Palmyra - Thành Venice cát - Kỳ cuối

Tháng 5/2015, “Thành Venice cát” rơi vào tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trước thời điểm cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011, Palmyra là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhất Syria

BÓNG TỐI CỦA IS

Tháng 5/2015, “Thành Venice cát” rơi vào tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trước thời điểm cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011, Palmyra là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhất Syria. Người Syria hiện đại cảm nhận được sự kết nối vô hình giữa họ với mảnh đất từng một thời là thành phố buôn bán sầm uất, có sức ảnh hưởng lớn và có thời điểm còn dám ngạo nghễ thách thức quyền lực của đế chế La Mã hùng mạnh.

Trong lòng khủng bố

Trước khi IS tràn vào, hơn 400 tác phẩm có giá trị của Palmyra đã may mắn được chuyển đến thủ đô Damascus. Nhưng, nằm lại phía sau vẫn là cả một kho báu không thể di dời.10 tháng nằm trong sự kiểm soát của IS, thành cổ Palmyra đã gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Các chuyên gia ước tính 30% các công trình, hiện vật của Palmyra đã bị IS phá hủy. Những công trình mang tính biểu tượng của Palmyra, từ đền Bel, Trường Thạch Lộ, đền Baal Shamin tới cổng chào Triumph, đều đã bị IS phá hủy.

Trên các tảng đá dẫn lối vào đền Bel 2.000 năm tuổi, dòng chữ xấu xí màu đen của IS vẫn còn hiển hiện: “Nhà nước Hồi giáo. Dân thường hay các tay súng không được phép bước vào”. Không như phần tường bên ngoài, lối đi chính và khu vực sân của ngôi đền đã may mắn sống sót. Những khối đá màu vàng nằm lăn lóc trên mặt đất là những gì còn lại của nơi từng là bức tường, mái và cột đá cao 16 m có hoa văn của căn phòng chính phục vụ công việc thờ cúng.
Không mấy khá khẩm hơn, căn phòng của đền Baal Shamin giờ cũng chỉ là bốn cây cột còn trơ lại. Cổng chào Triumph đã nằm xuống mặt đất trong khi các bức tường tại nhà hát La Mã ở thành phố cổ này, hoặc được “trang trí” bằng tên của các tay súng hoặc thủng lỗ chỗ các vết đạn. Cũng chính tại công trình này, IS xử tử công khai nhiều tù nhân.

Đền Bel trước và sau khi bị IS phá hủy. Ảnh: National Geographic

Tội ác của IS vấy bẩn khắp Palmyra. Tại Bảo tàng Quốc gia ở Palmyra, chúng xô đổ các bức tượng, hủy hoại chân dung và xóa khuôn mặt trên các bức tranh. Khi Palmyra rơi vào tay IS, một nhà thờ gần kề Bảo tàng Quốc gia bị biến thành trung tâm tuyển mộ, nhà tù của chính phủ bị đánh bom và trở thành địa điểm tra tấn tù nhân. Trong khi đó, các điểm giam giữ khác cũng nhanh chóng mọc lên trong thành phố. Các bức tường của một căn phòng lớn từng là “trung tâm tra khảo” của IS được viết rất nhiều thông điệp của những người từng bị IS tra tấn. Các con đường ở Palmyra lỗ chỗ hố bom. May mà âm mưu đánh nát Palmyra bằng 4.500 quả mìn của IS đã không thành. Ngày 27/3/2016, quân đội Syria đã giành lại quyền kiểm soát Palmyra.

Vãn hồi Palmyra

Trở lại Palmyra sau khi IS đã bị đánh bật, Giám đốc Cổ vật Syria Maamoun Abdulkarim quyết tâm phục dựng lại những gì đã mất, rằng “Palmyra sẽ đứng lên một lần nữa”. Mặc dù thừa nhận đền Bel sẽ không bao giờ còn được như trước nhưng ông Abdulkarim cho biết có thể phục dựng một phần ba căn phòng đã bị phá hủy hoặc nhiều hơn nếu tiến hành thêm các nghiên cứu với sự giúp đỡ của UNESCO. Theo ông, sẽ mất 5 năm làm việc tại hiện trường. Công tác phục dựng sẽ không phải là bất khả thi nhờ các tảng đá cấu thành công trình vẫn còn tồn tại. Bản thân các công trình ở đây, như cổng chào, cũng từng được phục dựng vào những năm 1930.

Hình ảnh bên trong Bảo tàng Palmyra.

Tuy nhiên, kế hoạch phục dựng Palmyra hiện nay vẫn gây bất đồng. Một số người cho rằng Palmyra “không được phép đứng lên một lần nữa” bởi một bản sao thời kỳ huy hoàng của vùng đất này, dù hoàn hảo đến mấy cũng không phải và không thể thay thế bản thật đã bị phá hủy nhiều phần. Những gì còn lại của Palmyra sau 10 tháng nằm trong bàn tay của IS mới chính là những gì thế giới cần ra sức tôn tạo và bảo tồn một cách cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác. Lịch sử của Palmyra đã bước sang một trang mới và vì vậy thành cổ này cần được nhìn nhận từ một góc độ mới.

Những công cụ hiện đại ngày nay của con người như những chiếc máy in 3D uy lực có khả năng “phục hồi” hiện vật về hình dạng ban đầu, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đây là phương án con người nên sử dụng. Phục dựng là một thứ “nghệ thuật mong manh” bởi ranh giới của thứ nghệ thuật này có thể dễ dàng bị phá vỡ. Công việc tôn tạo các cổ vật đòi hỏi phải diễn ra trên tinh thần trách nhiệm, hoặc tôn trọng và chấp nhận hiện trạng của cổ vật, hoặc đó là hành vi dối lừa sự thật.

Theo cây bút mảng nghệ thuật của tờ Guardian (Anh) Jonathan Jones, công việc đầu tiên cần làm ở Palmyra là xem xét mức độ hủy hoại của thành phố cổ một cách cẩn thận. Công việc thẩm định tình trạng của các khối đá cùng các tác phẩm điêu khắc sẽ khiến các nhà khoa học tốn nhiều thời gian và tâm huyết để đi đến kết luận liệu có thể tiến hành phục dựng hay không và phục dựng đến mức độ nào. Một phương án tôn trọng sự thật khác cũng có thể được bàn đến là trưng bày những mảng miếng còn lại sau biến cố IS bên trong bảo tàng.

Ông Jones cho rằng các nhà khoa học không bao giờ nên sử dụng những chất liệu hiện đại để xây dựng lại những công trình cổ đại ngay cả khi công nghệ hiện đại cho phép con người làm điều này. Phục dựng hoàn toàn thành cổ Palmyra vào thời điểm này không khác gì việc chà đạp lên hiện thực khảo cổ. Bài học đắt giá được rút ra từ ba thế kỉ khảo cổ học hiện đại đã cho thấy việc phục dựng quá đà lại chính là hủy hoại lịch sử.

Xem từ Kỳ 1: Một thời hưng thịnh

Vũ Anh
Palmyra - Thành Venice cát - Kỳ 2
Palmyra - Thành Venice cát - Kỳ 2

Để khám phá bí ẩn của Palmyra, năm 2008, nhà khảo cổ học Jorgen Christian Meyer thuộc Đại học Bergen (Na Uy) đã bắt đầu hành trình đi tìm sự thật bị nắng, gió và cát sa mạc bao phủ qua nhiều thế kỷ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN