60 năm đi tìm người trong ảnh

Thoạt nghe cứ ngỡ đây là một câu chuyện trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV3; nhưng không, đây là câu chuyện rất cảm động của một nhà báo - NS Nhiếp ảnh đi tìm người trong ảnh.


Sau 60 năm xa cách, cuối cùng họ cũng gặp được nhau, chỉ có điều những người trong ảnh lúc đó hãy còn rất trẻ, chỉ 13-14 tuổi, giờ đây họ đã trở thành các cụ bà ngoài 70 cả.

Nhà báo - NS Nhiếp ảnh Mai Nam vừa có chuyến đi xa gần 200 km trở về Hà Nội. Được sự đồng ý của ông, tôi đã đến nhà riêng để nghe ông kể lại câu chuyện đi tìm người trong ảnh vừa lãng mạn, vừa cảm động.


rong căn phòng nhỏ ấm cúng tại số nhà 104 phố Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, NS Mai Nam tiếp tôi như một người bạn đồng nghiệp, mặc dù về tuổi tác, ông hơn tôi gần hai con giáp.

NS Mai Nam - người kéo đàn Arccodeon - cùng 3 cô gái cách đây 60 năm...

 

... và năm 2010


NS Mai Nam lấy trong cặp tài liệu đưa cho tôi xem hai bức ảnh, bức thứ nhất ảnh đen trắng cỡ 9x12, chụp ba thiếu niên mặc váy áo dân tộc Thái, đứng cạnh là một thanh niên đang kéo đàn Arccodeon, nhìn bức ảnh có thể hiểu, tam ca đang tập hát.


Bức ảnh thứ hai là ảnh mầu cỡ 10x15, chụp ba cụ già tuổi ngoài bẩy mươi, đứng cạnh là nhà báo - NS Nhiếp ảnh Mai Nam. Không để tôi kịp hỏi, ông giải thích ngay: Chuyến đi Tuyên Quang vừa rồi nguyên do chính cũng từ bức ảnh ba cô gái này, bức ảnh chụp cách đây 60 năm, khoảng năm 1950 - 1951 của thế kỷ trước.

Nhấp ngụm nước trà mới pha, NS Mai Nam ngước cặp mắt ra xa như cố ôn lại những kỷ niệm xa xưa rồi chậm rãi kể lại cho tôi nghe câu chuyện về tấm ảnh kỷ niệm: “Năm 1949, quân Pháp đánh chiếm tỉnh Bắc Ninh.


Lúc này, phong trào cách mạng khởi nghĩa đang dâng trào từ miền xuôi lên miền ngược, tôi là một thanh niên trẻ hoạt động trong hàng ngũ Thanh niên Cứu quốc, tham gia phong trào văn nghệ, nghệ thuật địa phương cùng vài người bạn rủ nhau thoát ly gia đình lên Chiến khu Việt Bắc.


Tại đây, tôi làm việc trong Ban Tuyên huấn Trung ương đoàn Thanh niên Cứu quốc và được giao trọng trách dân vận, thành lập ban văn nghệ thanh thiếu niên nơi đóng quân, tại làng Bình, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (thời kỳ ở ATK-Việt – Bắc tôi mang tên Tân Sơn).


Mãi khi trở về Thủ đô năm 1960, tôi mới đổi tên là Mai Nam. Sở dĩ cấp trên tin tưởng giao cho tôi phụ trách ban văn nghệ nguyên do tôi chơi được số nhạc cụ tương đối thành thạo như đàn Arccodeon, guitare. Quá trình hoạt động, đội văn nghệ cũng tổ chức được nhiều lần đi biểu diễn cho địa phương và các đơn vị đóng quân lân cận. Những người trong ảnh là ba thiếu niên lúc đó mới mười ba, mười bốn tuổi.


Còn người kéo đàn Arccodeon là tôi mới hai mươi tuổi. Trong ảnh tam ca đang tập dượt lần cuối để đi biểu diễn, bộ váy áo dân tộc Thái các cô đang mặc là mượn của đoàn văn công vừa đi biểu diễn Festival nước ngoài về. Bức ảnh do một phóng viên chụp.


Khi về Thủ đô, tôi vẫn giữ tấm ảnh làm kỷ niệm. Trong những năm tháng làm phóng viên báo Tiền Phong, mỗi khi xem lại bức ảnh, tôi tâm niệm thế nào cũng có ngày tôi quay trở về ATK nơi cơ quan đóng quân và tìm lại những cô gái trong ảnh. Rồi cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày một ác liệt, người phóng viên nhiếp ảnh như tôi cũng lao vào tuyến lửa, với bao công việc bận rộn phục vụ cho công tác báo chí, tuyên truyền, bức ảnh kỷ niệm lại chìm vào quên lãng.

Thấm thoắt hơn nửa thế kỷ đã qua đi, tấm ảnh kỷ niệm năm nào luôn nhắc tôi về những năm tháng tuổi trẻ với bao hoài bão vui buồn ở Chiến khu Việt Bắc. Lúc này tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, nhiều lúc nghĩ không hiểu mình còn có thể đi tìm người trong ảnh được không? May sao có anh bạn là nhiếp ảnh gia Trần Độ cùng vợ có chuyến đi Tuyên Quang mời tôi đi cùng (Tuyên Quang là quê vợ anh Độ).


Sau 60 năm, tôi mới trở lại nơi đóng quân cũ là huyện Chiêm Hóa, tất cả cảnh vật con người nơi đây đều thay đổi cả. Mục đích chuyến đi lần này tôi tìm lại ba người trong ảnh. Cuối cùng thì tôi cũng chỉ gặp được một trong ba người có tên là Hà Thị Vạn, năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi.

Lần thứ hai cách đây vài ngày, tôi có chuyến đi Tuyên Quang và lần này tôi gặp được đủ cả ba nhân vật trong ảnh.

Đến Tuyên Quang, tôi được anh Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cùng các cán bộ văn hóa tỉnh đón tiếp rất nhiệt tình, chu đáo. Biết được mục đích chuyến đi của tôi, anh Việt Thanh hết sức cảm động và hứa sẽ cử cán bộ đi cùng rồi giới thiệu ngay chị Huệ, một phụ nữ trẻ đẹp là cán bộ bảo tàng tỉnh cùng đi.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm được đến nhà bà Hà Thị Vạn ở xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa. Gặp được tôi, bà Vạn tất tưởi đi tìm bà Khuyên người cùng làng. Khoảng một giờ sau, người thứ ba là bà Hà Thị Điệp mới có mặt (bà Điệp ở cách hai làng).


Gặp được nhau, chúng tôi mừng mừng, tủi tủi. Câu chuyện ôn lại những năm tháng ở ATK như những thước phim hiện dần ra trước mắt tôi với bao hình ảnh đẹp. Trước mặt tôi giờ đây không phải là những cô gái trẻ mà đã là các bà, người ít tuổi nhất cũng đã 74 và nhiều nhất là 76 tuổi. Những giọt nước mắt tuôn rơi trên gò má nhăn nheo khiến các bà cứ phải lấy khăn lau liên tục.

Chia tay ra về, ai nấy đều bịn rịn, mọi người thầm nghĩ: “Chắc cũng chỉ một lần”. Ở miền núi, vào mùa đông chiều xuống rất nhanh, xa xa màn sương đã che khuất núi, lác đác có hạt mưa, tự nhiên trong người thấy lành lạnh, không hiểu có phải vì tuổi tác hay tại cuộc chia tay. “Tạm biệt Tuyên Quang!”.

Ghi chép của Duy Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN