Mùa hoa bông dề

Mảnh vườn của nội phải nói là không thể trồng rau quả gì được. Nó cằn cỗi, nom tựa gương mặt hốc hác của người ốm. Đất bạc màu lại xa nguồn nước, chỉ có mấy vạt cỏ tranh cháy sém mới chống chọi được với cái gay gắt của nắng hè. Ấy vậy mà nội cứ nằng nặc đòi trở về đây, sau gần hai tháng “cầm cự” với nếp sống phố phường. Ba tôi cản:


- Mẹ nhớ quê thì con biết rồi, nhưng mẹ ở đây có con có cháu, vừa vui lại vừa chăm sóc mẹ được. Mẹ về đấy thì ai lo?


Nội thủng thẳng:


- Tối lửa tắt đèn đã có chòm xóm, không sao.

 

Minh họa: Trần Thắng


Mẹ tôi lo lắng:


- Hay là con cháu có điều gì làm mẹ phật ý, mẹ giận làm gì?


- Mày nói vậy là tao giận đó. Tao chỉ nhớ nhà, nhớ đất, ở đây chật chội tao không quen. Không khéo tao phát bệnh nữa đấy.


Ba tôi lắc đầu:


- Thôi được, để rồi thằng Quảng chở bà đi nghen con? Sẵn dịp hè, mày có thích ở lại với bà cũng được.


Phải nói, thích thì tôi không thích, chỉ vài ngày là nhàm chán không chịu nổi. Nhưng tôi thương bà quá. Bà già yếu lắm rồi, liệu những hè sau tôi có còn dịp ở bên bà nữa không? Ai mà biết được. Nghĩ vậy nên dù có muốn rời bà về thành phố vui chơi với bạn bè, tôi không đành lòng.


Cũng may, khi về cùng bà, tôi có mang theo mấy cuốn sách để đọc, không thì thời gian không biết để làm gì. Đêm tôi chong đèn đọc sách; ngày tôi lấy màu, cọ ra vẽ tranh; thỉnh thoảng giúp bà sửa sang lại chuồng gà, chái bếp hoặc sang thăm thú láng giềng. Bà thích lắm, bảo tôi:


- Hay con ở đây với bà luôn cho vui? Nội sống được mấy năm nữa đâu mà!


Tôi ôm lấy đôi vai gầy guộc của nội:


- Con thích ở với nội lắm, nhưng nội có nuôi nổi con không?


Nội cười:


- Cha mày! Để tao coi thử mày ăn hết mấy bồ lúa mà hỏi nghe dễ ghét!


Hai bà cháu cùng cười.


Trời dần chuyển sang thu. Những giọt mưa ngâu tháng bảy làm dịu dần những ngày oi bức. Một buổi sáng ra vườn, tôi khẽ reo lên thích thú khi thấy từ đất vườn cằn cỗi nhú lên những bông hoa phơn phớt tím như búp sen, có điều những hoa này chỉ bé bằng ngón tay người lớn. Nghe mùi hương dịu dàng lan tỏa, tôi hít một hơi dài khoan khoái rồi bật lên thành tiếng:


- Hoa gì lạ vầy hè?


- Con không biết à, hoa bông dề đó. Nấu canh thơm và ngon lắm.


Thì ra, nội cũng đã ra vườn tự lúc nào. Bà ngồi xuống nhổ cỏ xung quanh những búp hoa, vừa làm vừa “thuyết minh” cho tôi nghe:


- Hoa này vậy chớ thủy chung lắm; hoa không chê đất nghèo, cứ tới tháng bảy trời đang chuyển mùa là nó lại trồi lên. Nay bà quen rồi, chớ hồi xưa có khi mình quên đã trồng nó, thì cũng một buổi sáng như vầy nó mọc lên khắp vườn làm bà vui và xúc động lắm...


Tay bà run run nâng niu những búp hoa:


- Chỉ mai hoặc mốt thì hoa sẽ nở bung ra, lớn gấp ba bốn lần bây giờ. Hoa khi đó đẹp lắm, đem nấu thì ăn không gì ngon bằng.


Tôi hỏi:


- Có phải vì nó mà nội cứ muốn về lại đây không?


- Vì nhiều thứ lắm con ơi, nội nói, nhưng hoa bông dề thì nội nhớ lắm. Giống hoa có nghĩa, nó không quên mình thì sao mình quên nó được.


Tôi cười:


- Nội nghĩ sâu sắc quá. Chỉ có mấy cái hoa này thì con không thể nghĩ ra nhiều điều được như nội.


Như chạm vào miền ký ức, nội hỏi bâng quơ:


- Mày có biết ai trồng vườn bông dề này không?


Tôi nhanh nhẩu:


- Thì nội trồng chớ ai vào đây nữa!


Nội lắc đầu, mắt như nhìn đi đâu:


- Không, do ông nội con trồng đó!

Tôi tròn mắt:


- Ông mất đã lâu, vậy ông trồng khi nào?


- Hồi cha mày còn ở trong bụng nội được sáu, bảy tháng gì đó.


- Sau đó ông đi hả bà?


- Ừ, ông đi...


Mắt nội nhìn xa xăm. Bao nhiêu hồi ức về ông bỗng chợt ùa về. Ngày đó, ông là một chàng trai trong lực lượng địa phương quân của thời “chín năm gian khổ”. Nạn đói năm Ất Dậu 1945 xô dạt bà cùng những đoàn người di cư vào Nam tha phương cầu thực, khi đến xứ này bà gặp ông và sớm tìm được sự đồng cảm sâu sắc. Các cụ thân sinh cho phép ông bà được cưới nhau. Ngày cưới thật đơn sơ nhưng đầy cảm động. Quà mừng không phải được gói bọc bóng đẹp như bây giờ, mà hồi đó bà con vì nghèo quá nên nhiều người dùng cả những giống nông sản làm quà, với ý khích lệ cô dâu chú rể tăng gia sản xuất để chống đói. Tấm lòng của bà con chòm xóm thật đáng quý. Có người cho vài lạng hạt mè, có người cho nửa cân giống trấu khoai bông dề, lại có người cho mấy lạng hạt bắp. Còn có ông Năm- thế- giới hồi đó tìm đâu ra những câu chuyện lạ đời, nói oang oang:


- Các ông các bà có biết không? Mấy lạng bắp giống này quý lắm đó! Hồi xưa có một ông quan ở ta đi sứ sang Tàu muốn xin về làm giống cho dân trồng, nhưng không được, lại khám xét rất kỹ. Vậy là ông ta chỉ giấu được mỗi một hột vào chỗ ấy của mình, đem về gây giống sinh sôi cho mãi đến bây giờ...


Cả làng được một bữa cười no bụng, cười chảy nước mắt.


Cưới nhau được ít lâu, ông bàn với bà:


- Vườn nhà khô cằn quá, chỉ làm đất ở chứ không làm đất trồng được đâu. May ra có bông dề, mình trồng để nhớ tấm lòng bà con dành cho mình, lỡ nó không mọc cũng thỏa mãn!


Ông hì hục cuốc từng luống đất, gieo trấu khoai vào. Thời gian sau ông lên đường nhận nhiệm vụ mới và cũng từ đó không bao giờ trở về nữa. Người bà héo hắt hẳn đi, cho đến một ngày mưa ngâu, bà bồng con ra vườn thì bất chợt bắt gặp những nụ hoa vừa nhú! Lúc đó tâm trạng xúc động lạ kỳ, bà xem hoa chẳng khác gì người thân ngỡ như biệt tích giờ lại trở về. Vậy là loài hoa không chê đất cằn, vẫn bám rễ ở đây cùng bà. Hơn lúc nào hết, bà càng nhớ đến ông biết bao nhiêu. Từ đó trở đi, hằng năm hoa bông dề vẫn từ mảnh vườn quê cằn cỗi mọc lên đúng hẹn. Bà con lối xóm sang xin về nấu canh, bà luôn sẵn lòng, mỗi lần cho ai là mỗi lần bà kể chuyện về ông, về vốn liếng khoai giống mà hồi đó ông bà có được trong ngày cưới... Bà tâm niệm dù có vật đổi sao dời, bà cũng không bỏ được nơi này mà đi...


Nghe bà kể, tôi định bụng sẽ vẽ cho bà một bức tranh về hoa bông dề, nhưng khi lục tìm trong từ điển để đặt tên tranh thì không có danh từ “Hoa bông dề”. Tôi cảm thấy buồn, có lẽ nó mang một tên khoa học hay một tên theo danh từ Hán- Việt nào đó, nhưng cái tên dân dã “Hoa bông dề” thì chắc chỉ những người quê mùa như bà tôi mới cảm nhận được cái đẹp của nó mà thôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN