Ưu tiên xây dựng dự án luật, pháp lệnh thể chế hoá quy định Hiến pháp

Sáng 23/4, tiếp tục Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có thẩm quyền cần đề cao nhiệm vụ xây dựng pháp luật, thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong hoạt động của cơ quan mình; xây dựng dự thảo văn bản để bảo đảm tiến độ và chất lượng của dự án luật, pháp lệnh.

Theo đánh giá của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội – cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm tra chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn những hạn chế như: Một số dự án trình không theo đúng tiến độ đã đề ra; tình trạng “tồn đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã được hạn chế nhưng vẫn còn; chất lượng chuẩn bị một số dự án còn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Việc gửi tài liệu của nhiều dự án cho cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội không đúng thời gian theo quy định.

Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, Chính phủ đề xuất tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, dự kiến khoảng 10 đến 15 ngày vào cuối tháng 7 năm 2015. Tuy nhiên, tại phiên họp, đa số đại biểu không tán thành với phương án này bởi như vậy sẽ gây tốn kém về tài chính và mất thời gian.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu ý kiến tại phiên hop. Ảnh : Dương Giang – TTXVN


Các đại biểu đề nghị chỉ tổ chức 2 kỳ họp như hiện này và có thể kéo dài kỳ họp để có thêm thời gian cho ý kiến để nâng cao chất lượng các dự án luật và hoàn thành chương trình thông qua các dự án theo dự kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho rằng, thực tiễn vừa qua, việc soạn thảo các dự án luật chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ của Chương trình xây dựng pháp luật cho nên có việc đưa vào rồi lại rút ra. Ông Hằng tán thành với quan điểm tổ chức 2 kỳ họp và có thể kéo dài thời gian để xem xét các dự án ưu tiên, đủ điều kiện, chất lượng.

Không tán thành với cả hai phương án này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, nếu số lượng dự án trình quá nhiều sẽ mất rất nhiều thời gian các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội và kỳ họp Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại, tập trung ưu tiên các luật có chương trình, hạn chế nhất việc thay đổi, bổ sung. Tập trung cho các dự án Luật để chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội vào năm 2016.

Trong tờ trình, năm 2014, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình 02 dự án là Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật tổ chức chính quyền địa phương để có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, hai dự án Luật này vì mối liên quan chặt chẽ đến những dự án luật khác cần phải chỉnh sửa. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, cần xem xét thông qua sớm.
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc các cơ quan của Quốc hội, ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.


Quang Vũ

Khai mạc phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 13 dự án luật, xem xét về công tác giám sát, chương trình xây dựng pháp luật và một số nghị quyết quan trọng khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN