Tiếng vọng của rừng

Cuộc họp toàn thể cán bộ Khu bảo tồn đã tan. Lời dặn của Phó giám đốc ban chiều cứ làm Đồng do dự, nghĩ ngợi, đắn đo “…phải bảo vệ tuyệt đối không để cháy rừng dù chỉ một cây. Đó là hành động thiết thực nhất để học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ của những người giữ rừng, giữ lung như chúng ta…”.

Trăng rằm tháng 3 sáng lèm lẹm tỏa sáng khắp lung. Những quầng sáng khổng lồ thỉnh thoảng lại ánh lên như thời khắc của ban ngày. Đồng hồ trên tay Đồng đã chỉ 0 giờ, thời điểm mà anh cùng đồng đội phải căng mắt để bảo vệ hàng ngàn ha rừng Tràm không bị thần hỏa đe dọa, bảo vệ hàng trăm loài động vật, thực vật quý hiếm còn sót lại hàng trăm năm qua của cái Lung nước khổng lồ trên 2.800 ha, “ bảo vật” cuối cùng đóng vai trò lá phổi xanh cân bằng sinh thái đang còn tồn tại của vùng đất phương Nam.

Minh họa: Trần Thắng



Những cánh rừng bần trên 30 năm tuổi sừng sững cao nghều nghệu, thân to đùng như những chàng lực sỹ đầy cơ bắp đang dõi mắt đứng canh khoảng trời nước rất hoang sơ, kỳ bí, lắm chuyện liêu trai đầy bí ẩn trong khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng. Những con cá lóc, cá dầy trở mình phóng cao lên mặt kênh như thách thức, cợt đùa. Trên những thân cây tràm, cây mua, cây trâm, những chú khỉ mặt đỏ đang thức như để ngắm trăng, để kể chuyện đời với những con rắn hổ mang khổng lồ đang quấn chặt lấy các thân cây, kể chuyện nhân tình thế thái với những con rái cá lông mũi, rùa nắp, chim Giang sen, le le khoang cổ, cáo mèo…. Rất lạ. Tiệt nhiên không thấy xuất hiện một sự cạnh tranh, truy sát nhau để giành lấy sự sống giữa khoảng lãnh địa bao la hiền hòa có tự bao đời.
Bầu trời bỗng dưng xám xịt. Gió thổi ào ào. Ánh trăng biến mất dần. Những tia chớp lóe sáng kèm theo những tiếng sấm đì đùng.

- Cha. Trời sắp mưa to rồi mấy cha ơi. Tối nay đi tuần te tua, tơi tả à nghe. Tiếng Đồng, tiểu khu trưởng tiểu khu 2 nói to.

- Mưa kiểu nầy, mấy cha “chôm chĩa” tưởng mình “phê” ở chốt canh nên tranh thủ “chặt” liền đây. Tui nói để mấy ông coi có hôn. Không có mới là chuyện lạ. Tiếng bảo vệ Trung xen vào.

Đồng cười hà hà. Anh nhìn cái mặt rất “hai lúa” trông thật dễ thương và lém lỉnh của thằng Trung, anh thấy thương nó và anh em bảo vệ vô chừng. Ở cái xứ trước đây được mệnh danh là “chó ăn đá, gà ăn muối”, cực khổ thiếu thốn trăm bề nên nhiều người đến nhận việc rất hăm hở nhưng rồi lại họ cũng chính là những người lặng lẽ rời bỏ chốn này với cái nhìn chua chát, ánh mắt bần thần pha lẫn chán chường kèm với cái lắc đầu ngao ngán. Mà cũng phải thôi. Lung này thiếu thốn đủ chuyện. Cái gì cũng là con số không. Từ chuyện thiếu điện sinh hoạt đêm về phải sống trong những ánh đèn dầu leo lét xài bằng dầu “ga dôn”. Lung rộng mênh mông với hàng ngàn ha rừng mà chỉ đi tuần bằng đôi chân trần bám đất. Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa thì không giày dép nào chịu đựng được với những vệt sình bùn dẽo dẹo, đeo bám cứng. Vậy rồi chuyện đi chân không đạp gai rừng, bị nhiều vết cắt làm tổn thương chân, tay, mình mẩy là chuyện như cơm bữa.

Đâu đã vậy. Nhiều bảo vệ lung này khi ốm đau đột xuất muốn chuyển tới trạm y tế xã nhất là vào ban đêm thì còn gian nan gấp bội. Nặng hơn, chuyển tới huyện Phụng Hiệp còn khổ nhiều hơn. Nước lớn thì có ghe, xuồng. Nước ròng sát thì chỉ có cách bỏ lên võng cáng bộ hàng chục cây số mới tới nơi. Bởi vậy cái điệp khúc nhận người mới, người bỏ việc tháo chạy diễn ra như cơm bữa, quen tới nỗi họ không còn hỏi nhau sẽ bám trụ được mấy ngày, mấy tháng, mấy năm? Mà có hỏi cũng chẳng ai có câu trả lời. Thay vào đó là những đôi mắt tư lự, đăm chiêu, nghĩ ngợi đang nhìn vào những khoảng xam xám khổng lồ cơ man là tràm, bần, trâm, sắn…, nhìn xuống những dòng kênh xanh đen vì lá tràm nguyên sinh rơi đầy đặc mặt nước thơm thơm mùi dầu tràm.

May mà còn có những người như Đồng và nhiều người khác nữa vẫn bám Lung như chính gia đình mình trên 20 năm qua. Từ cái thời lung này có tên là nông trường Phương Ninh. Đất trũng thấp, nước mặn xâm nhập làm lúa thất mùa, nông trường chuyển thành lâm trường trồng rừng tràm và các loại cây khác. Cái Lung mang tên Ngọc Hoàng này bỗng trở nên xanh thắm, xanh đến vô cùng. Trên bờ đất là rừng, là nơi chim muông, động vật cây cối quý hiếm sinh sôi nẩy nở; dưới kênh là cá, là các loại thủy sản “đặc biệt” có nguy cơ tiệt chủng thỏa sức hồi sinh. Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có tên từ đấy cho đến bây giờ.

Anh nhớ hoài cái ngày vác ba lô xuống nhận nhiệm vụ ở đây khi mới tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp. Bao ước mơ, bao viễn cảnh tươi sáng, hoài bão đổ ập xuống khi thấy Lung xơ xác, tan hoang vì nạn “phá tràm nuôi cá” vô tội vạ. Nhìn những chiếc ghe to tướng chở đầy thân tràm vừa mới bị đốn hạ chạy tấp nập trên kênh, Đồng xót xa đau đớn đến cháy lòng. Nhìn những đôi mắt vô hồn của hàng chục người bảo vệ dõi theo những chiếc ghe, Đồng vừa thương vừa giận. Họ yếu đuối, vô tâm đến vậy sao? Phía sau sự đau đáu tiếc nuối ấy là gì? Chắc là một bức tường chắn to lớn, đường bệ đầy uy lực đến nỗi họ không thể vượt qua.

- Thưa chú, con có việc trình bày. Đồng nói khẽ khi bước vào phòng giám đốc lâm trường.

- Chuyện gì? Nói nhanh đi, tui không có thời giờ nghe nói chuyện “tào lao, mía lao” đâu nghe. Giám đốc Quang trịnh giọng.

- Dạ cái chuyện phá rừng tràm nuôi cá, con nghĩ… không nên…. không… Đồng ấp úng.

- Tưởng gì. Chú định đem ba cái kiến thức “vĩ mô” của một kỹ sư nông nghiệp dạy đời tui chớ gì. Nào là phải bảo vệ rừng nguyên sinh, nào là cân bằng sinh thái, nào là…Thôi. Chuyện đó xưa rồi. Tui là giám đốc, tui có quyền. Tui làm tui chịu, chú nhắm làm được ở đây thì làm nhưng chớ có léng phéng nói ra nói vô gây mất đoàn kết. Nếu hổng xong thì “vọt”, chuyện “bái bai” chào nhau ở đây như cơm bữa. Thôi chú về chỗ làm việc đi.

Ra khỏi phòng, Đồng còn nghe tiếng đóng cửa rất mạnh phát ra tiếng kêu rầm rầm. Có lẽ người giám đốc lâm trường đang trút sự giận dỗi, bực dọc lên cánh cửa vô tri vô giác kia. Và cũng có lẽ ông đang muốn tỏ thái độ cảnh cáo người kỹ sư trẻ “nhiều chuyện” như anh.

Đêm xuống. Đứng trên chốt canh 25 mét trong ánh trăng huyền hoặc. Đồng nghe xót từng khúc ruột khi nhìn thấy những vết lõm của các cánh rừng tràm, hậu quả của việc đốn rừng tai hại. Những vết lõm như từng vết dao sắc bén cứa vào trái tim anh để bỡn cợt sự yếu đuối của người kỹ sư mới ra trường. Xa một chút, nhiều toán người ung dung đánh bắt thủy sản quý hiếm công khai như chỗ không người. Tiếng cười nói rôm rả. Tiếng mặc cả mua bán giữa đêm lạnh mông lung. Nghĩ đến ngày mai, cái Lung này sẽ không còn bóng dáng cá, tôm, chim, thú…, không còn những vạt tràm xanh mượt phủ khắp các dòng kênh. Anh nhắm mắt để không mường tượng cái hình ảnh đớn đau kinh khiếp ấy.

Đang thu xếp ba lô với tâm trạng chán chường của một người yếu đuối không lối thoát. Đồng nghe tiếng ai nói khe khẽ trước căn phòng công vụ ẩm thấp tối tăm:

- Bây tên gì vậy? Mới xuống làm chưa nóng đít rồi tính chuồn hả?

Vừa mở cửa cho người khách lạ vào phòng, Đồng vừa trả lời qua loa:

- Lực bất tòng tâm, con chịu không nổi nên xin về thành phố tìm việc làm khác. Lúc này anh mới để ý mình đang nói chuyện với một người bảo vệ tuổi độ 50.

- Tòng tâm, tòng lực cái con khỉ gió. Tại mình hổng biết “đàn kết”, tụi nó làm bậy làm bạ quá xá. Hễ mình la lên là nó “sựng” lại vài bữa rồi “ngựa quen đường cũ”. Tao bực cái đám bảo vệ của mình lắm. Nói cái miệng thì ngon ơ. Nào là đấu tranh tới cùng để bảo vệ rừng, bảo vệ lung. Vậy mà nghe tụi nó dỗ ngon, dỗ ngọt, “xì” cho một mớ là im re bà rè. Hô đấu tranh là trốn mất.

- Chú biết vậy sao chú hổng đi thưa kiện cho rõ trắng đen?

- Tao thì chữ nghĩa hổng rành. Mới học lớp 2 rồi vô đây làm bảo vệ, biết đường nào thưa gởi mậy. Nè nói thiệt nghe, tuy dốt chữ nghĩa chớ ở đây bây hỏi con chim, con cá, con rắn, con rùa, cây nào ở đâu tao biết tuốt luốt hết. Tao còn rành nó ăn mồi gì, sanh sản mùa nào, tánh nết dữ hiền, cây nào sống lâu, mùa nào thay lá, trổ bông, cho trái, tao hổng rành mới là lạ. Mà thôi “chiện” dài dòng lắm. Tao thấy bây mặt mày sáng láng, nghe nói học hành tới nơi, tới chốn, nên tụi tao đề nghị bây ở lại với tụi tao quyết một phen sống mái với cái bọn tham lam, ẩu tả kia. Còn đơn từ thưa gởi bây thảo dùm tụi tao ký tên, được chưa mậy?

- Thôi mấy chú nói vậy, con chịu liền, chớ cái “mững” nầy vài năm nữa là “xóa sổ” cái tên Lung Ngọc Hoàng luôn. À mà sao cái lung nầy có tên Ngọc Hoàng hả chú?

- Tao mà biết, tao chết liền. Hồi nhỏ nghe ông nội tao kể lại tại nó hoang vu, um tùm lắm, thú dữ rắn độc từa lưa hột dưa hết. Cách nay trên 120 năm, nghe đồn có một đạo sỹ vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống đây trấn áp, lung nầy trở nên nhiều cá tôm, bà con kéo nhau vô đây sinh sống lập nghiệp tới nay. Thôi bữa nào “ quỡn” tao kể tiếp. Nhớ thảo ba cái đơn rồi “mơi ” gặp “ký cá” cho rồi.

Nhìn mái tóc bạc hoa râm tất tả băng mình trong mưa lạnh với nụ cười rất “lúa” và đôi mắt tự tin rất lạ thường, Đồng nghe lòng ấm áp hơn bao giờ hết. Anh không còn cô đơn giữa cuộc chiến đơn độc bảo vệ rừng, bảo vệ lung. Xung quanh anh vẫn còn những cuộc đời luôn gắn bó và sống chết với “lá phổi xanh” của vùng đất phương Nam. Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, trong đó có anh, có những người bảo vệ rừng, lung bằng trái tim rất nóng.

Cuộc đấu tranh của những người bảo vệ thành công. Cuộc truy bắt thú rừng, chim muông, tôm cá được ngăn chặn. Không còn những chiếc ghe to tướng nghênh ngang đốn phá rừng tràm ngày đêm. Màu xanh lại về với rừng. Chim muông lại líu lo ca hát, cá tôm lượn lờ sinh sản quanh năm. Cuộc sống mới lại được hồi sinh như một chuyện liêu trai.

Đồng nhớ lắm những lần cứu rừng không bị cháy giữa cái nắng oi ả hầm hập đốt chín vạn vật, những lần tuần tra trong mưa lạnh, bão giông để ngăn chặn bọn người lén lút đốn hạ gỗ quý, đánh bắt động vật, thủy sản. Mỗi lần đứng trên chốt canh để nhìn hết quang cảnh của lung, bao giờ anh cũng đón nhận được hơi thở của rừng đang ầm ập kéo về trong mùi tràm thơm mát dịu. Và cứ mỗi lần như vậy, Đồng và đồng đội lại ê a những lời trong bài hát thân quen “… Rừng chiều nghe lao xao, tiếng lá non gọi gió. Tôi đứng giữa ngàn xanh mà say trong hương rừng. Từ làng quê xa xôi, tôi đến với rừng xanh. Rừng ơi có nghe nhịp rung lòng tôi…”.

Phan Anh Thư

Nợ duyên cùng sông nước
Nợ duyên cùng sông nước

Ngồi trên chiếc ghe bảy lá cũ mèm đang tròng trành trên sóng nước mỗi khi có chiếc ghe lớn chạy qua, Tân hít liền một lúc ba hơi làm điếu thuốc rẽ tiền cháy đỏ rừng rực ánh lên những tia sáng hồng hồng trên khuôn mặt khắc khổ đầy nếp nhăn, đen thui đen thích vì suốt ngày lặn hụp trên sông nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN