Doanh nghiệp chuyển đổi số trong cấp nước sạch

Thực hiện nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho hơn 10 triệu dân của TP Hồ Chí Minh, cùng với việc quản lý và vận hành hệ thống mạng lưới cấp nước lên đến gần 11.000 km đường ống và hơn 1,6 triệu khách hàng, trong những năm qua, các công ty cấp nước trên địa bàn thành phố và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã không ngừng chủ động nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, có hiệu quả cao.

Chú thích ảnh
Giải pháp thiêt kế lắp đặt bộ điều khiển đóng van tự động áp dụng cho vùng áp lực thấp của Công ty cổ phần cấp nước Phú Hòa Tân. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN

Điều kiện áp lực nước tự động

Từ thực tế của hoạt động quản lý hệ thống cấp nước trên địa bàn Quận 11, Công ty Cổ phần cấp nước Phú Hòa Tân đã nghiên cứu và ứng dụng Bộ điều khiển áp lực tự động theo nguyên lý vận hành cơ khí robot. Ông Nguyễn Trọng Nhân, Tổ trưởng vận hành, Phòng kỹ thuật, Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân cho biết, Bộ điều khiển được sử dụng cảm biến áp lực có kết nối với đầu vào của van giảm áp. Bộ điều khiển áp lực tự động sử dụng ứng dụng điều khiển trên hệ điều hành android thuận tiện cho công tác theo dõi và điều khiển từ xa.

Theo ông Nguyễn Trọng Nhân, trước đây, các thao tác được thực hiện thủ công, khi có sự cố vận hành bộ điều áp pilot, khi có sự cố hỏa hoạn trên địa bàn hoặc khi có sự cố bể ống nước, hay áp lực yếu vào giờ cao điểm, nhân viên quản lý phải di chuyển ra hiện trường để thực hiện đóng mở van. Tuy nhiên, khi sử dụng bộ điều kiển áp tự động, khi gặp có sự cố vận hành bộ điều áp pilot, gặp sự cố hỏa hoạn... nhân viên quản lý có thể ngồi tại chỗ điều chỉnh, tăng áp lực từ xa. Hoặc khi có sự cố bể ống nước, hay áp lực yếu vào giờ cao điểm, nhân viên quản lý chỉ cần đóng/mở van điều áp từ xa qua ứng dụng mà không cần chạy ra hiện trường.

“Chính nhờ ứng dụng giải pháp tự động hóa đã giúp đơn vị tăng hiệu suất công việc, tiết kiệm thời gian và nguồn lực khi làm việc. Bên cạnh đó, cùng với các giải pháp khác, giải pháp Bộ điều khiển áp lực tự động đã góp phần giảm tỷ lệ thất thoát nước tại đơn vị xuống sâu và nâng cao chất lượng phục vụ khách hang”, ông Nguyễn Trọng Nhân cho biết.

Tương tự, để công tác kiểm tra dò tìm các điểm rò rỉ nước nhanh và chính xác nhất, Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa đã thực hiện tự động hóa với giải pháp công cụ tự động tính toán số liệu van bướm và cảnh báo bất thường trong vận hành mạng lưới cấp nước.

Trước đây, nhân viên công ty khi dò tìm đường ống rò rỉ phải qua các bước đọc chỉ số, đóng van bướm để kiểm tra lưu lượng nước có tăng cao hay không, từ đó, mới đoán được nguy cơ rò rỉ. Nhân viên trực tiếp mở tủ đồng hồ ghi lại chỉ số, cách 30 phút phải đi ghi chỉ số một lần, sau đó tự tính toán mức độ rò rỉ thủ công. Thế nhưng, từ khi nghiên cứu và áp dụng công cụ tự động tính toán số liệu van bước và cảnh báo bất thường, các giai đoạn làm việc của nhân viên được rút ngắn.

Ông Nguyễn Trần Lam, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa cho biết, hàng ngày, máy chủ sẽ tự động gửi cảnh báo dữ liệu bất thường theo lịch trình thông qua kênh Zalo OA. Trong tin nhắn thông báo sẽ có đường link dẫn đến công cụ phân tích sản lượng, áp lực và lưu lượng để có thể xem chi tiết.

Từ đó, nhân viên có thể nhận được cảnh báo biến động lưu lượng thất thường trên thiết bị di động. Trên cơ sở đó, xem xét khả năng diễn ra bể, rò rỉ đường ống sớm và triển khai dò tìm nhanh, hiệu quả nhất. Nhờ ứng dụng này, công ty tiết kiệm nhân lực, thời gian, nhất là mức độ tính toán bằng máy có độ chính xác cao hơn.

Với những ứng dụng công nghệ được các đơn vị triển khai đã góp phần giảm tỷ lệ nước thất thoát, thất thu từ hơn 40% năm 2005 xuống chỉ còn khoảng 18% vào cuối năm 2022.

Chuyển đổi số trong hoạt động dịch vụ

Để nâng cao khả năng quản lý thông tin và nâng cao dịch vụ khách hàng, Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn đã triển khai “Ứng dụng hệ thống Contact Center trong việc vận hành quản lý và chăm sóc khách hàng”. Từ khi áp dụng Contact Center, hệ thống cho phép ghi nhận và truy xuất tự động thông tin của khách hàng khi có cuộc gọi đến, đồng thời nhân viên chỉ cần một công cụ để xử lý, hỗ trợ khách hàng tiếp xúc qua nhiều kênh liên lạc khác nhau như văn bản, webchat, trò chuyện video, mạng xã hội, email...

Đại diện Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn cho biết, hiện nay, công ty đang triển khai tương tác với khách hàng trên mọi phương tiện, đồng thời truy xuất được lịch sử tương tác của khách hàng với công ty. Từ đó, công ty có thể theo dõi định danh khách hàng và có cách xử lý nhanh chóng, hiệu quả hơn. Ứng dụng cũng giúp người dân kết nối liên tục với công ty, không bị tình trạng bận máy hoặc không có người trực.

Từ năm 2023, khách hàng sử dụng nước ở TP Hồ Chí Minh cũng đã được cấp định mức nước sinh hoạt từ thông tin cư trú trên ứng dụng định danh điện tử VNeID và thông tin cư trú khai thác trên cổng dịch vụ công quốc gia. Theo Sawaco, việc cấp định mức nước sinh hoạt từ thông tin cư trú trên ứng dụng VNeID là phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Sawaco và các đơn vị cấp nước thành viên áp dụng. Với việc cấp định mức nước theo hai phương án trên, khoảng 1,6 triệu khách hàng ở Tp. Hồ Chí Minh thực hiện việc đăng ký định mức nước sinh hoạt nhanh chóng, tiện lợi.

Nhằm phục vụ tốt nhất khách hàng, Sawaco đã xây dựng, triển khai app “Chăm sóc khách hàng” trên điện thoại di động, mở ra một kênh liên lạc hiệu quả, giúp khách hàng tra cứu thông tin sử dụng nước và thanh toán tiền nước. Hầu hết, các Công ty Cổ phần cấp nước cũng đẩy mạnh chuyển đổi số bằng việc triển khai hợp đồng dịch vụ cấp nước điện tử. Khách hàng có thể đăng ký định mức nước sinh hoạt, sang tên đồng hồ nước, theo dõi kết quả giải quyết hồ sơ, tra cứu thông tin lịch ghi chỉ số, hóa đơn tiền nước... qua cổng thông tin điện tử.

Ông Nguyễn Thanh Sử, Phó Tổng Giám đốc Sawaco cho hay, Sawaco đã đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, phát huy sáng kiến, sáng tạo, tăng cường dịch vụ tiện ích, các giải pháp và ứng dụng chăm sóc khách hàng trên thiết bị thông minh. Sawaco cũng đã lắp đặt thí điểm đồng hồ nước thông minh, qua đó khách hàng có thể kiểm soát được lượng nước tiêu thụ 24/7, đồng thời sẽ được cảnh báo nếu có tình trạng thất thoát nước.

Để đảm bảo cấp nước chất lượng, an toàn, liên tục cho người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong giai đoạn mới, Sawaco tập trung phát triển theo hướng quản lý vận hành hệ thống cấp nước tự động hóa, hướng đến chất lượng nước uống trực tiếp tại vòi vào năm 2025.

Ông Dương Hồng Nhân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sawaco cho biết, ngành nước thành phố tập trung xây dựng quy hoạch cấp nước gắn với chiến lược phát triển đô thị thông minh của thành phố. Đồng thời, triển khai các giải pháp an toàn nguồn nước trung hạn, dài hạn đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Cùng với đó, ngành nước nghiên cứu các ứng dụng công nghệ nâng cấp, cải tiến công nghệ xử lý tại nhà máy, cải tạo mạng lưới ống cũ và ứng dụng công nghệ vào quản lý vận hành mạng lưới để nâng cao chất lượng nước sạch và cung cấp nước uống tại vòi.

Anh Tuấn (TTXVN)
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế: Lấy người dân, người bệnh làm trung tâm 
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế: Lấy người dân, người bệnh làm trung tâm 

Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06), có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực triển khai thực hiện Đề án 06, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số, lấy người dân, người bệnh làm trung tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN