40 năm ngày Giải phóng miền Nam-Phần 2: Những người góp phần làm nên lịch sử-Bài 5

Chúng tôi là quân Giải phóng

Sáng sớm ngày 30/4/1975, trận đụng độ nảy lửa bắt đầu nổ ra giữa Đại đội Z32, Lữ đoàn đặc công biệt động 316 và Tiểu đoàn biệt động của ngụy quân tại cửa ngõ Sài Gòn.

Trận đánh cuối cùng

Ông Tô Nhân, người Đại đội trưởng Z32, Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 năm xưa.


Cựu chiến binh Tô Nhân, nguyên Đại đội (Z) trưởng Đại đội Z32, ngồi dưới tán cây xoài trước sân nhà ở ấp Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), đôi mắt ông đăm chiêu nhìn ra cánh đồng bắp rộng lớn trước mặt, cứ thế, những ký ức không bao giờ quên của trận đánh cuối cùng vào sáng ngày 30/4/1975 ùa về theo cơn gió  Xuân mát rượi.

Ông nhớ đến đồng chí Bảy Vĩnh, Z trưởng Z28 được giao trực tiếp chỉ huy đơn vị Z32, Z28, D80 của Lữ đoàn đặc công biệt động 316 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. “Ngày 27/4, chúng tôi rời rạch Bà Bếp, huyện Củ Chi để qua tỉnh lộ 8 và sau đó lội qua nhiều con rạch, sông Rạch Tra để tiến sát nội thành Sài Gòn. Vào ngày 28/4, Đại đội chúng tôi lúc đó có 50 đồng chí, trang bị hỏa lực mạnh chia thành 2 tốp đóng ở An Phú Đông, Ngã Tư Ga (địa bàn giáp ranh quận 12 - Gò Vấp) với mục đích tiêu diệt Tiểu đoàn biệt động ngụy. Nếu không tiêu diệt lực lượng này thì cánh chúng tôi không thể đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy được”, ông Nhân nhớ lại.

Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 30/4, Z phó Trần Oanh của Z32 dồn dập nổ súng tấn công địch ở cầu Sắt, An Phú Đông. Bị tập kích bất ngờ, toán lính biệt động rút chạy về Ngã Tư Ga và rơi vào ổ phục kích của Z trưởng Tô Nhân. Trước sức ép gọng kềm, toán lính biệt động rút về cầu Gò Vấp. Vị Z trưởng Z32 kể thêm: “Tình thế rất thuận lợi, coi như chúng tôi đã chiếm được khu vực Ngã Tư Ga, An Phú Đông.

Tốp chiến sĩ dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Oanh tiếp tục truy kích về phía cầu Gò Vấp. Còn tôi ở lại án ngữ khu vực Ngã Tư Ga. Tuy nhiên đến 6 giờ sáng, toán biệt động từ Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương) rút về hỗ trợ và nhóm rút chạy về cầu Gò Vấp được thế quay trở lại phản công. Lúc ấy, hỏa lực của địch dồn dập từ hai phía, dồn chúng tôi vào giữa, tôi lệnh cho toàn bộ hỏa lực mạnh nhất phản công như: M72, M79, AT tăng, B40, B41 đồng loạt nhả đạn với hi vọng đánh lừa địch rằng quân chủ lực của ta đang tham chiến.

Cuối cùng toán biệt động cũng phải tháo lui nhiều ngã đường để về điểm chốt chặn cuối cùng - cầu Gò Vấp, một trong những nơi trú quân của Tiểu đoàn biệt động. Trong trận đó, chúng tôi an toàn, thu được nhiều vũ khí, phương tiện, bắt sống 18 tù binh, 5 xác giặc và 6 bị thương nằm tại mặt trận”.

Khát khao thống nhất

Tạm dừng câu chuyện, ông Tô Nhân châm điếu thuốc, đôi mắt ông vẫn phóng ánh nhìn về phía cánh đồng yên ả. Ông trầm ngâm thật lâu, mặc cho điếu thuốc cứ cháy tạo thành vệt tàn dài. Rồi ông cất tiếng: “Toán biệt động ở phía bên kia, còn chúng tôi ở bên này cầu.

Cây cầu nhỏ hẹp, toán lính đang lăm le họng súng đen ngòm hướng về phía tôi và đồng đội. Bước qua cây cầu là đi vào “cửa tử”, mà đây là con đường duy nhất để tiến tới đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Lúc đó, tôi bỗng nhớ đến câu nói của Lữ đoàn trưởng Mười Cơ: “Đánh giặc có mục tiêu, có trọng điểm, có chính sách, phải bảo vệ tài sản quốc gia, hạn chế tối đa xương máu của đồng bào. Binh lính Sài Gòn cũng là con em của đồng bào ta”. Cuối cùng, tôi gọi hai chiến sĩ của mình hướng nòng súng B40 về phía nơi tôi sẽ ra gọi hàng binh. Trước khi đi, tôi nói: “Nếu có chuyện gì, các cậu cứ bắn”.

Ông Tô Nhân, người Đại đội trưởng Z32, Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 cùng vợ ở trong khu căn cứ cách mạng.


Ông kể tiếp: “Tôi nhờ một người dân qua phía bên địch và truyền lời là quân Giải phóng cần trao đổi chiến sự. Lúc sau, Đại úy Nghĩa bước ra, tôi nói: “Chúng tôi là quân Giải phóng về giải phóng Sài Gòn, muốn biết ý anh?”. Đại úy Nghĩa trả lời: “Đó là quyền của Thiếu tá Tuấn - Tiểu đoàn trưởng”. “Vậy xin cho mời Thiếu tá”. Thiếu tá Tuấn ngồi trên chiếc xe Jeep tiến lại gần tôi, phía sau là hai cận vệ lăm lăm khẩu M16.

Thiếu tá Tuấn hỏi: “Ngài cấp bậc gì?”. Tôi nói: “Anh chỉ cần biết tôi là Chỉ huy trưởng cánh quân đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn. Chỉ lướt qua đội hình của anh. Đến đây tôi muốn dừng lại một chút thời gian để thực hiện chính sách của Mặt trận và Chính phủ cách mạng với anh em binh lính Sài Gòn”. “Để tôi điện về Tổng tham mưu”, Thiếu tá Tuấn trả lời. “Lúc này anh điện về Tổng tham mưu chỉ kéo dài thời gian đổ máu của binh lính. Tốt hơn anh chấp hành lệnh của quân Giải phóng để anh em được hưởng khoan hồng. Có thể các anh tự do quay về vị trí và tôi truyền lệnh chuẩn bị chiến đấu”, tôi nói đanh thép”.

Ông Tô Nhân nhớ lại, lúc ấy, Thiếu tá Tuấn hơi do dự nhưng ít giây sau, giọng của Thiếu tá Tuấn chùng xuống: “Dạ, tôi chấp hành ý ngài”.

“Lúc ấy tôi nói: “Thay mặt cho quân giải phóng, ra lệnh cho tất cả anh em binh lính vứt bỏ quân trang, quân dụng tìm về với gia đình. Khi im tiếng súng, thực hiện chính sách”. Tất cả bỏ súng bên phía bên kia cầu và hai hàng đi qua, tôi đếm sơ sơ lúc ấy hơn 3 trăm người. Và cũng ngay thời điểm đó, tôi hướng mặt về phía sau, nơi những căn nhà của quần chúng nhân dân Sài Gòn trong giờ phút đó, cờ đỏ sao vàng, cờ mặt trận giải phóng miền Nam đã tung bay trên từng ô cửa từ lúc nào”, ông Tô Nhân nhìn chúng tôi, ánh mắt đanh thép của người chiến sĩ đặc công biệt động năm nào ngấn đỏ.

Chiến thắng được Tiểu đoàn biệt động ngụy với sự chênh lệch về lực lượng mà không mất một giọt máu nào của đồng đội, đối với ông Tô Nhân đó không phải là một “phép màu”, đó chính từ sự quả cảm của những người lính Giải phóng quân và hơn hết chính là niềm khát khao cháy bỏng thống nhất đất nước của cả nhân dân miền Nam. Ông nhớ, từ ngày 28/4, về tại An Phú Đông, Ngã Tư Ga để chuẩn bị phương án tác chiến cho sáng ngày 30/4, nhân dân ở nơi đây đón chiến sĩ đặc công biệt động Z28 như là đón người con xa cách bao năm trở về với gia đình.

“Những bà mẹ, người chị lo cho anh em chúng tôi ăn uống no đủ. Lúc chợp mắt, các chị, các mẹ thức để canh địch. Chị thợ may không tiếc vải, dầu máy và giúp chúng tôi lau súng trước ngày ra trận. Còn các  chú, các anh và cả những em thiếu niên đưa chúng tôi đi khảo sát trận địa để biết đường ngang, ngõ tắt. Thậm chí, khi tiếng súng vang lên, những tên lính biệt động mà chúng tôi bắt được cũng được nhân dân chỉ điểm. Tên Thiếu tá Tuấn và hàng trăm tên lính biệt động phải giải giáp đầu hàng không phải từ họng súng mà từ ý chí kiên cường, sự khát khao thống nhất đất nước của nhân dân miền Nam”, người cựu binh Tô Nhân nói.

Kỳ tới: Ký ức của người Chỉ huy biệt động Sài Gòn


Bài và ảnh: Anh Đức



Người chỉ huy Sư đoàn 2 tiến quân vào Dinh Độc Lập
Người chỉ huy Sư đoàn 2 tiến quân vào Dinh Độc Lập

Nổ tung kho bom thành Tuy Hạ, Pháo kích Dinh Độc Lập, Bốc cháy kho xăng Nhà Bè, 30/4 đại thắng… những trận đánh lừng lẫy ấy đều có ông Lê Bá Ước tham gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN