Nhà vô địch quyền Anh Muhammad Ali không chỉ nổi tiếng trên sàn đấu mà còn nổi tiếng vì một tinh thần phản chiến sắt đá, bất diệt. Muhammad Ali đã liều mất tất cả khi ông phản đối cuộc chiến tranh tàn khốc mà Mỹ gây ra tại Việt Nam.
Tinh thần phản chiến sắt đá
Tờ Atlantic nhận xét, quyết định đấu tranh vì nền hòa bình đã lấy đi của người thanh niên da màu những thành tích đạt được trong nghề, hàng triệu USD thu nhập, thậm chí suýt khiến ông sa vào cảnh nợ nần, tù tội.
Đầu năm 1966, Ali nhận được giấy gọi nhập ngũ của quân đội Mỹ để sang Việt Nam tham chiến. Không giống đa số những thanh niên khác, võ sĩ hàng đầu thế giới này khẳng định cuộc chiến đó là phi nghĩa nên ông đã kịch liệt chống đối lệnh tòng quân. Ali tuyên bố hành động này trái với đạo đức của một người Hồi giáo da màu: “Lương tâm tôi không cho phép bắn anh em của mình hay những người có màu da tối hơn hoặc những người nghèo đói sa lầy trong vũng bùn cho nước Mỹ lớn mạnh. Và bắn họ để làm gì? Họ chẳng gọi tôi là mọi rợ, không bao giờ hành hình tôi, không thóa mạ cũng chẳng cướp đi quốc tịch của tôi hay cưỡng hiếp và giết mẹ cha tôi... Vậy bắn họ để làm gì? Sao tôi có thể bắn họ, những người khốn khổ? Cứ tống tôi vào tù đi”.
Một buổi thuyết trình về phân biệt chủng tộc và chiến tranh Việt Nam của Ali. |
Hành động từ chối cầm súng của ông, mà nhiều người thời đó quy chụp là hồ đồ, đã phải trả một cái giá không hề nhỏ. Tháng 4/1967, tòa án liên bang tại Houston đã triệu nam võ sĩ tới để xét xử tội trốn nhập ngũ. Ba lần tòa gọi tên, Ali không hề đứng dậy. Chỉ sau 20 phút nghị án, Ali bị tuyên mắc trọng tội ngồi tù 5 năm và phải nộp phạt 10.000 USD. Tuy chưa phải ngồi tù do còn đợi phán xét cuối cùng từ Tóa án Tối cao nhưng ngay ngày hôm đó, Ủy ban Vận động viên bang New York đã quyết định tước danh hiệu vô địch thế giới mà Ali giữ suốt ba năm qua đồng thời cấm ông thi đấu. Lần lượt ủy ban ở các bang khác cũng vậy. Ali còn không thể ra nước ngoài do hộ chiếu đã bị tịch thu. Ngoài mất mát trong sự nghiệp, Ali còn hứng chịu không ít sự chê trách từ đa số người Mỹ vì đã trốn tránh lời kêu gọi cầm súng của đất nước. Thậm chí trong mắt họ Ali trở thành “kẻ bị ghét bỏ nhất nước Mỹ”. David Susskind, người dẫn chương trình truyền hình Mỹ, nhận xét về võ sĩ huyền thoại là “kẻ phản bội đất nước”, “ngu ngốc” và “có tội”. Ngay cả vận động viên bóng chày gốc Phi Jackie Robinson - người da màu đầu tiên được thi đấu trong các giải quan trọng - cũng không tán thành quan điểm phản chiến của Ali.
Thanh thản trong trái tim
Trong một lá thư ngỏ phản đối chính phủ Mỹ đem quân tới Việt Nam, Ali đã viết: “Tại sao họ lại yêu cầu tôi mặc bộ quân phục, đi chục ngàn dặm xa nhà và ném bom, đạn xuống những người dân da vàng ở Việt Nam trong khi những người da đen ở Louisville (quê hương ông) đang bị đối xử như những con chó và bị phủ nhận những quyền con người đơn giản?”.
Bất chấp hàng trăm mũi dùi công kích chĩa vào, Ali vẫn vững niềm tin rằng bản thân không hề mất mát thứ gì, mà ngược lại: “Tôi đã đạt được nhiều thứ. Thứ nhất, tôi có sự thanh thản trong tâm hồn. Tôi có sự thanh thản trong trái tim”. Dù Ali được sống trọn vẹn với lý tưởng chân chính nhưng huấn luyện viên Angelo Dundee của võ sĩ vẫn tiếc thay khi ông đã phải đánh đổi “những năm tháng đẹp nhất cuộc đời”.
Ali trên bìa tạp chí Esquire. |
Suốt thời gian bị treo găng, tay đấm này đã tới nhiều trường đại học trên khắp nước Mỹ để diễn thuyết về quyền dân chủ, phản chiến hay tự do tín ngưỡng. Tại Trường Đại học Howard, ông đã có bài phát biểu nổi tiếng “Đen là tốt nhất” (Black is Best) trước 4.000 sinh viên và giảng viên. Lòng dũng cảm đấu tranh vì lẽ phải của ông cuối cùng đã không hề đơn độc mà đã được lĩnh hội và truyền cảm hứng cho vô số người dân Mỹ trên toàn thế giới. Phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam cũng vì thế mà trỗi dậy mạnh mẽ.
Thời điểm đó, ai đứng về phía Ali đồng nghĩa với việc tự đặt mình vào chỗ nguy hiểm. Phóng viên thể thao Jerry Izenberg chia sẻ đã nhận được vô số lời dọa giết cũng như thư chửi rủa bởi vì ông sẵn sàng lắng nghe Ali giãi bày về quyết định không nhập ngũ. Người phụ trách chuyên mục của tờ New York Times cũng viết rằng hành động của Ali đã làm thay đổi các tiêu chuẩn của ông về sự cao quý của một vận động viên. Ắt hẳn họ sẽ phải đấu tranh để giải phóng cho dân tộc và giúp đất nước sống theo những giao ước từ ngày được sáng lập... như Muhammad Ali đã thể hiện. Muhammad Ali đã trở thành một biểu tượng đấu tranh sống mãi của thập niên 1960. Năm 1968, như một lời cảm tạ, tạp chí Esquire của Mỹ đã đem chân dung người võ sĩ này với 6 mũi tên găm sâu vào thân thể lên trang bìa. Hình ảnh này đã gợi nhắc lại bức họa Thánh Sebastian tử vì đạo sau khi ông bị bắt trói và bắn tên vào người.
Mãi tới tháng 6/1971, Tòa án Tối cao Mỹ mới quyết định xóa tội và trả giấy phép thi đấu cho Ali. Ngày tái xuất võ đài, ông liên tiếp minh chứng cho cả thế giới thấy mình xứng đáng với danh hiệu “vĩ đại nhất” trong làng quyền Anh. Ông từng tự hào tuyên bố: “Tôi là người Mỹ. Tôi là một phần mà các bạn không công nhận. Nhưng hãy làm quen với tôi - đen, tự tin, vênh váo; tên tôi, không phải của các bạn; tôn giáo tôi, không phải của các bạn; mục tiêu của tôi, của riêng tôi. Hãy làm quen với tôi”.
Phát biểu sau khi biết huyền thoại quyền Anh đã qua đời vì bệnh nặng tối 3/6, cựu Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Eric Holder đã chia sẻ sự kính trọng đối với Ali, đồng thời nhấn mạnh: “Chiến thắng lớn nhất của ông ấy không đến từ sàn đấu mà là tại những phiên tòa nơi ông đã đấu tranh vì lý tưởng”. “Nhà vô địch vĩ đại”, “thần tượng của công chúng”, “biểu tượng của xã hội”, “sứ giả hòa bình của Liên hợp quốc”, “vận động viên của thế kỷ” hay “cột mốc của hi vọng trong bốn thập kỷ qua”... là những danh hiệu sống mãi cùng Muhammad Ali.