Palmyra - Thành Venice cát - Kỳ 1

Nơi vùng đất Trung Đông còn nhiều bí ẩn với thế giới, từng có một thành phố cổ đại phát triển hưng thịnh giữa lòng sa mạc. Thành phố cổ đó được gọi tên là Palmyra.

MỘT THỜI HƯNG THỊNH

Quyến rũ với vẻ đẹp giàu sang, thu hút nhờ sự đa dạng văn hóa, Palmyra, thành phố cổ đại của Syria, từng một thời được mệnh danh là “Thành Venice cát”. Di tích còn lại ở Palmyra ngày nay đã được Liên hợp quốc công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Trường Thạch Lộ tại thành cổ Palmyra. Ảnh: National Geographic

Trước khi người La Mã xuất hiện ở nơi đây, Palmyra có tên Tadmor (Tadmur) - tên một loại cây cọ mọc quanh thành phố. Từ 3.800 năm trước, tên của thành phố cổ đã được nhắc đến trong các ghi chép lịch sử. Nhưng phải đến giai đoạn từ thế kỉ 1 - 3 sau Công nguyên, ốc đảo sa mạc này mới bước vào thời kỳ cực thịnh và nổi lên với vai trò là một trung tâm cốt yếu, nắm giữ mắt xích luân chuyển hàng hóa quan trọng giữa đế chế La Mã ở phía tây với đế chế ở phương Đông là Parthia và sau đó là Sasania khi Parthia lụi tàn.

Nằm cách thủ đô Damascus của Syria 215 km về phía đông bắc, khu vực ốc đảo rộng 0,36 ha của Palmyra được bao phủ bởi 20 loài cọ khác nhau. Thành phố cổ đại Palmyra được hai dãy núi Palmyrene Bắc và dãy Pamyrene Nam lần lượt bao bọc ở phía bắc và tây nam. Ở phía Nam và Đông, Palmyra tiếp giáp với sa mạc Syria. Khởi điểm của thành phố cổ đại Palmyra là một khu định cư nhỏ bên dòng suối. Nhưng trong thế kỉ thứ nhất, cư dân của khu vực này đã mở rộng ra khu vực phía bắc của thung lũng. Trước đây, những bức tường che chắn của thành phố bao bọc thung lũng ở cả phía bắc và phía nam. Nhưng sau khi được xây dựng lại sau này, chỉ có phần tường ở phía bắc tiếp tục trụ vững. Phía bắc của thung lũng al-Qubur cũng là nơi tập trung phần lớn các công trình mang tính biểu tượng của Palmyra. Có thể kể đến những cái tên như Đền Bel, Trường Thạch Lộ (Great Colonnade) dài 1,1 km nối dài từ Đền Bel ở phía đông đến Đền Tang lễ số 86 ở phía tây của thành phố...

Tàn tích này từng là trung tâm buôn bán quan trọng.

Trong khi đó, nằm ở phía tây của những bức tường cổ, người Palmyra cổ đại đã xây dựng nhiều công trình tang lễ có quy mô lớn và ngày nay khu vực đó tạo thành Thung lũng Hầm mộ, một khu nghĩa trang dài 1 km. Trên 50 công trình trong khu vực này có dạng tháp và được xây cao đến 4 tầng. Mô hình tháp ban đầu sau này được thay thế bằng các ngôi đền tang lễ trong nửa đầu thế kỉ thứ 2 sau Công nguyên. Ngoài khu nghĩa trang này, thành phố cổ đại Palmyra còn có nhiều khu nghĩa trang, nằm rải rác ở phía bắc, tây nam và đông nam. Tại các khu vực này, các hầm mộ phần lớn nằm bên dưới lòng đất.

Palmyra có tuyến đường thông thương quan trọng nối liền hai khu vực Địa Trung Hải và Lưỡng Hà. Tận dụng lợi thế này, các thương nhân Palmyra làm giàu bằng cách đánh thuế và cung cấp dịch vụ bảo vệ cho các đoàn xe chở hàng hóa từ khu vực Địa Trung Hải sang các thị trường châu Á. Ngọc và các loại gia vị Địa Trung Hải được mang đổi lấy kim loại quý, thủy tinh cùng những mặt hàng xa xỉ khác, trong đó có những món hàng đến từ những thị trường xa xôi như Ấn Độ.

Như một lẽ tất yếu, sự xuất hiện của các đoàn xe chở hàng kéo theo sự giao thoa và trao đổi giữa các nền văn hóa. Trong số hàng nghìn dòng chữ được khắc lại tại thành phố cổ Palmyra, có những dòng thể hiện sự thành kính của con người với các vị thần truyền thống của nhiều nền văn minh cổ đại như Phoenicia, Babylon, Arab và Canaan. Từ các vị thần địa phương đến những thế lực siêu nhiên của Lưỡng Hà và Arab đều được người Palmyra thờ cúng.

Theo bà Maura Heyn, phó giáo sư nghiên cứu cổ điển tại trường Đại học Bắc Caroline, thành phố Greensboro (Mỹ) và đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu các công trình tang lễ của Palmyra, trong nhiều thế kỉ, đế chế La Mã đã kiểm soát thành phố cổ đại này ở những mức độ khác nhau. Đó là lí do mà văn hóa La Mã có dấu ấn đậm nét ở thành phố này, thể hiện ở chỗ có nhiều vị thần phương Tây được thờ cúng ở Palmyra và các thương nhân giàu có thường bắt chước cách hành vi ứng xử của giới tinh hoa La Mã.

Trong danh sách những nhân vật nổi tiếng nhất của Palmyra, người đầu tiên và đáng được nhắc đến nhất là Nữ hoàng Zenobia. Dựa vào sự giàu có của thành phố cổ đại này và tận dụng sự hỗn loạn về chính trị dưới đế chế La Mã, bà đã nổi dậy cướp chính quyền đồng thời đoạt luôn quyền kiểm soát các khu vực Ai Cập, Syria và Palestine nằm ở phía đông La Mã. Chính Nữ hoàng Zenobia là người đã có công tập hợp và biến những vùng đất này thành một đế chế Palmyra rộng lớn, mặc dù đế chế này chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ năm 269 - 273 sau Công nguyên. Đến cuối cùng, lực lượng của hoàng đế La Mã Aurelian đã đánh bại rồi bắt giữ vị nữ hoàng này và Palmyra một lần nữa lại rơi vào tay La Mã.

Tuy nhiên, trải qua các biến cố của lịch sử, thành phố này đã không bao giờ có thể vực dậy để trở lại vị trí hưng thịnh như trước.

Xem Kỳ 2: Bóng tối của IS

Vũ Anh ( Theo National Geographic)
Palmyra - Thành Venice cát - Kỳ cuối
Palmyra - Thành Venice cát - Kỳ cuối

Tháng 5/2015, “Thành Venice cát” rơi vào tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trước thời điểm cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011, Palmyra là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhất Syria

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN