40 năm ngày Giải phóng miền Nam-Phần 2: Những người góp phần làm nên lịch sử-Bài 3

Ký ức của người lính biệt động

Ông từng là lính biệt động với chiến công vang dội đánh chìm tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ chở hơn 200 máy bay sang Việt Nam tham chiến. Bị bắt và giam cầm tại Tổng nha cảnh sát, nhà giam Chí Hòa, nhà tù Côn Đảo, chịu những đòn tra tấn dã man, nhưng ông quyết không khai. Ra tù, ông lại tiếp tục tham gia chiến đấu với đồng đội cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến, ngày 30/4/1975 lịch sử. Ông là Lâm Sơn Náo - biệt danh Ba Náo.

Sinh ra và lớn lên tại Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh), năm 17 tuổi, Ba Náo theo cha vào làm công nhân tại cảng Sài Gòn. Lúc này, cảng Sài Gòn được ví như cửa ngõ của "Hòn ngọc Viễn Đông", nên tàu bè ra vào tấp nập, nhưng cũng nơi có nhiều người lao động bị áp bức, bóc lột. "Có áp bức ắt có đấu tranh", mơ ước được hoạt động trong tổ chức cách mạng của ông lớn dần theo năm tháng. Rồi Ba Náo được cô ruột dẫn ra căn cứ gặp ông Phạm Văn Hai, Đội trưởng Đội 65 - Biệt động quyết tử Sài Gòn. Gặp Ba Náo, ông Hai reo lên sung sướng: "Đúng rồi, người của cảng đây rồi. Tổ chức đang cần các đồng chí". Sau khi được học tập, huấn luyện ở trong căn cứ, Ba Náo quay về tiếp tục làm việc trong cảng Sài Gòn. Nhiệm vụ của ông lúc bấy giờ là xây dựng cơ sở, quần chúng có cảm tình với cách mạng, cơ sở đó có thể che giấu chiến sỹ cách mạng, cất giấu vũ khí...

Mặc dù đã bước vào tuổi 80, nhưng khi nhắc đến những việc đã làm, giọng ông Ba Náo vẫn sôi nổi, mắt ánh lên sự tự hào của người lính biệt động. “Tháng 8/1962, tôi được triệu tập ra căn cứ nhận nhiệm vụ phải đánh chìm con tàu chở vũ khí phục vụ cho chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Vào chiều 29/12/1963, tàu US COREE chở vũ khí của Mỹ đã có mặt tại cảng Sài Gòn. Thời cơ đã đến, tôi cùng đồng đội đặt mìn, cài kíp, chỉnh đồng hồ hẹn giờ cho nổ vào lúc 7 giờ sáng ngày 30/12. Tuy nhiên, nằm chờ cả đêm tới khi trời sáng, mà vẫn không nghe thấy tiếng nổ. Khi đi kiểm tra thì do trục trặc về kĩ thuật nên mìn cài không nổ”, ông nhớ lại.

Ông Lâm Sơn Náo hào hứng kể về những năm tháng tham gia đội biệt động 65 chống Mỹ - ngụy trên đất Sài gòn năm xưa.


4 tháng sau khi đánh hụt con tàu US COREE, chiều ngày 30/4/1964 Ba Náo được báo sắp có tàu Mỹ chở máy bay vào cảng. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này Ba Náo đã chuẩn bị rất kỹ các loại vũ khí, sức nổ lần này sẽ đủ để làm nhấn chìm con tàu của Mỹ. Ông đã xin cấp trên cho mình tự thiết kế lại vũ khí để đánh chìm tàu và lần này đánh phải chắc thắng. Qua quan sát, Ba Náo đã thiết kế lại bốn khối thuốc nổ trước thành 2 khối nổ, mỗi khối 40kg TNT, kết hợp với 2 kg C4 nằm bao quanh kíp nổ. Ba Náo xin thêm 2 nụ xòe  điểm hỏa nổ liền.

Lúc đó, cảng Sài Gòn được canh giữ rất nghiêm ngặt. Bằng sự nhanh trí, khéo léo, thông minh của mình, Ba Náo đã xử lý các tình huống cấp bách, giúp ông và đồng đội qua mặt được bọn bảo an và tàu tuần tra. “Tôi và đồng đội Hai Hùng phải lăn lê bò trườn đẩy thuyền đi trong bùn đen hôi thối. Đến khi không còn đẩy thuyền được nữa, tôi bảo Hai Hùng đứng ngoài chờ, một mình tôi ôm khối thuốc nổ và dây chằng ra ngay bờ cảng, sát con tàu USNS CARD. Bên trên bọn thợ và lính Mỹ đang lắp ráp máy bay. Dựa vào địa thế các cột dưới gầm cầu, tôi gài hai khối thuốc nổ. Gài xong là 1 giờ sáng, chỉ còn 2 tiếng đồng hồ để về nhà”, ông kể.

Sau khi xong nhiệm vụ, cả hai người trở về nhà, lúc này cũng gần 3 giờ sáng. Về tới nhà, lúc này Ba Náo mới thấy run hết chân tay vì đói. Hai ngày qua, vì công việc cấp bách và quá nôn nóng, lo lắng ông chưa ăn bữa nào. Ba Náo bảo Hai Hùng nấu cơm ăn rồi cả hai cùng chờ đợi, đếm từng giây từng phút đến khi con tàu nổ. “Nghe tiếng nổ, tôi và Hai Hùng ôm nhau chỉ dám reo khe khẽ: thành công rồi, đánh thành công rồi, sung sướng quá, đánh thành công rồi các đồng chí ơi! Lúc đó tôi chỉ muốn chạy ngay ra ngoài xem tình hình thế nào, nhưng tôi nghĩ đã có đồng chí Sáu Cậy lo vụ này”.

Sáng ngày 2/5, sự kiện con tàu USNS CARD bị biệt động phá hủy đã gây chấn động trên các mặt báo của quốc tế và trong nước. Ngay sau đó, Bác Hồ đã khen ngợi chiến công đánh chìm tàu Mỹ của quân du kích Sài Gòn - Gia Định trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau vụ đánh chìm tàu Mỹ, sáng ngày 23/2/1967, khi đang đi trên đường Nguyễn Trãi, Ba Náo đã bị 4 tên mật vụ bắt. Suốt 8 tháng bị tra khảo trong nhà tù của Tổng nha cảnh sát, chúng chẳng khai thác được thông tin gì từ anh nên  chuyển anh tới nhà lao Chí Hòa và sau đó chuyển thẳng ra Côn Đảo. “Ra Côn Đảo, tôi vẫn kiên quyết chống lại nội quy, không nhượng bộ và “nặng” nhất là không chịu “chào cờ” (đầu hàng quân giặc) nên tôi bị nhốt trong chuồng cọp 5 năm. Tù nhân ở chuồng cọp bị còng hai chân cố định vào cây sắt, bị đầy đọa cả về thể xác và tinh thần. Nếu không có cuộc trao đổi tù binh sau Hiệp định Paris thì không biết mình sẽ ngồi chuồng cọp đến bao giờ”, ông cho biết.

Mặc dù trải qua những lần tra khảo từ Tổng nha cảnh sát, nhà lao Chí Hòa cho đến Côn Đảo nhưng Ba Náo vẫn không từ bỏ con đường Cách mạng. Vừa được trả về đơn vị năm 1973, ông lại hăng say tiếp tục cùng với các đồng đội chiến đấu để làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.  “Từ năm 1973-1975, tôi vẫn hoạt động trong đơn vị Biệt động Sài Gòn nhưng chủ yếu là xây dựng cơ sở, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng hỗ trợ bộ đội, sẵn sàng lực lượng cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đêm 29/4/1975, tôi cùng đồng đội từ vùng căn cứ hành quân về Sài Gòn. Khi đó, đường về Sài Gòn khá vắng vẻ, quần áo của cảnh sát ngụy tháo chạy vứt đầy đường. Đến trưa ngày 30/4/1975, đơn vị của tôi cũng vào tới cầu Sài Gòn. Lúc này, nghe tin quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập rồi. Khi vào tới Dinh Độc Lập, thấy đồng đội mình, thủ trưởng mình còn sống, cờ bay rợp trời… Thời khắc ấy tôi cảm nhận được đất nước đã thực sự thống nhất, hòa bình, niềm vui sướng không nói được nên lời”, ánh mắt ông sáng lên.
 
Hòa bình lập lại, ông về đoàn tụ cùng gia đình và tiếp tục tham gia các phong trào của khu phố. Nhiều năm liền, ông giữ vai trò là Bí thư chi bộ khu phố. Miệng nói, tay làm, ông luôn đi đầu trong mọi phong trào. Đặc biệt, ông luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Các con ông, có người được tặng thưởng Huân chương Lao động, có người được công nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân... khiến ông rất tự hào về truyền thống của gia đình mình.      

  
Bài và ảnh: Đ. Phương- H.Tuyết

Giây phút không quên của người con Đất thép
Giây phút không quên của người con Đất thép

Ngày 29/4/1975, Trung đoàn Củ Chi cất bước hành quân, mở đường cho các cánh quân chủ lực giải phóng hoàn toàn Củ Chi, Hóc Môn tiến thẳng vào Sài Gòn chiếm giữ Tòa đô chính Gia Định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN