tư thủy điện Chư Pông Krông phải bồi thường, hỗ trợ; ngành chức năng và chính quyền địa phương đã vào cuộc khảo sát, ghi nhận thực tế nhưng đến nay mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ" - bà Tú chia sẻ.

Theo UBND xã Quảng Phú, sau khi thủy điện Chư Pông Krông vận hành thử vào tháng 8/2021 và phát điện từ cuối 2021 đến nay, tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Krông Nô xảy ra liên tục. Chỉ tính riêng phía tỉnh Đắk Nông đã có khoảng 7km bờ sông bị sạt lở với khoảng 50 hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề.

Liên quan tới kiến nghị, khiếu nại của các hộ dân, vào tháng 7/2022, UBND xã Quảng Phú đã nhận đơn của 22 hộ dân tại thôn Phú Lợi, xã Quảng Phú do ông Y Duê Brông (thường trú tại địa phương) đứng đại diện. Trong đơn, các hộ dân yêu cầu phải bồi thường vì tình trạng sạt lở, ngập úng gây ảnh hưởng tới đất đai, cây trồng. Tiếp đó, nhiều hộ dân dọc ven sông tiếp tục khiếu nại việc sạt lở đất đai, ngập úng cây trồng. Đến nay, sau hơn 1 năm, mới chỉ có khoảng 25 hộ dân bị sạt lở "chốt" được phương án và nhận được tiền bồi thường.

Về phía các doanh nghiệp khai thác cát, hiện trên địa bàn xã Quảng Phú có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sông. Trong đó, có 2 doanh nghiệp đã tự thỏa thuận với Công ty TNHH MTV xây lắp điện Hưng Phúc (gọi tắt là Công ty Hưng Phúc, chủ đầu tư thủy điện Chư Pông Krông); 1 doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng. Riêng Công ty Hải Khánh Ngân đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại về bãi chứa cát, tàu bè, trạm cân, máy móc… bị ngập. Ngành chức năng huyện Krông Nô, xã Quảng Phú đã tiến hành kiểm tra thực tế và xác định các nội dung Công ty Hải Khánh Ngân khiếu nại là đúng.

Theo ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, những thiệt hại của các hộ dân và một số doanh nghiệp do việc tích nước, vận hành thủy điện đã rõ. Tuy nhiên, công tác kiểm kê, phối hợp đền bù thực hiện rất chậm. Chính quyền địa phương đề nghị các doanh nghiệp, nhất là Công ty Hưng Phúc, phối hợp thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, giải quyết triệt để các khiếu nại của các hộ dân cũng như những vấn đề phát sinh sau khi thủy điện Chư Pông Krông vận hành.

Trong khi đó, cách đây 9 tháng, tại văn bản số 2675/UBND-NNTNMT ngày 23/5/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã khẳng định: Công ty TNHH MTV xây lắp điện Hưng Phúc - chủ đầu tư thủy điện Chư Pông Krông là đơn vị gây ra nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Krông Nô, đoạn qua xã Quảng Phú.

Cũng tại văn bản số 2675/UBND-NNTNMT, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Công ty Hưng Phúc phải hoàn thành việc bồi thường thiệt hại do việc vận hành thủy điện trong tháng 7/2022; hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, cắm mốc bảo vệ hành lang an toàn hồ chứa thủy điện Chư Pông Krông trong tháng 8/2022.

UBND tỉnh Đắk Nông cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì để hướng dẫn, giám sát Công ty Hưng Phúc thực hiện các nội dung nêu trên. Đồng thời, giao đơn vị này tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường các nội dung liên quan; đề xuất biện pháp xử lý nếu Công ty Hưng Phúc không chấp hành theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông khá chậm trễ. Đến ngày 12/12/2022, UBND tỉnh Đắk Nông lại có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện các nội dung của công văn số 2675/UBND-NNTNMT ngày 23/5/2022. Đồng thời, gia hạn thời gian thực hiện các nội dung liên quan tới bồi thường thiệt hại do tích nước, vận hành thủy điện đến hết tháng 1/2023; giải phóng mặt bằng, cắm mốc bảo vệ hành lang an toàn hồ chứa đến hết quý I/2023.

Chú thích ảnh
Cà phê chết dần do ngập úng kéo dài sau khi thủy điện Chư Pông Krông tích nước. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đắk Nông, ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông cho biết, đến nay Công ty Hưng Phúc và các đơn vị liên quan vẫn chưa hoàn thành các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục yêu cầu Công ty Hưng Phúc, các đơn vị được cấp phép khai thác cát, và chính quyền địa phương báo cáo tiến độ thực hiện. Cùng đó, sẽ đôn đốc việc thực hiện các nội dung này để báo cáo lên UBND tỉnh Đắk Nông.

Theo biên bản kiểm tra (ngày 7/12/2021) được đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, UBND huyện Krông Nô, UBND xã Quảng Phú và các doanh nghiệp liên quan ký xác nhận sau khi kiểm tra thực địa hồ thủy điện Chư Pông Krông, Công ty Hưng Phúc đã xin được dâng nước để vận hành công trình, đồng thời tiến hành song song việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý, cũng như tiến hành hỗ trợ cho các hộ dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do việc ngập nước khi nhà máy thủy điện hoạt động.

Cũng tại biên bản nêu trên, Sở Công Thương Đắk Nông đã yêu cầu Công ty Hưng Phúc phải xác định cao trình tích nước để lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dân. Đây là vấn đề phải làm trước tiên và là điều kiện quan trọng nhất để thủy điện tích nước, vận hành. Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông đã thống nhất theo đề nghị của Công ty Hưng Phúc là đồng ý cho công ty này thực hiện đồng thời việc dâng nước và hoàn thiện thủ tục, bồi thường cho các đối tượng bị ảnh hưởng theo quy định.

Theo giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt (số 221/GP-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Công ty Hưng Phúc vào ngày 18/11/2020), Công ty Hưng Phúc phải khắc phục hậu quả kịp thời và bồi thường theo đúng các quy định pháp luật nếu việc vận hành thủy điện gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người dân cả phía thượng và hạ công trình. Đồng thời, chỉ được tích nước vận hành thủy điện khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Thủy điện Chư Pông Krông được xây dựng trên sông Krông Nô, đoạn chảy qua xã Nam Ka, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk và xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Đây là dự án thủy điện có công suất lắp máy 8MW, sử dụng nước trên dòng sông Krông Nô, phụ lưu cấp 1 của dòng sông Sêrêpốk.

Nếu không có các giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng sạt lở cũng như các vấn đề liên quan, đây có thể trở thành một điểm nóng về an ninh, trật tự, tranh chấp khiếu kiện liên quan tới đất đai.

Hưng Thịnh (TTXVN)
Chuyên gia Việt Nam - Lào chia sẻ kinh nghiệm vận hành công trình thủy điện
Chuyên gia Việt Nam - Lào chia sẻ kinh nghiệm vận hành công trình thủy điện

Từ ngày 3-4/8, Cục Quản lý an toàn công nghiệp năng lượng (DESM) thuộc Bộ Năng lượng và Mỏ (Lào) đã có buổi làm việc tại Nhà máy Thủy điện Sơn La với Ban lãnh đạo Công ty Thủy điện Sơn La, cùng các chuyên gia Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN