Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quí

Lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu đa dạng đã cho Tây Nguyên một hệ thực vật rừng phong phú, trong đó có nguồn tài nguyên cây thuốc.

Nguy cơ mai một


Mặc dù nguồn tài nguyên cây thuốc và tri thức truyền đời trong sử dụng cây thuốc phong phú như vậy nhưng việc nghiên cứu cây thuốc và tri thức bản địa về cây thuốc ở Tây Nguyên còn khá khiêm tốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm cho việc khai thác và phát triển nguồn tài nguyên tri thức bản địa về cây thuốc và sử dụng cây thuốc trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên có nhiều hạn chế.

Những chính sách bảo tồn hay các đề tài dự án khai thác và phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc ở Tây Nguyên luôn cần thiết để góp phần gìn giữ và phát triển nguồn tài nguyên vô giá này.Ảnh: Lâm Đào An

Theo thống kê từ các tài liệu về cây thuốc và dược liệu của các tác giả Đỗ Tất Lợi, Võ Văn Chi (Viện Dược liệu) thì Tây Nguyên có 872 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Từ các kết quả điều tra thực vật và thực vật dân tộc học, đề tài “Điều tra, thu thập các bài thuốc dân tộc tại Tây Nguyên, đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững” của các tác giả Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đã bổ sung được 50 loài cây vào danh sách các cây thuốc của Tây Nguyên. Trong số 50 loài mới được bổ sung có một loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam ở mức độ nguy cấp, 5 loài dùng chữa cho các bệnh xương khớp, 7 loài chữa các bệnh về đường tiêu hóa, 7 loài dùng làm thuốc bổ dưỡng, 3 loài chữa các bệnh đau họng, 2 loài chữa các bệnh liên quan tới ung thư, còn lại các loài khác chữa các bệnh của phụ nữ, đau răng, rắn cắn, các bệnh về thận…

Với kết quả bổ sung này, số loài cây thuốc có ở Tây Nguyên lên tới 922 loài. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, số lượng các loài cây thuốc có ở Tây Nguyên có thể lên tới 1.500 loài. Đây là tiềm năng về cây thuốc rất lớn để phát triển dược liệu ở Việt Nam. Tuy nhiên để khai thác được nguồn tài nguyên quý giá này cần phải có chiến lược bảo tồn và phát triển hiệu quả.

Theo các nhà khoa học Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, công tác bảo tồn các loài cây quý hiếm trong đó có nhiều loài cây thuốc ở Tây Nguyên đã được làm từ sớm. Năm 1996, lần đầu tiên sách đỏ Việt Nam xuất bản, trong đó ghi nhận nhiều loài cây thuốc quý ở Tây Nguyên trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng. Trong cuốn sách đỏ xuất bản lần 2 năm 2007, 57 loài cây thuốc thuộc 36 họ thực vật bậc cao ở Tây Nguyên được ghi nhận cần bảo tồn. Trong đó có 2 loài bị đe dọa tuyệt chủng ở mức nguy cấp, đó là Rauvolfia serpentina (tên thường gọi là Ba gạc hoa đỏ hay ba gạc thuốc, ba gạc Ấn Độ) và loài Smilax petelotti T.Koyama (tên thường gọi theo tiếng Ba Na là Long kre) có công dụng chữa viêm họng, chữa có mụn trong họng, cách dùng là nhai lá nuốt lấy nước.

Nguyên nhân của các loài cây thuốc bị đe dọa tuyệt chủng là nạn khai thác một cách triệt để, thu mua ồ ạt với khối lượng lớn, liên tục trong nhiều năm gần đây. Những loài bị thu mua nhiều nhất là Lan kim tuyến, Vàng đắng, Thổ phục linh, Bình vôi… Một nguyên nhân khác dẫn tới việc các loài thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng bị đe dọa tuyệt chủng còn là sự mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp. Mỗi năm có hàng ngàn ha rừng bị chặt phá để làm nương trồng cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao… Tiếp đó là sự tăng dân số, di dân tự do, đô thị hóa nông thôn làm cho các loài thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng không còn nơi cư trú.

Các giải pháp bảo tồn và phát triển


Hiện tại Tây Nguyên có 5 vườn quốc gia là Chư Mom Ray, Kon Ka King (Gia Lai), Yok Đôn, Chư Yang Sinh (Đắk Lắk), Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) và 6 khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum), Kon Cha Răng (Gia Lai), Ea Sô, Nam Ka (Đắk Lắk), Nam Nung, Tà Đùng (Đắk Nông). Đây chính là phương án bảo tồn và khai thác các loài quý hiếm này trong các vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên vẫn còn đang là việc đáng bàn. Vì nguồn gen quý hiếm này vẫn chưa được khai thác và phát triển hay các nghiên cứu cơ bản về chúng vẫn còn rất hạn chế.

Tài nguyên cây thuốc ở Tây Nguyên rất lớn nhưng hàng ngày rừng vẫn bị thu hẹp, nhiều loài vẫn bị khai thác vô tội vạ, khai thác tận diệt thì nguồn tài nguyên này cũng sẽ sớm mất đi. Hiện nay, ngành dược vẫn phải nhập nguyên liệu tới 80%, nhiều nguồn gen quý hiếm sẽ không còn ở Việt Nam và có thể không còn trên trái đất. Để bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc quý giá này cần có những giải pháp như: Có chính sách quản lý rừng tự nhiên, hạn chế việc đốt phá rừng để phát triển cây công nghiệp, di cư tự do…

Tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn cho người dân về các phương pháp khai thác bền vững những loài cây thuốc. Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên cây thuốc tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia trong địa bàn khu vực Tây Nguyên. Xây dựng các vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia tại mỗi vùng khí hậu nhằm bảo tồn ngoại vi các loài quý hiếm, có giá trị và phát triển chúng thành nguồn giống phục vụ cho chương trình phát triển dược liệu quốc gia của Chính phủ. Kết hợp với các địa phương xây dựng các đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc có giá trị tại địa phương. Kết hợp với các địa phương, doanh nghiệp, xây dựng các mô hình bảo tồn và phát triển cây thuốc tại các địa phương, đặc biệt quan tâm tới quan hệ bốn nhà: Nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông, nhà doanh nghiệp để tổ chức các mô hình bảo tồn và phát triển.

Nguồn tài nguyên cây thuốc ở Tây Nguyên rất phong phú và đa dạng. Những nghiên cứu cơ bản về thành phần loài ngày càng làm tăng thêm số lượng loài cây thuốc ở đây. Đây thực sự là một nguồn tài nguyên đầy triển vọng. Tuy nhiên, nếu không có một chính sách bảo tồn và khai thác một cách có hiệu quả thì nguồn tài nguyên này vẫn mãi ẩn sâu trong thiên nhiên hoặc biến mất do các nguyên nhân như phát triển các cây trồng công nghiệp hay việc khai thác ồ ạt, triệt hạ. Những chính sách bảo tồn hay các đề tài dự án khai thác và phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc ở Tây Nguyên luôn cần thiết để góp phần gìn giữ và phát triển nguồn tài nguyên vô giá này.

V.T

Y tế đến từng thôn, buôn
Y tế đến từng thôn, buôn

Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên trong những năm qua đã có những chuyển biến quan trọng. Cơ sở vật chất của ngành y tế đã tăng gấp 3 lần;

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN