Cần xử lý quyết liệt tình trạng ô nhiễm môi trường tại Tây Ninh

Tây Ninh hiện có 64 nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn, đa số đều được cấp Giấy phép môi trường.

Chú thích ảnh
Mương nước thải có kèm nhớt đặc gần bờ rào của Công ty TNHH SX TM DV vận tải xuất nhập khẩu Hữu Đức Tây Ninh. Ảnh tư liệu: Minh Phú/TTXVN

Tuy nhiên, nhiều người dân sinh sống gần khu vực các nhà máy sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh liên tục phản ánh các doanh nghiệp, nhà máy thường xuyên xả chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân.

Ngành chức năng của tỉnh đã nhiều lần vào cuộc xử phạt nặng đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp chây ì, cố tình vi phạm, khiến người dân bức xúc.

Thực trạng môi trường khu vực gần nhà máy sản xuất tinh bột sắn

Nhiều năm qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ vận tải xuất nhập khẩu Hữu Đức Tây Ninh (xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) sản xuất tinh bột sắn xả nước thải ra suối Nước Trong gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Mặc dù tháng 3/2024, công ty này bị UBND tỉnh Tây Ninh xử phạt trên 1,36 tỷ đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay công ty vẫn chưa khắc phục tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Có nhà liền kề với suối Nước Trong, gần khu vực xả thải của Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ vận tải xuất nhập khẩu Hữu Đức Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Đoai, 55 tuổi cho biết, nhiều năm nay, công ty liên tục xả nước thải trong quá trình sản xuất trực tiếp ra suối Nước Trong, khiến cho nguồn nước thường xuyên chuyển sang màu đen đặc, bốc mùi hôi thối khiến cho tôm, cá và các sinh vật trên dòng suối gần như không còn. Người dân trong ấp ai cũng lo ngại tình trạng ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Các lần tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm đến chính quyền địa phương, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được cải thiện.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch UBND xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, sau khi ghi nhận phản ánh của người dân, chính quyền xã đã lập báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền cấp trên để xem xét, xử lý, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, giám sát để có biện pháp xử lý nghiêm và triệt để đối với tình trạng doanh nghiệp chây ì, cố tình vi phạm, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.

Chú thích ảnh
Công trình xử lý nước thải của Công ty TNHH SX TM DV vận tải xuất nhập khẩu Hữu Đức Tây Ninh hoạt động không hiệu quả gây ô nhiễm môi trường. Ảnh tư liệu: Minh Phú/TTXVN

Một chi nhánh khác, Công ty sản xuất thương mại dịch vụ  tổng hợp xuất nhập khẩu Hữu Đức Tây Ninh tại ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, người dân cũng bức xúc phản ánh doanh nghiệp này có hầm chứa nước thải gần với khu dân cư, gây ô nhiễm mùi hôi và nguồn nước.

Anh Nguyễn Tấn Thành, 36 tuổi, có nhà liền kề với công trình xử lý nước thải của Công ty sản xuất thương mại dịch vụ tổng hợp xuất nhập khẩu Hữu Đức Tây Ninh cho biết, giếng khoan của gia đình và những hộ dân xung quanh bị ô nhiễm nặng, nước bơm lên từ độ sâu trên 20 mét có màu đen, bốc mùi hôi thối, sau khi phản ánh phía công ty đã hỗ trợ người dân khoan 2 giếng có độ sâu trên 40 mét, nhưng nguồn nước vẫn bị ô nhiễm; lượng nước thải trong hồ chứa còn gây ra tình trạng ô nhiễm không khí trong khu vực.

Anh Nguyễn Tấn Thành cũng cho biết, Công ty sản xuất thương mại dịch vụ tổng hợp xuất nhập khẩu Hữu Đức Tây Ninh có 8 hồ chứa nước thải, đến nay, công ty tiếp tục đào thêm 2 hồ chứa nước thải (khoảng 5.000 m2) trên diện tích chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép; các hồ chứa nước thải này được đào sâu khoảng trên 20 mét, nhiều khu vực không được rào chắn, có thể gây nguy hiểm cho người dân khi bị té ngã xuống hồ, nhất là trẻ em. Cũng theo anh Thành, các hồ chứa nước thải này chỉ thực hiện lót phủ bạt chống thấm xung quanh thành hồ mà không thực hiện chống thấm ở đáy hồ, điều này khiến cho nước thải dễ thấm vào lòng đất, gây ô nhiễm cho nguồn nước trong khu vực. 

Nhiều hộ dân tại ấp Phước Bình, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cũng bức xúc phản ánh nhiều năm nay, các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất tinh bột sắn thường xuyên xả nước thải từ hoạt động sản xuất xuống kênh Xa Cách, khiến cho nguồn nước trên tuyến kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Lê Quang Liền (53 tuổi, ngụ ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu đã sinh sống tại xã Suối Đá trên 25 năm) cho biết, các cơ sở sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn xã xả thải ra kênh Xa Cách trong thời gian dài, vào thời điểm có gió, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của bà con trong xóm, ấp.

“Mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng khiến chúng tôi vô cùng khó chịu, cuộc sống, sức khỏe bị ảnh hưởng. Đã nhiều lần người dân phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn cứ tiếp diễn" ông Liền bức xúc.

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định xử phạt đối với 2 doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn xã Suối Đá gồm: Doanh nghiệp tư nhân lò mì Tư Bông, 175 triệu đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông sản Quốc tế Hiệp Phát, 408 triệu đồng về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch UBND xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh Hà Thị Huế Nhung cho biết, chính quyền xã rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, định kỳ hằng quý, hằng năm UBND xã đã tuyên truyền đối với các doanh nghiệp trên địa bàn về công tác bảo vệ môi trường, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn sử dụng rất nhiều nước vào trong hoạt động sản xuất, hiện đang vào cao điểm nắng nóng sẽ phát sinh ra nhiều mùi hôi. Còn đối với những doanh nghiệp cố tình xả thải thì địa phương không có đủ thẩm quyền và chức năng để kết luận là các cơ sở có gây ô nhiễm môi trường hay không.

Cần xử lý quyết liệt 

Ghi nhận thực tế của phóng viên, đa số các nhà máy chế biến tinh bột sắn bị người dân phản ánh ô nhiễm là có cơ sở. Cụ thể phía sau nhà máy sản xuất tinh bột sắn thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ tổng hợp xuất nhập khẩu Hữu Đức Tây Ninh (ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) có nhiều hồ chứa nước thải với diện tích lớn, có mùi hôi thối, các hồ chứa nước thải có diện tích lớn của công ty chỉ cách khu vực sinh sống của người dân khoảng 20 mét, nhiều khu vực không có rào chắn để tách biệt với khu dân cư. Ghi nhận nguồn nước tại giếng nước của các hộ dân trong khu vực khi bơm nước lên hồ chứa có màu vàng, trên mặt nước xuất hiện lớp màn màu trắng đục, có mùi hôi tanh. Công ty này còn đổ bùn thải ra đất nông nghiệp phía sau nhà máy nhưng không thực hiện lót bạt chống thấm.

Khi phóng viên đến ghi nhận tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhà dân liền kề và khu dân cư xung quanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ tổng hợp xuất nhập khẩu Hữu Đức Tây Ninh, thì đại diện chủ doanh nghiệp cùng với nhiều công nhân đã tiếp cận đe dọa phóng viên cùng người dân, giữ phương tiện... bất chấp việc phóng viên đã trình đầy đủ giấy tờ cho lực lượng chức năng của xã Thái Bình trước đó.

Ông Ngô Thanh Bình, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cho biết, qua phản ánh của người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành đã thành lập Đoàn kiểm tra, qua kiểm tra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ tổng hợp xuất nhập khẩu Hữu Đức Tây Ninh có thêm 2 hầm chứa nước thải đã được thi công, trong đó 1 hầm đã có chứa bùn thải, hiện công ty chưa cung cấp được các hồ sơ pháp lý có liên quan về việc thi công thêm 2 hầm chứa nước thải. Ngành chức năng của huyện đã yêu cầu công ty giữ nguyên hiện trạng đối với 2 hầm chứa nước thải này, chờ đối chiếu các hồ sơ, thủ tục có liên quan để xử lý.

Đối với việc người dân phản ánh nước thải từ các hồ chứa của Công ty thẩm thấu xuống mạch nước ngầm gây ô nhiễm môi trường, ông Bình cho biết Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành chưa nhận được thông tin phản ánh cụ thể của gia đình, cá nhân nào, do đó chưa thể kết hợp với các cơ quan chuyên môn để lấy mẫu phân tích theo quy định.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh Văn Tiến Dũng cho biết, từ năm 2022 đến năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xử lý trên 20 doanh nghiệp theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có nhiều doanh nghiệp bị xử phạt trên 1,5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 3- 4 tháng. Đối với những doanh nghiệp có những hành vi vi phạm liên tục, ngoài việc đình chỉ hoạt động, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện di dời hoặc cấm hoạt động có thời hạn hoặc lâu dài, để doanh nghiệp hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải và khắc phục ô nhiễm.

Về công tác đảm bảo môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể phải xử lý nước thải đạt cột A theo quy định trước khi xả ra môi trường, tuy nhiên trong thời gian qua do nắng nóng kéo dài, một số doanh nghiệp có hệ thống xử lý môi trường cũ, hoạt động nhiều năm. Vẫn còn một số doanh nghiệp vận hành hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo, có vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên môi trường đã phối hợp với Cảnh sát môi trường, xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. 

Từ năm 2022 đến năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xử lý trên 20 doanh nghiệp theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có nhiều doanh nghiệp bị xử phạt nặng, trên 1,5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 3 đến 4 tháng. Hiện nay, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường tại tỉnh Tây Ninh là không có dùng cấm, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bắt buộc phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, để vừa kinh doanh hiệu quả, vừa đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ngành chức năng sẽ cương quyết xử lý những các doanh nghiệp vi phạm không để phát triển kinh tế mà phải đánh đổi môi trường.

Cũng theo ông Văn Tiến Dũng, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hoàn thành các hệ thống xử lý nước thải, nhất là đối với những doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Theo đó, doanh nghiệp muốn làm ăn hiệu quả, không cách nào khác là phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại, đáp ứng được yêu cầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp có những hành vi vi phạm liên tục, ngoài việc đình chỉ hoạt động, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện di dời hoặc cấm hoạt động trong thời gian dài hoặc cho dừng hoạt động, để doanh nghiệp khắc phục ô nhiễm môi trường và đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định.

Minh Phú (TTXVN)
Vụ cá chết ở khe Rào Trường: Xử phạt chủ trang trại nuôi lợn xả thải ra môi trường ​
Vụ cá chết ở khe Rào Trường: Xử phạt chủ trang trại nuôi lợn xả thải ra môi trường ​

Liên quan đến vụ cá chết ở khe Rào Trường, thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, ngày 26/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết đã ký Quyết định số 981/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính 155 triệu đồng đối với ông Phạm Ngọc Lợi, chủ đầu tư trang trại nuôi lợn ở phía thượng nguồn xả thải ra khe suối này vào đầu tháng 4/2024 khiến cá chết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN