Ông giáo quê

Ấm trà Bờ lao đặc quánh rót ra từ rất lâu nhưng ông không tài nào hớp được dù chỉ là một cụm nhỏ. Đĩa bánh trung thu sang trọng nằm chơ vơ trên chiếc bàn kiếng bóng loáng. Chai rượu bổ sâm nhung nghe đâu cả mấy triệu đồng cũng nằm yên trên chiếc tủ đầu giường. Mà đúng ra nó đã ở đó từ mấy tháng nay khi khách mang tới tặng thằng Tâm - con ông - nó lại mang lên phòng biếu lại cho ông để tỏ lòng hiếu thảo.


Đêm nay, rằm tháng Tám. Ông mở toang các cánh cửa sổ để tìm kiếm ánh trăng, tìm kiếm bóng chú cuội ngồi gốc cây đa trong nỗi nhớ trầm lặng, thất vọng, chán chường. Xung quanh ông chỉ là nhà cao tầng ngất ngưởng. Xa xa là các trụ ăng- ten cao nghều nghệu kênh kiệu vươn mình trong khoảng sáng nhấp nháy xanh, tím, đỏ, vàng của thành phố.

 

Minh họa: Trần Thắng


Chiều qua khi thơ thẩn dạo quanh bờ hồ gần nhà, một tốp thanh niên choai choai phóng bạt mạng trên những chiếc xe đắt tiền nẹt bô inh ỏi làm ông điếng hồn té nhào vào vỉa hè. Đã vậy chúng còn lớn tiếng quát tháo:


- Bộ yếu tim sao cha già lựu đạn, sợ chết thì dìa dưới quê mà sống.


Nói xong, chúng khoái chí cười sằng sặc như lũ điên rồi biến mất sau những làn khói trắng mờ mờ.


Ông bần thần không nói được câu nào. Chúng nó chỉ đáng tuổi cháu ông mà ăn nói thật hồ đồ. Bốn mươi năm làm thầy giáo dưới quê, không một ai lại nói năng với ông như thế. Rối ông chột dạ nghĩ lại. Thành phố mà. Nghĩ đến đó ông lặng im là thơ thẩn về nhà. Ngôi nhà mà thằng con độc nhất của ông mới cất xong tháng rồi nghe đâu hết mấy tỷ đồng và được coi là sang nhất con đường này.


- Tía lên ở với tụi con cho vui, dưới quê lỡ có ốm đau không ai chăm sóc. Má mất lâu rồi tía sống một mình sao đặng.


- Thôi. Tía quen ở đây rồi. Còn nhang khói cho má mầy, còn bà con chòm xóm, còn đám học trò cũ tới lui cũng khuây khỏa lúc tuổi già. Tía còn khỏe. Kệ tía.


Tháng rồi, ông nhận được tin thằng cháu nội đích tôn bị bệnh, ông vội vã đón xe từ dưới quê lên thành phố để thăm. Ai dè hổng có ai bệnh hoạn gì ráo, chẳng qua thằng con trai muốn ông lên chơi rồi tìm cớ bắt ông ở trển luôn với nó. Giận lắm nhưng nghĩ lại thấy cũng thương. Thôi thì ở lại vài tháng rồi hẵng tính.


Mấy ngày nay, hai cha con không nói với nhau một lời. Đứa con dâu thị thành cũng dần ít nói chuyện với ông. Cơm nước đến giờ thì có người giúp việc mang tới tận phòng. Thằng cháu nội đang học lớp 12 quanh năm suốt tháng không hề bước sang phòng ông hỏi han sức khỏe. Thậm chí lúc gặp ông nó cũng chằng hề chào hỏi. Dần dà ông hiểu được rằng cái bằng “đíp lôm” rồi “thành chung” thời Pháp của ông bị lớp trẻ bây giờ coi thường, trong đó có cả con trai, con dâu và cả đứa cháu nội của mình. Mà cũng phải thôi vợ là tiến sỹ, chồng cũng tốt nghiệp cao học, cả hai đang là những cán bộ cao cấp ngành giáo dục của thành phố này. Hèn chi... nghĩ đến đó ông không đủ can đảm nghĩ tiếp khi nhìn thấy căn nhà đồ sộ mình đang ở. Dưới quê, cả đời đi dạy giỏi lắm ông chỉ mua được bộ ghế xa lông và mấy chậu kiếng đắt tiền như vầy. Tiền ở đâu? Vợ chồng nó làm gì mà có tiền nhiều như vậy? Bất giác ông rùng mình lo sợ đến phát sốt.


- Con ngồi đi. Ông bắt đầu câu chuyện với Tâm - con trai của mình.


- Có chuyện gì vậy tía? Tâm thúc giục.


- Tía hỏi thiệt. Tiền ở đâu mà bây cất nhà kiểu nầy? Nói thiệt tía nghe coi.


Im lặng rất lâu, Tâm mới nhỏ nhẹ trả lời


- Tiền của vợ chồng con dành dụm mấy mươi mấy năm nay. Tía đừng lo. Tụi con không làm gì bậy bạ đâu.


- Dành dụm. Bộ bây tưởng tao là con nít hả? Lương tháng bao nhiêu? Tía sống nghề giáo đã bốn mươi năm, tía hiểu chớ, bây cũng như tía cũng là thầy cô giáo, tiền ở đâu? Ông quát lên.


Tâm lặng lẽ rời khỏi phòng mà không nói được lời nào. Ông cô đơn và bất lực buông mình xuống chiếc ghế to tướng sang trọng giữa nhà trong nỗi cô đơn, hoảng loạn.


Nhà con trai ông hầu như ngày nào cũng có khách ghé “thăm”. Mà nói thẳng thừng ra là họ đến nhờ cậy mới đúng hơn. Quà biếu ngày càng nhiều. Ông đã quá quen việc chúng nó gởi tiền tiết kiệm ngày càng dầy đặc. Mà đâu đã vậy, nghe bàn định đóng mấy trăm triệu cho thằng “quý tử ” trời đánh thánh đâm chuẩn bị du học bên Anh, bên Astraulia gì đó, chớ để nó học hành kiểu sớm nắng chiều mưa thì mất mặt cha mẹ chúng quá, không khéo lại bị nghiện xì ke thì chết lớn.


Đêm nay, trung thu ông lại nhớ quê đến cồn cào. Ở đó, tuổi trẻ ông đã gắn bó bao kỷ niệm vui buồn. Ngôi trường làng ông dạy mấy mươi năm trước chỉ toàn mái lá dừa nước, cột là cây bình linh hay tre, tràm tạm bợ. Thầy trò ngồi nghe tiếng một mối đục cột rào rào, thỉnh thoảng mọt bay tung tóe xuống tập vở, sách giáo khoa. Cả thầy và trò cùng cười ngặt nghẽo. Lũ học trò ngày ấy rất sợ cây roi mây của ông giáo già khó tính, nghiêm khắc, nhưng rất thương yêu học trò của mình. Chuyện bắt học trò nằm cúi xuống đánh bằng roi mây, thước bảng rất thường tình.

Đứa nào không thuộc bài, vô lớp gặp thầy y như rằng mặt xanh như tàu lá. Đường tới trường lắm gian nan, học trò có đứa bơi xuồng hay đi bộ mấy tiếng đồng hồ mới tới. Tập vở, sách học thì thiếu thốn đủ bề. Có đứa vừa học vừa chăn trâu, chăn bò, nên khi vào lớp phải buộc chúng vào gốc cột của lớp học. Khi tan trường thì dắt trâu theo về.


Ông nhớ như in những khi nắn nót chữ viết bằng ngòi viết lá tre chấm với mực bình cho lũ nhỏ. Cực, nhưng chữ nghĩa đẹp, sắc sảo làm sao. Nghe tiếng trống trường báo hiệu giờ chơi, lũ học trò túa ra reo hò như ong vỡ tổ. Con trai thì đánh đáo, đánh trỏng, bắn cu li, chơi bông vụ, con gái thì chơi nhảy lò cò, đánh đũa, nhảy dây, cất nhà chòi...


Thương lắm tụi nhỏ xách giỏ đệm, đi chân đất, đầu trần đến lớp. Có con cá, con cua đồng, ba khía ngon, nải chuối, quả cam tốt cũng mang tới tặng thầy. Còn chuyện phụ huynh bơi xuồng rước thầy ăn đám giỗ, đám quải, đầy tháng, thôi nôi, cúng căn... thì vô số kể. Vui nhất là đến Tết Trung thu, Tết Nguyên đán thì lũ học trò lại đến nhà mang theo vài chục bánh lá dừa, bánh tét, bánh ít, bánh phồng, mứt dừa, mứt chuối ngào đường biếu thầy ăn Tết. Có đứa khá giả biếu thầy con gà trống để làm lễ Tết mùng ba.


Giờ đây sống giữa phồn hoa đô hội, ông ngột ngạt, tù túng như một người tù bị an trí tại chốn đô thành náo nhiệt nhưng rất hiếm hoi sự gần gũi chân tình.
Có lần ông gặng hỏi con trai mình:


- Tía coi truyền hình sao thấy học trò thành phố bây giờ hư hỏng nhiều quá. Nào là đánh nhau như tụi du đãng rồi đưa lên ti vi cho người ta coi. Mới đây lại có chuyện học trò đâm nhau chết tại sân trường. Học trò gì mà mở miệng chửi thề, bỏ nhà đi hoang, ra đường gặp thầy cô hổng thấy chào một tiếng lại dòm lom lom, giáo dục kiểu nầy chắc chết. Bây là cán bộ lãnh đạo giáo dục thành phố nầy sao hổng nói gì hết trơn vậy?.


Thấy con im lặng, ông lảng sang chuyện khác.


Lần sau, ông lại hỏi con dâu của mình:


- Tía thấy học trò bây giờ dốt lịch sử và địa lý nước nhà quá. Sử ta không thuộc mà đi thuộc sử của Tàu mới chết. Chúng nó không biết vua Quang Trung nhưng biết vua Càn Long, không tường Ngọc Hân công chúa của ta nhưng rành rọt Hoàn Châu công chúa bên Tàu. Học cấp ba rồi mà không biết tên chín nhánh sông Cửu Long, không biết đâu là đồng bằng đâu là duyên hải. Nội cái chuyện hát quốc ca Việt Nam tới giờ chưa chắc đứa nào cũng thuộc. Còn ba cái vụ bằng cấp nữa chớ, học giả bằng thiệt, học giả bằng giả, dạy thêm, học thêm loạn cào cào hết. Con thấy sao?


Thấy nét mặt cau có, khó chịu của con dâu. Ông lại im bặt.


Mấy ngày nay, ông lại bần thần nghĩ ngợi khi đọc lướt qua một số tờ báo, xem truyền hình khi nói đến chuyện học hành, dạy dỗ, giáo dục của nhiều nơi. Ông buồn vì học trò bây giờ ngổ ngáo, không lễ phép như xưa, chúng nó sử dụng vi tính mãi nên viết chữ nguệch ngoặc, xấu xí lạ thường. Chúng nó sẵn sàng bỏ thời gian để chơi game hay điện thoại di động hàng giờ nhưng hiếm hoi đến thăm nom hỏi han ông bà cha mẹ. Nhiều lần ông chứng kiến vợ chồng con cái chúng nó nói chuyện với nhau lại pha trộn ba cái tiếng Anh tiếng u hỗn độn rất chướng tai. Ông nhớ lũ học trò nghèo dưới quê chân chất làm sao, nhớ mái trường xưa bảng đen phấn trắng, nhớ con cá, con cua đồng, nhớ tiếng trống trường, nhớ mùa nước nổi trắng đồng. Nhớ bài “Tôi đi học” của nhà thơ Thanh Tịnh văng vẳng bên tai “... mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi trên con đường đến lớp...”.


Đêm nay có lẽ ông không ngủ. Ông phải thức để chia tay với thành phố hoa lệ nhưng cũng đầy cám dỗ này. Ngày mai ông phải về với miền quê nghèo nhưng đầy ắp nghĩa tình chân thật. Khó. Nhưng ông phải về để thăm lại trường xưa dù giờ đây đã thay đổi khá nhiều. Âu cũng là lẽ thường tình. Xã hội ngày càng phát triển, chỉ có ông giáo già “ cổ lỗ xĩ ” như ông cứ man mác nỗi buồn khi nhớ về quê cũ, trường xưa.

 

Tô Phục Hưng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN