Võ sĩ huyền thoại Muhammad Ali - Kỳ 2

Ngày 29/10/1974, dưới cái nắng oi ả của xứ Kinshasa nay thuộc Cộng hòa Congo, Ali đã gặp đối thủ định mệnh của đời mình - George Foreman. Trong trận đấu được nhớ tới dưới tên gọi “Âm vang trong rừng xanh”, Ali đã 32 tuổi còn Foreman “cỗ máy xay thịt” mới 25 tuổi, đang tràn trề sức mạnh.

BA TRẬN SO GĂNG KINH ĐIỂN

Không đấu sĩ nào thể hiện được sự quyến rũ và rực rỡ trên võ đài như Ali. Phong cách sàn đấu của ông được miêu tả “bay bổng như bướm, châm đốt như ong” với đôi chân chuyển động thoăn thoắt liên hồi còn nắm đấm mỗi lần vung ra thì vô cùng hiểm hóc.

Điểm mạnh của Ali không phải thể lực phi thường mà là đôi bàn tay nhanh thần tốc, phản xạ tuyệt vời và lối di chuyển gọn lẹ như đang khiêu vũ, khiến đối thủ bị xoay vòng vòng. Ông luôn để tay ở vị trí thấp sau đó bất ngờ vung mạnh mẽ vào phía cánh trái từ một góc độ không thể lường trước. Mánh lới “đỉnh nhất” của Ali là làm cho các đối thủ bị choáng váng bởi những cú đấm móc từ phía sau. Những tay đấm hàng đầu thế giới say đòn, đuổi theo Ali và tự khiến bản thân bị chới với, mất thăng bằng vì tung đòn nào cũng bị Ali né gọn.

George Foreman nằm trên sàn và không thể gượng dậy khi trọng tài Zack Clayton đang đếm thời gian.

Năm 1964, Muhammad Ali đã khiến cả thế giới bất ngờ khi đánh bại đối thủ “đô con” Sonny Liston và đoạt ngôi vô địch hạng nặng khi mới 22 tuổi, trẻ nhất trong lịch sử quyền anh. Kể từ đó, đai vàng chiến thắng đã liên tiếp được trao về tay Ali. Sau 21 năm làm võ sĩ chuyên nghiệp, ông đã thi đấu tổng cộng 61 trận và dưới đây là 3 trận đấu, cả thắng lẫn bại, đáng nhớ nhất.

“Âm vang trong rừng xanh”

Ngày 29/10/1974, dưới cái nắng oi ả của xứ Kinshasa nay thuộc Cộng hòa Congo, Ali đã gặp đối thủ định mệnh của đời mình - George Foreman. Trong trận đấu được nhớ tới dưới tên gọi “Âm vang trong rừng xanh”, Ali đã 32 tuổi còn Foreman “cỗ máy xay thịt” mới 25 tuổi, đang tràn trề sức mạnh. Foreman là đương kim vô địch hạng nặng và trước khi gặp Ali, chàng thanh niên này đã hạ đo ván cả Ken Norton (người từng đấm vỡ hàm Ali) và Joe Frazier chỉ trong vòng hai hiệp.

Với thành tích 40 trận bất bại và có tới 37 cú đánh knock-out đối phương, Foreman sẽ dồn cho Ali những cú đấm uy lực được xem là khủng khiếp nhất ở bất cứ hạng cân nào. Vì vậy, trận đấu với nhà đương kim vô địch đã diễn ra trong những lo ngại về cả ngôi vị lẫn tính mạng đối với Ali. Khoảng 60.000 khán giả đã tới sàn thi đấu để theo dõi.

Cú đấm trời giáng của Ali (phải) dành cho đối thủ Joe Frazier.

Kinh nghiệm lâu năm đã giúp Ali tìm được cách đánh bại Foreman. Trong hiệp đầu tiên, Ali gây bất ngờ cho đối thủ ít tuổi hơn bằng nhiều cú đấm tay phải rất nhanh và chính xác. Foreman nổi cáu và bắt đầu tấn công dồn dập. Ở những hiệp sau, với chiến thuật “dựa dây” giả vờ bị lếp vế, Ali thu mình sát vòng dây bao quanh võ đài rồi gập tay phòng thủ trước những cú đấm tới tấp của Foreman. Chẳng mấy chốc gã trai trẻ tuổi mệt lử còn Ali thì chớp lấy thời cơ, tung đòn nhanh như cắt. Lợi dụng sức đàn hồi của sợi dây quanh võ đài để tạo lực phản công mạnh mẽ, Ali cuối cùng cũng hạ đo ván đối thủ sừng sỏ ở hiệp thứ 8 trong tiếng hò reo của đám đông. Trận đấu dừng lại lúc 3 giờ sáng, Ali giành lại danh hiệu vô địch từng bị tước bỏ vì phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Sau trận đấu định mệnh, Ali và Foreman trở thành bạn tốt của nhau. Tại lễ trao giải Oscar năm 1996, lúc lên sân khấu nhận giải cho bộ phim "When We Were Kings" kể về trận đấu giữa Ali - Foreman năm xưa, Ali đi lại rất khó khăn vì bệnh tật nhưng chính Foreman đã ở bên cạnh, dìu bước ông.

Hai lần đấu với Joe Frazier

Muhammad Ali đã so găng với Joe Frazier cả thảy ba lần và hai trận trong số đó được đánh giá cao về độ kịch tính. Ali vẫn bảo toàn được đai vàng kể từ lần chiến thắng Liston năm 1964 cho tới khi bị tước danh hiệu cùng với lệnh cấm thi đấu trong khoảng 4 năm. Lúc đó, Frazier vượt lên trong bảng xếp hạng và được Hội đồng boxing thế giới công nhận là nhà vô địch.

Lần đầu chạm mặt ngày 8/3/1971, hai võ sĩ người Mỹ này đều có bảng thành tích ngang tài ngang sức. Ali thắng 31 trận, chưa thua trận nào và 25 lần thắng knock-out còn Frazier thắng 26 trận, cũng chưa thua lần nào và 23 lần thắng knock-out. Vì thế mà báo giới đã gọi cuộc đối đầu này diễn ra tại võ đài Madison Square Garden ở New York, Mỹ là “Trận đấu của thế kỷ”. Cây bút nổi tiếng về quyền anh John Condon chia sẻ: “Đây là sự kiện tuyệt vời nhất mà tôi từng làm trong cuộc đời”. Trận tranh tài đã được phát sóng tại 35 quốc gia và xuất hiện trên 760 tờ báo.

Lần đầu tiên trong lịch sử quyền anh, 15 hiệp trôi qua mà trận đấu vẫn bất phân thắng bại. Những hiệp đầu, Ali nắm ưu thế nhưng rồi bị Frazier tung ra cú móc trái sở trường dồn dập kể từ các hiệp giữa cho tới phút cuối. Hiệp 11 và 15, Frazier đánh ngã Ali xuống sàn nhưng ông vẫn bật dậy được. Sau cùng, ban trọng tài quyết định Frazier giành chiến thắng. Mặc dù Ali không thừa nhận kết quả này nhưng đây đã chính thức là lần đầu tiên ông thua cuộc trong sự nghiệp boxing chuyên nghiệp của mình.

Cuộc tái đấu thứ ba diễn ra tại Manila, Philippines vào 10 giờ sáng 1/10/1975, được xem là trận so găng khủng khiếp nhất giữa Ali - Frazier và khiến họ nhớ mãi. Mặt trời thiêu đốt ở phía bên ngoài sân vận động khiến cho không khí bên trong vô cùng ngột ngạt. Frazier ước tính nhiệt độ tại sàn đấu lúc đó khoảng 49oC do bị vô số đèn chiếu sáng cỡ đại rọi thẳng vào. Ali cho biết bản thân đã giảm 2,3 kg sau trận đấu này do cơ thể bị mất nước.

Trận đấu mang tên “The Thrilla in Manila” đã chứng kiến nhiều lần hai võ sĩ hàng đầu thế giới dồn nhau ra sát mép vực nhưng lại bị đối phương lật ngược tình thế. Mở màn, Ali ra đòn sắc bén còn Frazier vào cuộc chậm hơn nên không thể tránh né những cú đấm thép của đối thủ. Ali thắng điểm hai hiệp đầu sau khi ít nhất hai lần khiến Frazier bị lảo đảo, mất thăng bằng. Từ hiệp thứ 5, Frazier làm quen được với nhịp điệu di chuyển của đối thủ, ông đã tung loạt đấm móc danh bất hư truyền rồi chiếm lấy ưu thế. Hai bên cứ quần nhau không rõ thắng bại suốt vài hiệp đấu, trong khi máu đã đổ. Đến lúc chuông báo kết thúc hiệp thứ 9 vang lên, Ali nói với người huấn luyện viên: “Đây chính là thứ gần nhất với cái chết”, còn ở góc đối diện, khuôn mặt Frazier sưng phồng, xây xẩm do hứng chịu hàng trăm cú đấm của Ali.

Mãi tới hiệp thứ 14 (luật boxing cho phép thi đấu tối đa 15 hiệp), trọng tài Eddie Futch nhận thấy hai võ sĩ đều đã bầm dập và suy lực nên ông quyết định dừng cuộc đấu tại đây vì lo ngại Frazier sẽ bị nguy hại đến tính mạng nếu tiếp tục. Frazier không chịu bị xử thua nhưng Futch đã kiên quyết. Ali đã kể lại về trận đấu mà ông không thể nào quên được này trong hồi ký: “Tôi đã không nhận ra anh ta cừ đến thế. Anh ta là một chiến binh thực thụ”.

Hoàng Trang
Võ sĩ huyền thoại Muhammad Ali - Kỳ cuối
Võ sĩ huyền thoại Muhammad Ali - Kỳ cuối

Đầu năm 1966, Ali nhận được giấy gọi nhập ngũ của quân đội Mỹ để sang Việt Nam tham chiến. Không giống đa số những thanh niên khác, võ sĩ hàng đầu thế giới khẳng định cuộc chiến này là phi nghĩa nên ông đã kịch liệt chống đối lệnh tòng quân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN