Không phải của mình...

Chị đẹp. Đàn ông khối kẻ muốn sở hữu vẻ đẹp ấy trong tay mình nhưng chị lại chẳng tin ai trong số đó. Đàn bà ba mươi tuổi vẫn độc thân, tối thứ bảy mặc soóc ngắn, áo phông trễ nải ngồi trà đá vỉa hè với mấy đứa con nít. Ngồi nghe chúng nó ba hoa về tình yêu màu hồng kiểu thề sống thề chết bên nhau, chị chỉ cười. Có ai thắc mắc sao đến tuổi này mà vẫn chưa chồng con gì thì chị bảo cứ thong thả, vẫn đương xuân sao phải vội. Nhiều người đàn ông yêu đơn phương chị mãi rồi cũng thôi không chờ đợi nữa. Bạn bè cùng trang lứa rồi cũng lần lượt có gia đình. Bố mẹ rồi cũng quen với việc chị thích ở vậy nên không ai nhắc nhở chị chuyện chồng con. Chỉ có tôi là xót xa khi thấy chị cứ hoài vùi đầu vào thứ tình yêu không lối thoát. Mà tôi thì có hơn gì?


Chị hơn tôi ba tuổi. Khi đi bên nhau mọi người luôn nghĩ chị trẻ hơn tôi nhiều, nhưng chị lại rất thích ra dáng đàn chị. Tôi ghét cái cách chị luôn coi tôi như một đứa con nít, lần nào gặp nhau chị cũng kiễng chân xoa đầu tôi bằng được. Thỉnh thoảng đi công tác xa lại điện về hỏi “nhóc thích quà gì chị mua?” Tôi còn phải nói với chị bao nhiêu lần rằng tôi đã hai bảy tuổi. Đàn ông ở tuổi tôi nếm đủ thứ trên đời. Chị cười nghi hoặc. Tôi bảo biết lên giường với đàn bà và có thể sinh ra trẻ con như thế đã đủ lớn chưa? Chị cười sặc sụa vẫn không quên khuyến mãi tôi một cái xoa đầu.

Minh họa: Trần Thắng


Thi thoảng chị triệu tập tôi đột xuất chỉ để ngồi lai rai xé mực uống bia và hỏi mấy câu ngớ ngẩn về đàn ông, mà lại là đàn ông có vợ. Tôi chán ngấy việc phải trả lời những câu hỏi ấy nhưng chị thì vẫn tha thiết hỏi. Lần gần nhất sau khi tu cạn cốc bia, chị nhìn tôi đăm đăm và hỏi:


- Tại sao đàn ông kêu chán ngấy vợ đến tận cổ mà những đứa con vẫn nối tiếp ra đời?


- Đơn giản thôi. Đàn ông vẫn có thể lên giường và có con với cả gái điếm, cần gì cứ phải có tình yêu.


Chị thở dài:


- Đàn ông tệ thật. Vậy mà anh ấy luôn hứa sẽ sớm ly hôn để danh chính ngôn thuận đến với chị, bù đắp cho chị đấy.


- Chị tin gì mấy lời đầu môi ấy chứ. Chị biết đàn ông là thế nào không? Là sẵn sàng trốn việc để ôm ấp người tình cả ngày nhưng cũng sẵn sàng hất văng cô người tình đang khỏa thân trên giường sang một bên để lao về nhà khi vợ báo tin con ốm. Họ không dễ gì vứt bỏ gia đình của họ. Chị hiểu chứ?


Chị cười khẩy bảo tôi là con nít thì biết gì mà bày đặt. Tôi biết chị đã say. Nhưng tôi cũng biết tính sỹ diện đàn ông trong mình đang cay cú lắm…


Đấy là lần đầu tiên tôi bỏ chị ngồi lại một mình chơ vơ giữa xô bồ phố xá. Hôm sau gặp lại chị chê tôi trẻ con, còn tôi nhìn quầng thâm mắt chị mà xót xa. Từ đấy tôi cứ lặng lẽ theo chị như cái bóng. Còn chị thì lại làm cái bóng trên tường nhà người ta, để nhiều đêm nghe mưa rơi rớt trong lòng…


*
* *


Chị tướng đàn bà mà tính khí đàn ông. Mẹ tôi gặp chị thấy thương, bà bảo người như chị khổ cả một đời. Lâu lâu lại thấy chị rủ ra quán vỉa hè, ngồi giữa cả đám đàn ông lai rai bia bọt. Hỏi chị sao không vào quán cafe mà uống sinh tố cho đẹp da, ngồi nghe nhạc trữ tình cho đời thong thả. Chị phẩy tay cười bảo:


- Mấy thứ đó diêm dúa quá không hợp với chị. Chị không thích những bộ váy dù rực rỡ thật nhưng lại quá rộng với mình.


Mỗi hôm đi nhậu với một món là chị lại nhớ về một mối tình. Lúc xé mực chấm tương ớt chị cười bảo mối tình đầu của chị người vùng biển. Yêu nhau những sáu năm, từ hồi sinh viên cho đến lúc mỗi đứa đều có một công việc đàng hoàng. Hai bên gia đình đã gặp mặt. Nhẫn cưới đã chọn xong. Sau khi chụp xong bộ ảnh cưới lung linh cả hai đã đi đăng kí kết hôn và dọn về sống chung. Kể đến đây thì chị ngưng. Tôi sốt ruột hỏi:


- Rồi thì sao?


- Thì đường ai lấy đi chứ nếu yên ấm bên nhau thì giờ này chị đã chẳng ngồi đây. Nửa đêm mưa gió chị xách vali ra khỏi cái nơi đã từng mộng tưởng là tổ ấm. Vì chị phát hiện người ấy đã lừa dối chị trong suốt khoảng thời gian dài. Bốn năm đâu phải là ngắn ngủi…


Chị kể chuyện lỡ dở của mình mà giọng ráo hoảnh như kể chuyện thiên hạ mới lượm được hồi sáng ngoài xó chợ. Nghe tôi thắc mắc chị cười bảo:


- Lúc bước chân ra đi chị chỉ nghĩ đơn giản một điều thôi. Người ấy không phải của mình. Mà cái gì không phải của mình thì đừng nên cố giữ. Sớm muộn gì cũng như cát cầm tay.


Bữa khác, hai chị em ngồi nhậu với cóc chấm muối ớt ngoài quán bờ hồ, nghe gió hiu hiu thổi. Như bỗng nhiên chị nhớ ra cái mối tình chóng vánh nửa năm trời của mình với một anh chàng ga lăng, tận tụy nào đó nên lại kể. Tôi bảo:


- Chắc anh chàng này lại chuyên mua quà vặt, cóc, ổi cho chị đúng không?


Chị phá lên cười, gật đầu lia lịa bảo: “Chiều lắm! chiều lắm. Nhưng mà vẫn chia tay”. Hỏi sao mà chia tay thì chị bảo tại gã ghen quá, ghen đến mức mù quáng nên bỏ. Thế thôi. Tôi cười trêu:


- Lại thấy gã không phải của mình à?


Chị không trả lời, nhúp muối ớt thả vào miệng liên tục. Tôi hỏi có cay không? Chị lắc đầu mà mắt như sặc nước. Tôi lại hỏi thế sau này nếu cần phải nhớ tôi thì chị lấy gì để nhớ? Chị cười bảo: “Đồ trẻ con. Nhớ nhung biết để làm gì?”. Chị làm sao biết lòng tôi đang có lửa…


*
* *


Chị còn yêu thêm một vài mối tình ngắn ngủi nữa thì gặp gã. Tôi chẳng hiểu đàn ông đã có vợ như gã thì lấy gì để hấp dẫn một người đàn bà đẹp như chị? Gã chẳng có gì nổi bật, ngay cả sự tự do tối thiểu cần cho một tình yêu gã cũng không có được. Gã chỉ là một công chức bình thường với mức lương quá thấp, mà tôi đoán cái gia đình bốn miệng ăn của gã với hàng trăm thứ cần chi tiêu chắc lại đổ oằn lên vai chị vợ. Thi thoảng lại thấy chị vun tiền từ các mối hàng bảo mang đi có việc, kì thực là dấm dúi đưa gã. Cuộc sống khó khăn đến mức hằn lên khuôn mặt, ánh mắt của gã, nó chẳng còn chỗ cho bất cứ sự hài hước nhỏ bé nào để làm cho chị vui. Vậy thì chị yêu gã ở điểm gì? Tôi có hỏi rất nhiều lần nhưng lần nào chị cũng bảo tôi trẻ con, biết gì mà hỏi. Tôi nghĩ chị mới là người ngốc.


Có buổi tan làm sớm, tính qua rủ chị đi đâu đó chơi thì bắt gặp cái dáng người lều nghều của gã đang thập thò đứng chờ ở cổng. Tôi đứng từ xa ngẩn ngơ nhìn chị ùa đến bên gã cười hạnh phúc mà không kịp che chắn cơn gió đổ ập vào lòng mình khua khoắng tái tê. Trông cái dáng chị líu ríu đi bên gã người tình như thể cả thế giới này chỉ có hai người. Chẳng cần phải giàu sang, chẳng cần những câu chuyện hài hước, chỉ cần đi dạo bên nhau như thế cũng là hạnh phúc rồi. Nhưng vì chị đang vui, vì chị không nhìn thấy những cái thấp thỏm ngoái nhìn xung quanh của gã người tình đã làm cho cái tinh cầu hạnh phúc của chị mỏng manh, phập phồng như bong bóng. Có lần vì xót xa quá nên tôi mắng chị, dù chẳng biết mình đang dùng cái quyền gì để mắng:


- Thế chị định cứ nhùng nhằng với gã người tình có vợ con đuề huề ấy đến bao giờ khi mỗi tuổi nó đuổi xuân đi. Gã có khi chẳng mất gì chỉ có chị là lỡ dở thôi. Chị chờ đợi gì từ gã chứ?


Chị thở dài, tiếng thở dài mỏng tang va vào không trung vỡ vụn. Lần đầu tiên tôi đọc được nỗi khổ tâm, dằn vặt ẩn sâu trong đôi mắt chị. Đưa mắt nhìn xa xôi, chị bảo:


- Chị cũng không biết nữa. Ở bên cạnh anh ấy chị thấy rất hạnh phúc, thấy được là chính mình nên chị luôn muốn nắm giữ anh ấy lại cho mình. Như thế chị có quá ích kỷ không khi mà biết rõ rằng phía sau anh ấy là cả một gia đình với người đàn bà và hai đứa nhỏ?


Tôi nghe giọng chị như có nước. Nước đọng thành sông. Tôi nghe trong lòng mình dâng lên từng lớp sóng. Cả tôi và chị suy cho cùng cũng đều là những nạn nhân đáng thương của con tim. Tôi mãi mãi là đứa em út trong mắt chị, còn chị bị mắc cạn trong một mối quan hệ không lối thoát. Tôi thương tôi mà cũng xót xa phận chị. Nhất là khi dạo này chị gầy đi trông thấy, đi bên cạnh thấy những ngón tay gầy va vào thịt da tôi. Gặp lần nào mẹ cũng giục chị lấy chồng, thấy tôi ngồi ngẩn ngơ mẹ cười nói bâng quơ giá mà chị làm con gái mẹ thì nhà cửa vui biết bao nhiêu. Chị nghẹo cổ nhìn tôi bảo hay là làm em trai chị, ngoan thì sẽ có quà? Tôi không trả lời, gọi với vào bếp bảo mẹ nhớ cho thật nhiều ớt vào tô mì của chị, ăn cho cay lưỡi không còn nói được lời vô duyên nữa. Tôi ngó chị ngồi cười ngặt nghẽo mà ức lên tận cổ.


Rồi thì chị không cười nữa. Có tài bầy trò gì chị cũng không cười, mắt buồn rười rượi. Hỏi sao mà buồn thì chị chỉ lắc đầu. Rồi chị ốm, nằm bẹp ở phòng trọ uống từng vốc thuốc. Tôi đến, nhìn chị xác xơ mà buốt lòng. Tôi hỏi gã có biết chị ốm không, có đến thăm chị lần nào không? Chị cười bảo:


- Đang mùa dịch sốt mà. Vợ anh ấy ốm nặng lắm, đang nằm trong bệnh viện. Chị có sao đâu mà phải thăm nom, uống thêm hai liều thuốc nữa là khỏi ấy mà.


Nói rồi chị quay mặt vào tường, vai rung lên tức tưởi. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy chị khóc. Đợt ốm dai dẳng cả tuần mà nói thế nào chị cũng không chịu đi bệnh viện. Nhiều lúc mở cửa bước vào, tôi giật mình tưởng chị chỉ còn lại là thể xác nằm bất động giữa vài hạt nắng hắt từ cửa sổ. Mẹ tôi phải sang đun nước xông hơi cho chị vài lần thì tôi nhìn chị mới thấy có chút sức sống yếu ớt trên nụ cười nhợt nhạt. Tôi chẳng biết động viên chị điều gì, chỉ bảo chị hãy vì mình mà sống.


*
* *


Sinh nhật năm tôi hai tám tuổi chị bỗng nhiên hỏi:


- Sao em không yêu đi?


Tôi không biết trả lời chị thế nào. Chẳng nhẽ lại nói rằng người tôi yêu là chị. Hôm ấy chị say, miệng cười mà mắt sũng. Lúc đưa chị về đến phòng trọ, chị bảo:


- Anh ấy không phải của chị. Chắc chắn là như vậy.


Lúc quay bước đi tôi còn nghe rất rõ tiếng chị đổ người xuống giường. Tôi bước chậm xuống cầu thang, lòng tự hỏi rằng liệu chị có phải là người phụ nữ thuộc về tôi không? Ý nghĩ ấy ném vào lòng tôi lan ra từng vòng sóng. Tôi cứ ước ao, giá như chị cho tôi một cơ hội nhỏ bé thì biết đâu chị sẽ không phải hối tiếc vì điều đó.
Khi tôi ngồi và nghĩ về tất cả những điều ấy thì chị thầm lặng rời khỏi thành phố vào một ngày thu. Tôi không biết chị đi đâu và làm gì. Tôi không biết trên cuộc hành trình ấy chị có gặp thêm người đàn ông nào nữa hay không. Nhưng tôi biết trái tim mình vẫn không thôi nhớ chị trong mỗi ngày trôi qua dài đằng đẵng…


Thành phố vắng chị bỗng trở lên hời hợt, những quán cóc vỉa hè từng ngồi bên nhau giờ trở thành cái cớ để nhớ nhung, giày xéo. Thi thoảng có người hỏi tôi về chị, họ hỏi bao giờ thì chị về? Tôi không biết bao giờ thì chị về. Thậm chí đã có lúc tôi nghĩ chị sẽ không bao giờ quay trở lại thành phố này khi mà chị nghĩ rằng chẳng có thứ gì nơi đây thuộc về chị cả. Nhưng mẹ tôi thì luôn bảo nhất định chị sẽ về…


Ấy thế mà… chị về thật, vào một ngày gió lạnh, phất phơ dải khăn hồng chị gõ cửa rồi ùa vào ôm mẹ. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn chị nói cười, chị cắm những bông hoa thạch thảo trên bàn ăn, chị vào bếp vừa nấu vừa hít hà mùi thức ăn như trẻ nhỏ. Chị tính với mẹ nên trồng nhiều hoa ngoài ban công, chị cằn nhằn tôi vẫn bừa bãi như ngày nào khi sách để mỗi nơi một cuốn. Chị lắm điều như một bà chủ nhà có tính cẩn thận, chu toàn. Như thể căn nhà thân quen này tất cả mọi thứ đều thuộc về chị. Để rồi khi chợt nhớ ra sự tồn tại của tôi trong căn nhà, chị quay lại nhìn tôi cười bảo: “Sao không vào bếp giúp một tay mà còn đứng đó”. Tôi nghe mà rưng rưng ngập lòng. Chị đã về…

Vũ Thị Huyền Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN