Bà Tám “Giàn Gừa”

Tiếng bìm bịp kêu nước lớn ra rả dưới con kinh Bà Thợ. Gió tháng Ba nóng hừng hực, rát rạt lùa vào mấy miếng vườn dâu Hạ Châu, vườn cam sành đang xanh tốt bỗng dịu dần. Phía Giàn Gừa, tiếng trống múa lân đang rộn rã tập luyện cho ngày mai ra mắt người coi. Năm nào mà hổng vậy.

Cứ gần ngày hăm tám tháng Hai Âm lịch là cả xóm nhỏ này không ngủ. Mà muốn ngủ cũng không được. Cánh đàn ông thì dọn dẹp nhà cửa, hàng rào, cột cờ, cắt tỉa gọn gàng mấy bụi bông trước nhà, sửa chữa đoạn đường ngang qua nhà mình cho tươm tất. Cánh đàn bà thì tập luyện mấy bài bản đờn ca tài tử để thi thố tài năng ngày lễ hội trong nhịp đờn văng vẳng, tiếng song loan gõ tách tách nghe thiệt là đã cái lỗ tai. Người lớn tuổi hơn thì chuẩn bị điệu bộ múa bóng rỗi với mấy bài vè có lang, có lớp hẳn hoi. Rồi họ ngắm nghía mình trong mấy bộ quần áo “ hát bội” , đi tới đi lui coi bộ hể hả lắm. Tụi con nít thì tập trò bịt mắt đập nồi, thả vòng vô cổ vịt, ngậm hột gà hột vịt chạy đua về mức… Lu bu vậy biểu ai ngủ cho được.

- Má ơi! Mới có hai giờ sáng mà má đi qua “bễn” chi cho sớm. Hổm rày thấy má ho hoài, coi bộ “suy” lắm à nghe. Để sáng sáng con nói thằng Gừa dẫn má qua sớm. Tiếng bà Thời nói khẽ.

- Tao quen rồi. Quen từ hồi mới giải phóng tới nay. Hổng qua “bễn” thấy bứt rứt, khó chịu trong mình, trong mẩy lắm - tiếng bà Tám trả lời.

Nói cho có nói chớ bà Thời biết mẹ mình không thể từ bỏ cái nết qua khu Giàn Gừa đốt nhang cho Bác Hồ, cho “Bà cố Hỷ”, rồi mười hai cây nhang cho vong hồn mười hai cô gái miệt Đồng Lộc nào đó tuốt ngoài Trung. Cây nhang cuối cùng bà đốt cắm vào cái lư hương bự chà bá giữa giàn Gừa để tưởng nhớ chồng mình đã hy sinh tại đây hồi tết Mậu Thân sáu tám. Hồi đó bà Thời mới sáu tuổi có biết ất giáp gì đâu.

Bà nhớ cái hồi sanh tháng con trai đầu lòng, bà Tám nằng nặc bảo đặt tên nó là Gừa, cái tên nghe “hai lúa” khó kêu và lãng xẹt quá chừng. Đang dùng dằng thì bà Tám tự ái bỏ đi về một nước hổng thèm coi mặt thằng cháu ngoại xấu, đẹp cỡ nào. Thấy vậy bà Thời bàn với chồng:

- Má muốn vậy thì mình chìu vậy. Ý ông thấy sao?

- Thì vậy đi. Thôi tui tính vầy, ở ngoài mình kêu nó tên Gừa, trong khai sanh tui đặt tên Sáng. Sáng là sáng nhà sáng cửa, học hành giỏi giang, tấn tới. Bà thấy được hông? Ông Tân nói với vợ.

Vậy là thằng nhỏ có cái tên “Gừa” ngọt xớt mía lùi. Vậy mà nó khoái cái tên đó mới là lạ. Ai kêu Gừa ơi, Gừa hỡi thì nó nhe mấy cái răng sún đen thui cười khì khì thấy mà ghét. Được cái nó lớn nhanh như thổi, mạnh cùi cụi hổng khi nào thấy nó bệnh hoạn gì ráo. Bà ngoại nó nói hoài: nó tên Gừa nên to lớn, mạnh giỏi như giàn Gừa cạnh nhà. Vậy thôi.

Năm nào cũng vậy, cứ tới ngày hăm bảy tháng hai là bà dậy sớm hơn mọi khi, ăn mặc gọn gàng, đội nón lá, quấn khăn rằn, đem theo mấy đòn bánh tét nhưn chuối, mấy cái bánh ú nhưn ngọt cùng với mấy lọn thuốc “rê” qua Giàn Gừa cúng vái. Cái ngày nầy bốn mười tám năm về trước cứ hiện về mồn một như mới hôm qua. Vết thương thời gian cứ ùa về cứa vào trái tim bà, cứa vào nỗi đau thật lạnh lùng và tàn nhẫn.

Ngày đó xóm nầy ai cũng tấm tắc ngợi khen gia đình bà là trai tài, gái sắc, con gái thiệt dễ thương. Cái xóm “Việt Cộng” cạnh Giàn Gừa này ai cũng biết thằng Tám Kiến “bí thơ” gan góc cùng mình, hô “oánh” là “oánh”. Nó vô ra yếu khu Đôn Nhơn nầy như cơm bữa. Tụi lính ra giá cái đầu nó tới năm triệu đồng mà có được đâu. Thấy đó, rồi biến mất. Được cái khi “xuất hiện” đột xuất thì gặp bà con nó chào hỏi lễ phép lắm. Tội nghiệp hồi đầy tháng, thôi nôi con Thời, tụi lính bố ráp “canh me” dữ dội nên nó “lặn luôn”. Mấy ngày sau len lén “mò” về, hôn con vội vã rồi “giông” mất.

Rồi cái ngày định mệnh ấy cũng đến. Đêm hai bảy tháng hai trời tối đen như mực. Bà Tám bất ngờ nhận được lá thơ chồng gởi với mấy chữ nguệch ngoạc “…tối nay mười hai giờ khuya, bà ẵm con Thời qua Giàn Gừa để tui thăm nó một chút, tui về nhà hổng đặng, lính nó theo sát lắm. Mai tui vô thành “oánh” sân bay Trà Nóc, lành ít dữ nhiều. Tui. Tám Kiến…”.

Trời chạng vạng tối. Máy bay rọi đèn xuống Giàn Gừa sáng choang rồi bay mất. Tim bà Tám đánh thình thịch. Trời đất. Vụ gì đây? Tiếng cà nô chạy ra chạy vô kinh Bà Thợ liên tục làm bà càng thêm lo lắng. Hay là tụi nó biết ông Tám sẽ “dìa” tối đêm nay. Càng nghĩ bà càng lo lắng trăm bề. Khuya lắm rồi. Tiếng ca nô đã im bặt. Bà bước ra, bước vô coi trước coi sau đốt mấy cây nhang trên bàn thờ van vái rồi ẵm con Thời tiến về phía Giàn Gừa. Trong cái giỏ đệm là mấy đòn bánh tét, mấy cái bánh ú, mấy lọn thuốc giồng “Mỏ Cày” với cái khăn rằn. Đêm lạnh mà trán bà cứ rịn mồ hôi. Hai trăm thước. Một trăm hai mươi thước… bóng Giàn Gừa trong đêm vắng lớn dần lên, đen thui thủi. Gió thổi phần phật dưới mé sông. Bìm bịp kêu nước lớn khuya ra rã. Đùng… đùng… đùng… Tiếng súng từ mé sông cạnh khu Giàn Gừa nổ “la phan” liên tục. Lửa chớp sáng bầu trời. Mùi đạn nổ khét lẹt, tanh tanh kèm theo những làn khói bay lên. Trong Giàn Gừa tiếng súng chống trả thưa dần, thưa dần. Lòng bà Tám đau như xé. Bà hiều đó là những tiếng súng của chồng trong hoàn cảnh dầu sôi, lửa bỏng. Hàng chục bóng đen từ nhiều hướng đồng loạt xông vào. Một tiếng nổ long trời lở đất vang lên. Bọn giặc hốt hoảng tháo chạy tứ tung sau khi cáng theo sáu thằng lính bị thương bê bết máu. 

Ba mươi phút lặng lẽ căng thẳng trôi qua. Một sự im lặng đáng sợ bao trùm lên Giàn Gừa. Bà Tám ẵm con vừa chạy, vừa té tiến về phía trong giàn Gừa. Bó lá dừa được đốt lên thật khó nhọc trong đêm vắng. Bà huơ huơ bó lá dừa để ngọn lửa cháy bùng lên. Bà rụng rời tay chân khi thấy bốn cái xác giặc nằm vắt vẻo trên các thân Gừa, máu tuôn xối xả ướt đẫm nền đất sền sệt, tanh tưởi. Xa một chút là xác ông Tám Kiến nằm trong tư thế chọi lựu đạn, tay ôm chặt cái rễ Gừa to tướng, mắt mở trừng trừng không nhắm. Con Thời còn nhỏ quá đâu biết chuyện gì xảy ra nên cứ dòm lom lom. Thấy mẹ nó khóc nó cũng khóc theo.

Sau ngày chồng hy sinh, bà Tám giao con Thời cho người em ruột rồi làm giao liên cho Việt cộng. Đất địa này chỗ nào mà bà không biết. Từ Ô Môn, Ba Se xuống Một Ngàn, từ Đôn Nhơn ra Ba Láng, Cái Răng. Chuyện bơi xuồng đưa du kích, bộ đội qua kinh xáng Xà No, Vàm Xáng bà làm như cơm bữa. Rồi chuyện rải truyền đơn trên Lộ Vòng Cung, Mỹ Khánh, Long Tuyền bà cũng hoàn thành nhiệm vụ. Còn tụi lính sau trận đó hổng còn bén mảng tới Giàn Gừa. Bà nghe kể tụi nó tin dị đoan lắm, sau trận chiến đấu bi hùng đó, chúng nói với nhau: chỗ đó linh thiêng lắm. Tại mình bắn vô chỗ ở của “bà” cố, bà cô gì đó nên “bả” quở phạt nặng nề, chết rồi bị thương tùm lum, tá lả, thôi “né” cho rồi, nhào vô có ngày cũng tiêu sanh mạng.

Bà đâu quên cái ngày được kết nạp Đảng tại Giàn Gừa nầy, tại nơi chồng mình đã ngã xuống. Trong ánh sáng leo lét nhỏ nhoi của những chiếc đèn hột vịt nhỏ xíu, tiếng chú Bảy Dũng, thị đội trưởng thị đội Cần Thơ nói thật trang trọng:

- Hôm nay, đồng chí Tám vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng, chi bộ mong đồng chí hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, với Bác, với dân, cũng là dịp để trả thù cho đồng chí Tám Kiến.

- Tui hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao. Chết tui cũng không sợ. Xin thề. Xin thề. Xin thề.

Trong khoảng không xanh thăm thẳm đầy ắp bóng Gừa, bà thấy mơ hồ đâu đây bóng dáng chồng mình đang về bên cạnh với nụ cười chơn chất, độ lượng, mãn nguyện biết bao.

Chiến sự vẫn diễn biến ác liệt. Bà Tám được phân công làm đội trưởng biệt động Giàn Gừa chuyển vũ khí từ khu ủy áp sát Cần Thơ chuẩn bị cho ngày giải phóng miền Nam. Làm trinh sát, biệt động, đón đưa cán bộ cao cấp của trung ương, khu ủy vào ra, đánh đồn Phong Điền, Vàm Sáng, Ba Mít, Một Ngàn, đâu đâu cũng có bà trong tư thế tiến công. Cứ mỗi lần xuất kích, bà lại đến Giàn Gừa thắp cho chồng nén nhang với lòng thương nhớ và lời nguyền ra đi là chiến thắng.

Sau ngày miền Nam giải phóng, bà xin nghỉ công tác để ở nhà chăm sóc con Thời như để bù đắp những thiếu thốn tình cảm cho đứa con vốn nhiều bất hạnh. Không hiểu tự lúc nào bà có luôn cái tên bà Tám “Giàn Gừa” vì mỗi lần có du khách đến tham quan thì chính quyền nằng nặc mời cho được người “thuyết minh” đặc biệt là bà, bởi không ai thương, hiểu và sống chết với Giàn Gừa như người phụ nữ ấy. Đã vậy bà còn hiến ba công đất để mở rộng Giàn Gừa làm khu di tích kết hợp với du lịch. Nhiều người biết chuyện, cán đán:

- Bà Tám ơi! Thời buổi nầy đất quý hơn vàng, khu Giàn Gừa tới đây là khu du lịch, ba công đất của bà có giá tới mấy trăm triệu, dại gì đi cho không mấy ông nhà nước. 

- Mấy ông, mấy bà nói vậy nghe sao đặng. Mình sống chết ở đây, chết sống với Giàn Gừa, ví lại “ông” nhà tui hy sanh trong đó. Tiền ai hổng cần nhưng mà hiến đất phục vụ mọi người thì có gì mà tính toán so đo.

Thấy vẻ kiên quyết như đinh đóng cột của bà. Mọi người im re.

- Thôi tao qua “bễn” sớm một chút. Bữa nay đám giỗ cha mầy. Qua đem cho “ổng” mấy đòn bánh hồi còn sống ổng mê tít thò lò. Ngày mai là lệ cúng “bà” thượng động cố hỉ rồi. Sáng sáng tao về để lo cúng kiến “ổng”.

Trong màn sương đêm dầy đặc. Bóng dáng nhỏ nhoi bước liêu xiêu, chậm rãi men theo con rạch Bà Thợ hướng về phía Giàn Gừa. Bà Thời thấy thương mẹ nhiều quá. Người phụ nữ đã trên tám mươi tuổi hình như sinh ra để chịu đựng những khó khăn mất mát. Vậy mà bà vẫn ung dung, tự tại, như bao vất vả chưa hề đến với mình.

Xa xa Giàn Gừa vẫn xanh xanh muôn thuở, vẫn ẩn chứa biết bao câu chuyện bi hùng như một cổ tích có thật gữa đời thường.

(Tặng bà Nguyễn Thị Tám, ngụ xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ)
Truyện ngắn Phương Anh
Thanh Mai thôn
Thanh Mai thôn

Tới làng Mai, Diệu hỏi thăm xóm Mới Lưng Đồi. Diệu vẫn nhớ như in, Khánh nói mùa này ở đó thanh mai đang chín rộ, Diệu có thể nếm thử rượu thanh mai, ăn kèm với sữa chua hoặc mua về làm mứt hay ô mai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN