Giảm diện tích lúa để trồng màu

Nhọc nhằn cây lúa

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang kết hợp với ngành chức năng xây dựng thông tư hướng dẫn, cho phép sử dụng linh hoạt đất lúa trồng loại cây khác có lợi thế hơn. Trong đó chú ý không làm thay đổi công năng sản xuất lúa về lâu dài, hình thành các vùng sản xuất cây màu hàng hóa tập trung”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định.

 

Thu hoạch lúa bằng máy GĐLH tại xã Phong Phú, huyện Cầu Kè. Ảnh: Huy Hoàng- TTXVN

 

Theo thông tin từ ngành nông nghiệp, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ đang ngày càng thu hẹp trong khi giá gạo bị cạnh tranh khốc liệt đã dẫn đến giá trị xuất khẩu sụt giảm... Người trồng lúa đang gặp khó khăn về “đầu ra”, đối mặt với nguy cơ thua lỗ.


Nỗi lo thua lỗ


“Chúng ta đang xuất khẩu gạo với giá rẻ nhất thế giới và người nông dân luôn phải đối mặt với nỗi lo thua lỗ mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ. Nguyên nhân do thừa nguồn cung, nhu cầu yếu, nhiều nước xuất khẩu được mùa và không ít bạn hàng vốn nhập khẩu gạo đang tăng cường sản xuất trong nước”, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay.


Nhà có 6 nhân khẩu với gần 1 ha ruộng, gia đình anh Nguyễn Hồ ở huyện An Phú (An Giang) có hơn 4 đời “thủy chung” với cây lúa. Vụ hè thu vừa qua, anh “khóc ròng” khi giá lúa “tụt dốc không phanh”, trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Giá lúa hạt tròn được thương lái thu mua tại ruộng chỉ từ 3.300 - 3.700 đồng/kg, giá lúa khô cũng chỉ từ 4.000 - 4.300 đồng/kg; giá lúa hạt dài cao hơn lúa hạt tròn khoảng 100 đồng/kg và với mức giá trên, gia đình anh may mắn lắm là hòa vốn chứ không có lấy một đồng lãi nào. Chị Lê Thị Tươi ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết, kỳ vọng tiền học cho con, mua sắm thêm chi phí cho gia đình sau vụ thu hoạch lúa đã “tan theo mây khói” vì với mỗi kg lúa, gia đình chị lỗ khoảng 1.000 đồng.


Từ rất sớm, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã khuyến cáo nhà nông không nên độc canh cây lúa. Mô hình cánh đồng mẫu lớn dự kiến phát triển lên đến 100.000 ha và mục tiêu đạt 1 triệu tấn lúa chất lượng cao cho dù có thành hiện thực thì nhà nông sẽ vẫn có mức thu nhập thấp. Hiện sản lượng lúa ngày một tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm; điều này sẽ khiến giá lúa khó “vượng” như thời gian trước. Khi ấy doanh nghiệp, nhà nông sẽ gặp khó về đầu ra. “Giữa hai vụ lúa đông xuân và hè thu, bà con nên trồng màu. Làm như vậy vừa cắt được nguồn lây lan dịch bệnh trên cây lúa vừa giúp cải tạo đất góp phần tăng năng suất lúa. Hiện nhiều cây trồng khác như: ngô, đậu nành... có giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với cây lúa và theo tôi để tăng hiệu quả kinh tế, nhà nông hạn chế độc canh cây lúa”, ông Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết.


Cây màu là lối ra


Theo tính toán, để đáp ứng nhu cầu cho ngành chăn nuôi trong nước, mỗi năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ 1,5 - 1,6 triệu tấn ngô, 2,4 triệu tấn khô dầu đậu nành và 600.000 tấn hạt đậu nành... Là quốc gia trọng điểm phát triển nông nghiệp nhưng điều nghịch lý là các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu nông sản. Riêng kim ngạch nhập khẩu ngô, đậu nành... đã là hơn 3 tỉ USD/năm. Trong khi đó, kỷ lục xuất khẩu gạo năm 2012 cũng chỉ thu về khoảng 3,7 tỉ USD. “Vì vậy, Bộ đã sớm có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Điều cần lưu ý là tổ chức sản xuất, quy hoạch chuyển đổi cây trồng trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, công tác hướng dẫn nông dân trên từng vùng đất cụ thể, cũng như có sự lựa chọn giống cây trồng phù hợp, vụ trồng phù hợp, công thức luân canh hiệu quả...”, ông Tám cho biết thêm.


Định hướng chuyển đổi của ngành nông nghiệp trong thời gian tới là cây ngô và đậu nành sẽ là hai loại cây trồng chính. Hiện nhiều tỉnh ĐBSCL đã nhanh nhạy chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại lợi nhuận cao cho nhà nông. Cụ thể, tỉnh An Giang hiện có hơn 11.000 ha ngô, tỉnh Đồng Tháp có hơn 6.000 ha đậu nành... Dự kiến sau khi chuyển đổi, toàn vùng sẽ duy trì diện tích sản xuất khoảng 100.000 ha ngô và riêng đậu nành, đến năm 2020 sẽ đạt 350.000 ha với sản lượng khoảng 700.000 tấn, góp phần tăng sản lượng bắp, đậu nành thay thế một phần nhập khẩp.


PGS.TS Mai Thành Phụng thuộc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: “Từ những kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa tại các tỉnh ĐBSCL đều mang lại giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa ở các vùng kém hiệu quả. Việc chuyển đổi này được thực hiện chủ yếu trong vụ xuân hè, hè thu và phổ biến là các loại cây màu như: ngô, đậu nành, mè, dưa hấu hoặc các loại rau quả khác. Điều quan tâm ở đây là việc chuyển đổi không được lơi là về giống, kỹ thuật canh tác, công lao động, cơ giới hóa và nhất là khâu liên kết với thị trường tiêu thụ...

 

Lê Nghĩa

Không ảnh hưởng tới an ninh lương thực

Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, thị trường xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn và việc giảm diện tích trồng lúa, chuyển sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn là một nhu cầu bắt nguồn từ thực tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN